Hải Dương phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững

(BKTO) - Đến năm 2025, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời…

1.png
 Hải Dương phấn đấu nhân rộng ít nhất 16 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: baohaiduong

Các chỉ tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2025

Theo Kế hoạch số 3071/KH-UBND, ngày 26/10/2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, tỉnh hoàn thành mục tiêu hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 16 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Phấn đấu trên 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập;

100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.

Đến năm 2025, Chương trình cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như sau:

Về việc làm, 100% người lao động trong độ tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu đều được hỗ trợ kết nối, tư vấn định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm. Phấn đấu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu tìm kiếm việc làm được hỗ trợ kết nối việc làm, trong đó có tối thiểu 90% được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

2.png
Nông dân được áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng hiệu quả và giảm ngày công lao động. Ảnh:baohaiduong

Phấn đấu 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu, được tham gia khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo các Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.

Về y tế, 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; hỗ trợ thêm 20% mức đóng bảo hiểm y tế (ngoài 30% mức ngân sách nhà nước đã hỗ trợ) đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình khi có nhu cầu tham gia; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 16 tuổi dưới 18,5% vào năm 2025.

Đối với giáo dục, đào tạo, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đến năm 2025 đạt 33%.

Về nhà ở, tối thiểu 2.331 hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Về nước sinh hoạt và vệ sinh, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Về thông tin, 35% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.

4 nhóm giải pháp thực hiện

Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND tỉnh xác định 4 nhóm giải pháp thực hiện. Trước tiên là, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; lồng ghép nguồn lực; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, kế hoạch.

Theo đó, ngân sách địa phương giữ vai trò chủ yếu, bố trí ưu tiên nguồn lực thực hiện Kế hoạch, các chính sách đối với người nghèo, hộ nghèo; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo bền vững thông qua các chương trình, phong trào, chính sách của Trung ương và của tỉnh; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Thực hiện cơ chế lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện chính sách giảm nghèo, nguồn lực huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.

Triển khai các phong trào, cuộc vận động, khuyến khích các DN giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; vận động các tổ chức, cá nhân và hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo theo địa chỉ. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân như chính sách hỗ trợ học phí, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, các chính sách tín dụng xã hội, chính sách hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về nhà ở, nước sạch hợp vệ sinh.

Hai là, thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo, hộ nghèo có đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo dân tộc thiểu số; khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Thực hiện cơ chế hỗ trợ địa phương, cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong thực hiện Kế hoạch. Khuyến khích, mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân trên địa bàn nghèo thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Trên cơ sở tổng nguồn lực được giao, địa phương sẽ chủ động bố trí ngân sách, xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 và hằng năm để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch đề ra. Áp dụng cách tiếp cận giảm nghèo dựa vào cộng đồng; mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động của Kế hoạch; bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện Kế hoạch.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với người nghèo. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo về kiến thức trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình, các cơ sở truyền thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo tới nhân dân và các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở; kịp thời giới thiệu, tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững.

Bốn là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về công tác giảm nghèo trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp về giảm nghèo trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh./.

Cùng chuyên mục
Hải Dương phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững