Nguồn thông tin tin cậy đối với Quốc hội và các cơ quan dân cử
Cụ thể hóa thông điệp nêu ra, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết: KTNN là một thiết chế vô cùng quan trọng của một nền quản trị quốc gia. Nếu Nhà nước chi một lúc hàng triệu tỷ đồng thì khoản chi ấy có đúng, có hiệu quả, hiệu lực và nó cải thiện như thế nào? Đó là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mỗi nền quản trị quốc gia.
Đối với nước ta, vấn đề này lại càng hệ trọng, bởi chúng ta đã bắt đầu quá trình hiện đại hóa. Do bắt đầu quá trình hiện đại hóa, chúng ta mới có cơ quan KTNN. Kiểm tra, đánh giá đúng các báo cáo tài chính, đó là chức năng mà KTNN có thể cung cấp, giúp nền quản trị quốc gia hiệu quả hơn, tiền của người dân được chi đúng đắn hơn.
Hiện nay, chúng ta đang quan tâm đến phòng, chống tham nhũng và vai trò của KTNN là rất lớn. KTNN không chỉ mang lại lòng tin, mà còn nâng cao chất lượng nền quản trị quốc gia, bảo đảm việc quản lý tài chính, ngân sách quốc gia tốt hơn, góp phần không nhỏ vào quá trình phòng, chống tham nhũng.
KTNN không chỉ mang lại lòng tin mà còn nâng cao chất lượng nền quản trị quốc gia, bảo đảm việc quản lý tài chính, ngân sách quốc gia tốt hơn, góp phần không nhỏ vào quá trình phòng, chống tham nhũng.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, kết quả kiểm toán của KTNN nói chung, cũng như kết quả kiểm toán ngân sách nói riêng trong 30 năm qua có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của các cơ quan dân cử cũng như các đại biểu Quốc hội.
Thứ nhất, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền phân bổ ngân sách, phê duyệt các dự án đầu tư công. Để quyết định về ngân sách thì nguồn thông tin là rất quan trọng. Vậy, thông tin có từ nguồn nào? Tất nhiên, báo cáo của Chính phủ là một nguồn tin. Thế nhưng, những cái bất lợi thì cơ quan nào sẵn sàng báo cáo với Quốc hội? Bởi vậy, thông tin mà KTNN cung cấp là một nguồn hết sức quan trọng để Quốc hội ra các quyết định.
Thứ hai, Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân (HĐND) phải bảo đảm trách nhiệm giải trình hay giám sát các cơ quan quyền lực công, các cơ quan công quyền. Giám sát, chất vấn như thế nào nếu không có thông tin. Nhiều Quốc hội trên thế giới thành lập các cơ quan dịch vụ, nghiên cứu để làm vấn đề này. Nhưng theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, các cơ quan dịch vụ, nghiên cứu không thể cung cấp được hệ thống thông tin tốt như KTNN. Nếu nền quản trị có trách nhiệm giải trình tốt thì rõ ràng Quốc hội phải vận hành hiệu quả. Muốn Quốc hội vận hành hiệu quả thì phải có một hệ thống thông tin chuẩn. Hệ thống thông tin đó đến từ kiểm toán và chất lượng báo cáo kiểm toán càng tốt bao nhiêu thì khả năng giám sát của Quốc hội càng tốt bấy nhiêu. Điều này giúp Quốc hội nói chung và từng đại biểu Quốc hội nói riêng.
Thứ ba, một vai trò hết sức quan trọng của KTNN liên quan đến Quốc hội, đó là Quốc hội là thiết chế có thể áp đặt những thay đổi, tạo áp lực để thay đổi. Qua giám sát và chất vấn, Quốc hội có thể tác động để các cơ quan nhà nước phải cải thiện quy trình quản lý của mình.
Thứ tư, báo cáo kiểm toán có rất nhiều thông tin và rất nhiều kiến nghị để Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật. Khi có những sai phạm xảy ra do pháp luật có chỗ hổng hoặc quy định chưa hợp lý, báo cáo kiểm toán là nguồn thông tin để Quốc hội thông qua hoạt động lập pháp có thể hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Như vậy, 4 yếu tố trên cho thấy, KTNN quan trọng như thế nào đối với Quốc hội và các cơ quan dân cử.
Những việc cần làm
Thời gian tới, để đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội, cũng như các cơ quan dân cử, theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, KTNN phải làm mấy việc.
Đầu tiên, phải bảo đảm hơn nữa vị thế độc lập của KTNN.
Thứ hai, phải nâng cao năng lực hơn nữa cho KTNN, từ đào tạo tiếng Anh và đặc biệt phải áp dụng ngay trí tuệ nhân tạo. Chúng ta đang số hóa, khi áp dụng trí tuệ nhân tạo, nhiều người nói rằng, kiểm toán sẽ mất việc. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo là công cụ giúp hiệu năng hơn. Muốn vậy, KTNN phải xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm toán và áp dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm toán. Đây là điều rất quan trọng và nếu làm được như vậy thì không ai “qua mặt” được KTNN.
Thứ ba, một điều rất quan trọng là phải làm sáng tỏ và nếu cần thì quy định trong luật về cơ chế để thực hiện các kiến nghị kiểm toán. Có 3 công đoạn và 3 cơ chế để thực hiện kiến nghị kiểm toán. Một là, đối với đơn vị được kiểm toán, những nội dung KTNN phát hiện, đơn vị đã đồng ý thì đơn vị phải thực hiện. Cơ chế phải rất rõ, đơn vị phải sửa ngay và có quy định về thời gian. Hai là, Chính phủ là cơ quan quản lý việc chi tiêu, cho nên phải có những cơ chế, công cụ để áp đặt việc thực thi kiến nghị của KTNN. Ba là, cơ chế quan trọng nhất là Quốc hội phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình. Quốc hội “sinh ra” KTNN. Khi KTNN đã báo cáo thì Quốc hội phải có cơ chế để bảo đảm thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Cơ chế đấy, Quốc hội có rất nhiều công cụ. Trước hết, Quốc hội giao cho Ủy ban Tài chính, ngân sách, nếu cần thì tổ chức các phiên giải trình. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ chất vấn ở phiên họp toàn thể. Ngoài ra, Quốc hội các nước có một công cụ, đó là có những phiên thảo luận về một báo cáo kiểm toán với các kiến nghị đã nêu. Cuối cùng, Quốc hội có thể ban hành Nghị quyết trên cơ sở thảo luận về các kiến nghị kiểm toán và như thế việc thực hiện có tính bắt buộc. Nếu chúng ta thực hiện cả 3 khâu trong cơ chế thực thi kiến nghị của KTNN thì nền quản trị của chúng ta được cải thiện rất nhanh.
Cuối cùng, KTNN phải gìn giữ sự liêm chính tối đa. Nếu KTNN không có điều đó thì hoạt động kiểm toán không có giá trị và ai không nghe. Vì vậy, các kiểm toán viên cần được trả lương chu đáo để họ giữ được sự liêm chính. Điều đó là quan trọng nhất./.