56 địa phương với 326 dự án giải ngân dưới 30%

(BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 9, cả nước còn 326 dự án của 56 địa phương giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2024 so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

dtc.jpg
Bộ Tài chính đề nghị UBND cấp tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân tất cả nguồn vốn đầu tư công. Ảnh minh họa

Theo Bộ Tài chính, để đạt được mục tiêu giải ngân vốn ĐTC năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao theo chỉ đạo, điều hành tại các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác giải ngân vốn ĐTC kế hoạch năm 2024, Bộ Tài Chính đã thực hiện công khai danh mục công trình, dự án ĐTC giải ngân kế hoạch năm 2024 đến ngày 30/9/2024 nguồn vốn ngân sách trung ương (NSTƯ) theo ngành, lĩnh vực (vốn trong nước) có tỷ lệ giải ngân dưới 30% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao do ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (địa phương) quản lý.

Cụ thể, tổng kế hoạch vốn năm 2024 nguồn NSTƯ theo ngành, lĩnh vực (vốn trong nước) do địa phương quản lý là 86.746,6 tỷ đồng, chiếm 90,16% tổng nguồn NSTƯ theo ngành, lĩnh vực do địa phương quản lý (96.203,4 tỷ đồng). Đến hết tháng 9/2024, ước giải ngân được 39.890 tỷ đồng, đạt 45,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (47,29%).

Tuy nhiên, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 30/9/2024 còn 326 dự án giải ngân dưới 30% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao của 56 địa phương; đặc biệt có 82 dự án chưa giải ngân; 5 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải có tỷ lệ giải ngân dưới 30%, gồm: Dự án thành phần 1.1 Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (thuộc dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô); Dự án thành phần 1.3 Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (thuộc dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô); Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; Tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Từ thực trạng trên, Bộ Tài chính đề nghị UBND cấp tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC của tất cả các nguồn vốn: NSTƯ, ngân sách địa phương và các nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC những tháng cuối năm 2024.

Chỉ đạo chủ đầu tư, sở, ngành và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát tất cả các dự án trong kế hoạch ĐTC năm 2024, đẩy mạnh công tác thanh toán, quyết toán công trình, dự án sử dụng vốn ĐTC; chủ động rà soát, báo cáo kịp thời phương án điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp tỉnh gửi các bộ có liên quan để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định trước ngày 15/11/2024.

Riêng đối với các dự án quan trọng quốc gia, đề nghị các địa phương tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 19/9/2024 về Quyết định Kế hoạch triển khai đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", văn bản số 673/TTg-CN ngày 5/9/2024 về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025 nhằm hưởng ứng phong trào thi đua và các thông báo, văn bản chỉ đạo có liên quan.

Thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; việc tạm ứng, mức vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng theo đúng quy định của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn ĐTC, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao./.

Cùng chuyên mục
56 địa phương với 326 dự án giải ngân dưới 30%