Ninh Thuận: Tổng vốn đầu tư phát triển 10 tháng tăng 19,3% so với cùng kỳ

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, tính chung 10 tháng năm 2022, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý ước đạt 1.556,8 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn NSNN cấp tỉnh 988,3 tỷ đồng, tăng 8,3%; vốn NSNN cấp huyện 566,0 tỷ đồng, tăng 44,9%.

1512ninhthuan.jpg
Một góc bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: TTXVN

Trong tháng 10/2022, tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN do địa phương quản lý đạt 224,5 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn NSNN cấp tỉnh 165,8 tỷ đồng, tăng 18,2%; vốn NSNN cấp huyện 58,7 tỷ đồng, giảm 26,8%.

Nguồn vốn đầu tư trong tháng chủ yếu thực hiện các dự án chuyển tiếp như: Đường nối từ trung tâm Thị trấn Tân Sơn đi ngã tư Tà Năng - Đức Trọng; Dự án vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải giai đoạn 2 - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai - tỉnh Ninh Thuận; Mở rộng đường Văn Lâm - Sơn Hải; Đường đôi vào Tp. Phan Rang - Tháp Chàm (đoạn phía Nam); Xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Ninh Thuận…

Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện đề án “Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, Ninh Thuận sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời đang triển khai, cảng tổng hợp Cà Ná, hướng đến trở thành cảng có chức năng trung chuyển quốc tế trong tương lai.

Ngoài ra, Ninh Thuận cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phước Nam để phát triển các ngành lắp ráp điện tử, tin học, các ngành nghề công nghệ cao, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí; sản xuất hàng tiêu dùng, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ lắp đầy 100%.

Song song đó, phát triển khu công nghiệp Cà Ná, cụm công nghiệp Hiếu Thiện với nhóm ngành công nghiệp sản xuất thiết bị phục vụ các ngành năng lượng tái tạo và năng lượng, công nghệ cơ khí, chế tạo, phát triển công nghiệp... phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ lắp đầy 70%.

Về hạ tầng giao thông, tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bắc – Nam; ưu tiên đầu tư hoàn thành tuyến đường nối từ đường cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1A và cảng biển Cà Ná, sớm hoàn thành đưa vào khai thác cảng biển nước sâu Cà Ná có trọng tải đến 300.000 DWT.

Cùng với đó là thực hiện Quy hoạch đầu tư xây dựng nhà ga mới và tuyến đường sắt nối Cảng tổng hợp Cà Ná với đường sắt Thống Nhất tại ga Cà Ná mới theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cũng theo kế hoạch, bên cạnh nguồn vốn NSNN, Ninh Thuận sẽ kêu gọi, thu hút đầu tư các công trình phụ trợ, như cảng cạn và trung tâm logistics, trạm dừng nghỉ, bến xe, bãi đỗ xe. Khuyến khích và huy động cao nhất nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng.

Cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổng vốn đầu tư phát triển 10 tháng tăng 19,3% so với cùng kỳ