6 nguyên tắc xây dựng kế hoạch kiểm toán

(BKTO) – Theo Quy định của Kiểm toán nhà nước (KTNN), việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn phải đảm bảo 6 nguyên tắc: Tính độc lập; khách quan, minh bạch; tính hệ thống, toàn diện, khả thi; tập trung, dân chủ; đảm bảo sự phối hợp tốt với các cơ quan liên quan để tránh trùng lặp và đảm bảo sự phù hợp.

112kt.jpg
KTNN quy định nguyên tắc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn đảm bảo sự phối hợp tốt với các cơ quan trong hệ thống thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước; hạn chế trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Ảnh minh họa.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ký Quyết định số 02/2023/QĐ-KTNN ban hành Quy định lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của KTNN.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 03/2017/QĐ-KTNN của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc ban hành Quy định lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của KTNN.

Quy định này quy định về trình tự, nội dung công việc, nhiệm vụ và trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc KTNN, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của KTNN.

Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp điều chỉnh, bổ sung, thay đổi kế hoạch kiểm toán năm hoặc các kế hoạch kiểm toán của KTNN đã cam kết thực hiện theo các văn bản ký kết với đối tác nước ngoài.

Quy định này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc KTNN và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của KTNN.

Theo Quy định, việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013; tuân thủ quy định của Luật KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

Để đảm bảo tính hệ thống, toàn diện và tính khả thi, kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn phải được xây dựng phù hợp với thời gian, nguồn nhân lực và điều kiện về cơ sở vật chất của KTNN; cân đối và phù hợp với kế hoạch công tác khác; dự phòng quỹ thời gian và nhân lực thích hợp để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất theo quy định của Luật KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Nhằm đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, các đơn vị trực thuộc KTNN đề xuất kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn trên cơ sở các định hướng của KTNN; tập hợp được trí tuệ của tập thể công chức, kiểm toán viên. 

Kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn đảm bảo sự phối hợp tốt với các cơ quan trong hệ thống thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước; hạn chế trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

 Việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn còn phải đảm bảo sự phù hợp với kế hoạch, chiến lược phát triển KTNN theo từng thời kỳ.

112-kt-2.jpg
KTNN quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán. Ảnh minh họa.

Quy định đưa ra 6 căn cứ lập kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn, gồm: Luật KTNN, Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước.

Chiến lược phát triển KTNN, kế hoạch thực hiện chiến lược từng giai đoạn của KTNN; kế hoạch kiểm toán trung hạn (đối với kế hoạch kiểm toán năm).

Các văn bản quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách hằng năm, trung hạn của Trung ương và địa phương; thực tiễn quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách trong năm và các thời kỳ trước, sau có liên quan.

Yêu cầu thực tiễn và năng lực thực tế của KTNN.

Các kế hoạch công tác của KTNN.

Các văn bản yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội và của các cơ quan chức năng có liên quan.

Theo Quy định, việc lựa chọn đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán dựa trên một hoặc các tiêu chí: Đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán có mục tiêu, trọng tâm và nội dung kiểm toán phù hợp với định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của KTNN.

Đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán được đánh giá có rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát cao.

Đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán đang được Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương và dư luận xã hội quan tâm.

Đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán liên quan đến công tác thu, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí có quy mô lớn so với các đơn vị, chủ đề kiểm toán khác.

Đơn vị, đầu mối, chủ đề chưa được kiểm toán hoặc có khoảng cách có thời gian dài kể từ lần kiểm toán trước hoặc phải kiểm toán thường xuyên, định kỳ theo quy định.

Bên cạnh các quy định chung tại Chương I, KTNN còn quy định  trình tự lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm; việc lập, ban hành kế hoạch kiểm toán trung hạn; trách nhiệm của các đơn vị trong tổ chức xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn./.

Cùng chuyên mục
6 nguyên tắc xây dựng kế hoạch kiểm toán