5 cụm từ khóa để Đông Nam Bộ tiếp tục phát huy vai trò “Thành đồng Tổ quốc”

(BKTO) - Sáng 05/5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ - chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng với nội dung trọng tâm là tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành một ngày trước đó.

1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: CP

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các đại biểu thảo luận các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về triển khai Quy hoạch; sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ và chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị; tình hình triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ; các chính sách đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Hội nghị cũng thảo luận về Báo cáo của UBND TP. HCM về đề xuất các cơ chế chính sách triển khai dự án Vành đai 4 TP. HCM, về tình hình triển khai dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài; Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ, tuyến đường Vành đai 4 TP. HCM, cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa.

Lãnh đạo các bộ, ngành đề xuất các ưu tiên, giải pháp, giải pháp mang tính đột phá, các cơ chế, chính sách đặc thù cần sớm thí điểm triển khai; khai thông và tranh thủ các nguồn lực phục vụ phát triển vùng; các vấn đề đặt ra trong công tác điều phối vùng khi quy hoạch được phê duyệt; công tác phối hợp nội vùng, liên vùng, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương… để thực hiện Quy hoạch với hiệu quả cao nhất.

5 điểm được nổi bật

Phát biểu kết luận, Thủ tướng trước hết khái quát 5 điểm được nổi bật trong kết quả thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và hoạt động của Hội đồng vùng 1 năm qua.

Thứ nhất, việc tổ chức thực hiện và việc hoàn thiện thể chế được tiến hành nhanh chóng với tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận mới, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là mang lại hiệu quả cụ thể. Hội đồng vùng đã được thành lập, hoàn thiện quy chế hoạt động, tổ chức 3 hội nghị giao ban với các chủ đề trúng, đúng.

Về việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM gồm nhiều cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, vượt trội, lần đầu tiên được áp dụng tạo điều kiện để Thành phố phát triển mạnh mẽ; Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó gồm các công trình đường bộ quan trọng của Vùng được áp dụng.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Cùng với đó, Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 6/6 quy hoạch vùng và đang phấn đấu tới 30/6 này sẽ hoàn thành phê duyệt tất cả các quy hoạch tỉnh, thành phố (hiện đã được khoảng 50%).

Thứ hai, các số liệu thống kê "cân đong đo đếm được" về phát triển kinh tế-xã hội cho thấy vùng Đông Nam Bộ có diện tích nhỏ (dân số chiếm 7,1% và dân số chiếm 18,9%) nhưng đóng góp lớn, quan trọng cho cả nước, nhất là về các động lực tăng trưởng truyền thống.

Thứ ba, kết quả cụ thể, nhìn thấy rất rõ về phát triển hạ tầng, như tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 TP. HCM, các tuyến cao tốc; việc thúc đẩy các dự án, như Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa-Vũng Tàu (khu Cái Mép - Thị Vải)…

Thứ tư, các đồng chí bí thư, chủ tịch, cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong vùng đã nỗ lực, làm hết trách nhiệm của mình với nhân dân, quê hương và đất nước.

Thứ năm, tất cả các tỉnh, thành phố trong vùng có tinh thần, động lực, khát vọng phát triển rất cao với sự chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ.

2.jpg
Thủ tướng nhấn mạnh 5 cụm "từ khóa" trong tổ chức thực hiện. Ảnh: CP

Cơ chế, chính sách ưu tiên sẽ cộng hưởng với tiềm năng, cơ hội và lợi thế của vùng

Để triển khai Quy hoạch vừa được phê duyệt và tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng nhấn mạnh, Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá; phương án phát triển, giải pháp, chính sách ưu đãi, nguồn lực thực hiện quy hoạch thời gian tới. Quy hoạch sẽ mở ra tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới trong bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Theo Thủ tướng, khi cơ chế, chính sách ưu tiên cộng hưởng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng thì vùng Đông Nam Bộ sẽ phát triển mạnh mẽ.

Các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đã được chỉ rõ tại các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Quy hoạch vùng, Thủ tướng nhấn mạnh 5 cụm "từ khóa" trong tổ chức thực hiện: Tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả.

Đồng thời, cơ chế, chính sách phải thông thoáng, đổi mới, hiện đại; hạ tầng chiến lược phải tiến nhanh lên hiện đại; quản trị phải thông minh, phù hợp xu thế phát triển mới.

Cùng với đó, phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức) và đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện hơn 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực)…

3.jpg
Thủ tướng trao quyết định quy hoạch cho các địa phương. Ảnh: CP

6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Thủ tướng chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mà trước hết là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng.

Thứ hai, tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của vùng (thương mại điện tử, trung tâm logistics tầm cỡ khu vực, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…) và Trung tâm tài chính quốc tế TP. HCM.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển, ngoài các dự án đã triển khai là các dự án hạ tầng giao thông mới như cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, hạ tầng đường sắt, đường thủy…

Thứ tư, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là nhân lực bán dẫn, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường sống lành mạnh cho người dân.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các dự án trọng điểm, quan trọng để mời gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

Thứ sáu, đẩy mạnh các hoạt động điều phối vùng, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội và các cơ chế, chính sách khác đã được Trung ương ban hành; các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistic, dịch vụ chất lượng cao…

Thúc đẩy tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược

Về các dự án cụ thể, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục chỉ đạo giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong quá trình xây dựng, hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP. HCM.

Về Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cơ sở chính trị, pháp lý đã có, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện thủ tục bổ sung vào quy hoạch cảng biển trong vòng 10 ngày.

Về dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đảm bảo dự án đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương dự án, hoàn thành trước ngày 15/5.

Về dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Về đường Vành đai 4 TP. HCM, Thủ tướng cơ ban đồng tình với các đề xuất của UBND TP. HCM, giao UBND TP. HCM hoàn thiện báo cáo, sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tìm phương án cân đối nguồn vốn, tinh thần là huy động cả vốn Trung ương và địa phương, nghiên cứu hợp tác công tư, phát hành trái phiếu Chính phủ…

Thủ tướng yêu cầu cơ bản hoàn thành dự án sân bay Long Thành trong năm 2025, khánh thành Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp 30/4/2025; đẩy nhanh tiến độ một số dự án cao tốc, nhất là tuyến TP. HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, dự thảo Kết luận của Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện Quy hoạch, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp gắn với cơ quan chủ trì và thời hạn hoàn thành phân công cụ thể các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng, địa phương, với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đưa vùng Đông Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước tiếp tục phát huy vai trò "Thành đồng Tổ quốc" trong phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ mới./.

Cùng chuyên mục
  • Giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ
    14 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Người đứng đầu bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của nhân sự do mình giới thiệu; thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu…
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ qua góc nhìn của học giả quốc tế
    14 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Chiến thắng Điện Biên Phủ cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới trong thế kỷ XX. Tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn khiến nhiều bạn bè và các học giả quốc tế ngưỡng mộ.
  • Đồng chí Trương Thị Mai cùng Đoàn Đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri tại tỉnh Hòa Bình
    14 ngày trước Đối nội
    (BKTO) - Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 4/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hòa Bình đã tiếp xúc cử tri tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
  • Sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    15 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày 03/5, tại Sân vận động tỉnh Điện Biên, Ban Chỉ đạo Trung ương (T.Ư) kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025, đã tổ chức sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024).
  • Đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    15 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, phương án về bảo vệ bị Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; huy động 3.000 lượt cán bộ, chiến sỹ các lực lượng tham gia; xây dựng phương án xử lý tình huống phục vụ đảm bảo an ninh trật tự cho Lễ kỷ niệm... Đến thời điểm này, các hoạt động đã được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không xảy ra sự cố.
5 cụm từ khóa để Đông Nam Bộ tiếp tục phát huy vai trò “Thành đồng Tổ quốc”