6 giải pháp cần triển khai để không đứt gãy nguồn cung xăng dầu

(BKTO) - Trong 36 đầu mối kinh doanh xăng dầu của cả nước, mới chỉ có 22 doanh nghiệp thực hiện đạt và vượt kế hoạch được phân giao, kế hoạch bổ sung. Đến thời điểm cho phép, Bộ Công Thương sẽ đề xuất xử lý các doanh nghiệp không thực hiện theo kế hoạch - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

a(2).jpg
Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với các doanh nghiệp đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu mới đây. Ảnh: BCT

Tình hình cung ứng xăng dầu tiếp tục khó khăn

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tình hình cung ứng xăng dầu trên toàn thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam hiện nay đều “không bình thường”, dù Chính phủ, các Bộ, ngành và các doanh nghiệp đầu mối trong nước đã rất nỗ lực để đảm bảo nguồn cung, trong đó vai trò, đóng góp của các doanh nghiệp đầu mối là thực sự quan trọng.

Để ứng phó với tình hình “không bình thường”, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, phải có những giải pháp linh hoạt, chủ động. Đơn cử, khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp trục trặc đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã lập tức giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II cho 10 doanh nghiệp đầu mối, đồng thời liên tục họp với các doanh nghiệp để đánh giá tình hình thực hiện tổng nguồn 9 tháng và phân giao kế hoạch quý IV nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Kết quả, 9 tháng đầu năm, tổng nguồn xăng dầu các doanh nghiệp đầu mối đã thực hiện đạt 86,6% kế hoạch cả năm, trong đó hạn mức nhập khẩu đạt đến 115,9% kế hoạch.

Về chủ động nguồn cung trong nước, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, năng lực sản xuất của 2 nhà máy Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt 4,1-4,3 triệu m3/quý, tương đương 45.000-50.000 m3/ngày, trên tổng nhu cầu thị trường trong nước khoảng 5,5 triệu m3/quý.

Trong những tháng tới, bên cạnh các giải pháp đang triển khai, PVN sẽ tiếp tục cùng các đối tác thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ giao nhận, điều chỉnh quá trình sản xuất, tiêu thụ đồng bộ để có thể đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất.

Từ phía Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Giám đốc Đào Nam Hải chia sẻ, để đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng cao đột biến trên phạm vi cả nước, trong tháng 10, sản lượng bán của Công ty Xăng dầu Khu vực II đã tăng mạnh 38% so với bình quân 9 tháng đầu năm, có những ngày lượng xuất bán tăng tới 2,4 lần so với ngày thường.

Thị phần của Tập đoàn tại các các tỉnh phía Nam đạt 25-35%, nhưng đã chạm mức 40-45% vào giai đoạn “nóng” nhất về nguồn cung. Tập đoàn đã phải điều động khẩn cấp tàu xăng 40.000 m3 về cảng Nhà Bè để kịp thời xử lý khó khăn, đáp ứng nhu cầu của thị trường TP.HCM.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, sức chống chịu của doanh nghiệp có giới hạn, những giải pháp đã thực hiện chỉ mang tính ngắn hạn, tình thế nên cần có các giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

6 giải pháp cần triển khai để không đứt gãy nguồn cung

Bộ trưởng Công Thương lý giải, đầu năm, chúng ta dự báo tăng trưởng GDP từ 6,5 đến 7% nên sản lượng xăng dầu dự báo tăng thêm 15% so với sản lượng thực hiện năm 2021. Đến tháng 02/2022, chúng ta tiếp tục giao tăng 20% sản lượng từ thời điểm quý II trở đi, nghĩa là sản lượng phân giao đã đủ, đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước ở mức 7,5 đến 8%.

Để không đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên phạm vi cả nước, đặc biệt là để giải quyết những địa bàn đã và đang có hiện tượng đứt gãy cục bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa đưa ra 6 giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.

Thứ nhất, các doanh nghiệp nhà nước bao gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Cổ phần thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ và Công ty cổ phần Xăng dầu Sài Gòn khẩn trương xem xét để xuất dự trữ thương mại, đáp ứng nhu cầu cho hệ thống của mình và ứng cứu cho những địa bàn đang thiếu hụt cục bộ.

Nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng 80% nhu cầu nhưng cần hiểu rõ trong 80% nguồn cung do 2 nhà máy trong nước sản xuất thì một nửa trong số đó vẫn phải nhập khẩu dầu thô (xăng dầu nguyên liệu). Do Việt Nam nhập dầu thô từ nước ngoài nên vẫn đang phải lệ thuộc vào thị trường thế giới. Như vậy, tính ra Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương

Thứ hai, đề nghị Tập đoàn dầu khí Việt Nam chỉ đạo và làm việc với 2 nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn tiếp tục vận hành tối đa, vượt công suất để tiếp tục cung ứng ra thị trường xăng dầu thành phẩm, đáp ứng nhu cầu của đất nước.

Thứ ba, tất cả các doanh nghiệp đầu mối của Nhà nước và tư nhân phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch phân giao, càng vượt định mức bao nhiêu thì càng tốt bây nhiêu để sẵn sàng bù đắp sản lượng thiếu hụt do các doanh nghiệp khác đã không thực hiện và chưa thực hiện được kế hoạch phân giao của mình.

Thứ tư, Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường cần phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý, doanh nghiệp bán lẻ nếu không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Hiện Chính phủ đang giao Bộ Công Thương rà soát để sửa đổi, điều chỉnh các quy định hiện hành của Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP. Bộ Công Thương sẽ sửa theo hướng những điều kiện của thương nhân phân phối cho đến cửa hàng bán lẻ được quy định phù hợp với thực tế hơn.

Bộ cũng sẽ sửa theo hướng một mặt tăng trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội, nhiệm vụ chính trị của các doanh nghiệp nói chung, của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhất là doanh nghiệp Nhà nước nói riêng. Mặt khác, cũng phải xây dựng cơ chế để bảo đảm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.

Thứ năm, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cùng kiến nghị các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng thực hiện theo Thông báo số 341 kết luận ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái để đôn đốc, giám sát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm những đơn vị không thực hiện đúng kết luận này.

Đồng thời, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước trong thời điểm này cần phải có tiếng nói mạnh mẽ nhất, đồng bộ nhất để kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về bảo lãnh, vốn, chi phí phát sinh để bảo đảm doanh nghiệp không bị lỗ triền miên và có điều kiện đảm bảo vận hành hệ thống phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ.

Thứ sáu, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí cùng với Bộ, Hiệp hội Xăng dầu và các doanh nghiệp để truyền thông rộng rãi tới mọi tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về bối cảnh, tình hình cung ứng năng lượng, cung ứng xăng dầu trên phạm vi toàn cầu.

Bởi việc đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng đang diễn ra gay gắt, ngay cả các thị trường lớn cũng đang rất căng thẳng. Việt Nam tới thời điểm này đã đạt được những kết quả nỗ lực đáng ghi nhận. Đồng thời, trong bối cảnh khó đoán định nên dự báo hiện tại đã khó khăn rồi thì thời gian tới càng khó khăn hơn nên chúng ta phải sẵn sàng tâm thế trong mọi hoàn cảnh.

Hiện Bộ Công Thương cũng đã và đang nỗ lực làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình để kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Do vậy, toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu phải cùng nhau có tiếng nói khách quan, nỗ lực hơn nữa để thị trường xăng dầu được ổn định, góp phần vào sự phát triển của đất nước...

Cùng chuyên mục
6 giải pháp cần triển khai để không đứt gãy nguồn cung xăng dầu