Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ phát hiện lao các thể trên toàn quốc đều giảm so với cùng kỳ năm 2017. Số bệnh nhân lao các thể được phát hiện đạt 49.422 ca, giảm 2.468 ca (tương ứng với 4,76% so với năm 2017); số bệnh nhân lao mới có bằng chứng vi khuẩn học giảm 940 ca so với cùng kỳ năm 2017, tương ứng với 3,2%.
Miền Bắc có tỷ lệ phát hiện lao các thể giảm mạnh nhất là 39,98/100.000 dân, giảm 14,5% so với năm 2017. Miền Trung tỷ lệ phát hiện năm 2018 giảm 9,4% đạt 39,98/100.000 dân. Trong khi đó tại miền Nam, con số này chỉ giảm nhẹ 3,1%, đạt 69,72/100.000 dân. Một số tỉnh không được triển khai hoạt động phát hiện chủ động như những năm trước nên số liệu phát hiện cũng có sự thuyên giảm so với trước đây. Trong 6 tháng đầu năm, có 27/63 tỉnh đạt chỉ tiêu 50% tổng số ca mới và tái phát được phát hiện.
Về công tác điều trị, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát đạt 87,7%, thấp hơn tỷ lệ khỏi cùng kỳ năm 2016 (89,3%) , đạt mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra là trên 85% tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu đặt ra của Chương trình Chống lao Quốc gia là trên 90%.
Với tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ người mắc lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 dân, Chương trình chống lao Quốc gia hướng tới mục tiêu năm 2020, giảm tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong do lao xuống dưới 10/100.000 dân, duy trì tỷ lệ mắc lao kháng thuốc trong số bệnh nhân mới dưới mức 5%. Dự kiến đến năm 2019, Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam sẽ phối hợp với WHO đánh giá tình hình dịch tễ và xu hướng bệnh lao tại Việt Nam.
HỒNG HẢI