Tiềm năng đi cùng thách thức
Những năm gần đây, ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng tích cực. Số liệu của ngành giao thông cho thấy, trong giai đoạn 2010-2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng đạt mức 16,64%/năm về hành khách, 14%/năm về hàng hoá. Trong 6 tháng năm 2018, vận tải hành khách đường hàng không đã đạt mức 24,6 triệu lượt khách, tăng 15,2%; vận tải hàng hóa đạt 176,4 nghìn tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2017, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, cùng với đó có 7,5 triệu lượt người Việt Nam du lịch ra nước ngoài và trên 70 triệu lượt người Việt du lịch trong nước. Đa số khách hàng đã lựa chọn hàng không là phương thức di chuyển. Hiện tại, Việt Nam có 4 hãng hàng không đang hoạt động là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VietJet Air, VASCO và hãng hàng không Bamboo Airways đang sắp đi vào hoạt động.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển. Với dân số gần 100 triệu người, trong thời gian tới, hàng không nội địa của Việt Nam sẽ tăng trung bình 15%/năm, tổng thị trường vận chuyển hành khách tăng trung bình 16%/năm. Đồng thời, sản lượng vận chuyển đạt 74 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2030.
Tuy nhiên, vấn đề “nóng” đặt ra là việc tốc độ phát triển hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng trưởng số lượng hành khách dẫn đến tình trạng sân bay quá tải. Theo thống kê từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. HCM), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cát Bi (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Liên Khương (Lâm Đồng)… đều đang quá tải và hoạt động vượt công suất thiết kế.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết - “cha đẻ” của hãng hàng không Bamboo Airways - cho rằng, hiện tượng quá tải về hạ tầng hàng không đến từ việc nhiều hãng hàng không chỉ tập trung khai thác các “đường bay vàng”, như chặng Hà Nội - TP. HCM, do lợi nhuận hấp dẫn. Như vậy, hạ tầng hàng không Hà Nội và TP. HCM không thể đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách, đặc biệt khi khách từ các tỉnh phải dồn về 2 thành phố này để bay.
Hiện tượng trên không chỉ diễn ra tại các khu vực đô thị trung tâm mà còn phổ biến tại nhiều cảng hàng không địa phương như: Thanh Hoá, Quy Nhơn hay Quảng Bình... Đơn cử, Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình) có thiết kế 400 nghìn khách/năm đang đứng trước tình trạng quá tải khi năm 2017 đã đón 500 nghìn khách, dự kiến, Cảng này sẽ đón không dưới 600 nghìn khách trong năm nay và đến 2020 là gần 1 triệu khách/năm.
Cần có chính sách để thu hút tư nhân
Các chuyên gia nhận định, mô hình đầu tư sân bay ở Việt Nam thời gian qua khá đơn điệu, phụ thuộc nhiều vào đầu tư công, trong khi hạ tầng sân bay đang bị “đuối sức”. Vì thế, để giải bài toán về hạ tầng hàng không, một trong những biện pháp đang được dư luận quan tâm là xã hội hoá đầu tư cảng hàng không. Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không (Đại học Bách Khoa TP. HCM) Nguyễn Thiện Tống khuyến nghị, Việt Nam cần có chính sách mạnh, rõ ràng để lôi kéo đầu tư phát triển hàng không, nhất là đầu tư tư nhân. Hiện nay, trên thế giới, 14% sân bay là có sự tham gia của tư nhân và các sân bay tư nhân này chuyên chở đến 41% khách quốc tế.
Còn theo ông Đỗ Đức Tú (Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn nhà nước cho hạ tầng hiện đạt 50%, nhưng riêng trong lĩnh vực hàng không, đến năm 2020, vốn cho lĩnh vực này dự báo mới đạt khoảng 30 - 35%, vì vậy, Việt Nam cần 65 - 70% vốn đầu tư tư nhân để phát triển cảng hàng không. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không, Nhà nước cần có sự xúc tiến đầu tư, đưa ra các dự án tiềm năng; đồng thời có những hỗ trợ nhất định để dự án cảng hàng không có tính khả thi về mặt tài chính. Mặt khác, thủ tục hành chính cần đảm bảo sự thuận lợi, nhanh nhất để dự án khởi công và khánh thành đúng thời hạn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kiến nghị, để đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng hàng không, cần khẩn trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, thúc đẩy tiến độ đầu tư sân bay Long Thành; rà soát quy hoạch để chủ động điều chỉnh, đầu tư mở rộng các sân bay quốc tế Nội Bài, Phú Bài, Đà Nẵng. Cùng với đó, Chính phủ cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, vận hành sân bay theo hướng ưu tiên kêu gọi đầu tư tư nhân vào các dự án nhà ga hàng không và các dự án sân bay mới. Đặc biệt, xây dựng các khu dịch vụ mặt đất và công trình nhà ga tiên tiến, phù hợp cho việc phát triển hạ tầng hàng không chung và đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 02/8/2018