Đảm bảo tính khả thi trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

(BKTO) - Dự thảo Đề án Tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 (Dự thảo Đề án) đang được Bộ Nội vụ công bố lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Xoay quanh nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng, việc sắp xếp là tất yếu để đảm bảo sự phát triển của đất nước, tuy nhiên, điều này sẽ không dễ thực hiện.



Một nửa số xã, huyện chưa đạt tiêu chuẩn

Số liệu từ Bộ Nội vụ cho thấy, trong vòng 30 năm (1986-2016), đơn vị hành chính cấp huyện được tổ chức lại trên cơ sở chia tách, tăng từ 431 lên 713 đơn vị (tăng 282 đơn vị). Tương tự, đơn vị hành chính cấp xã tăng từ 9.657 lên 11.162 đơn vị (bình quân mỗi năm tăng 50 xã).

Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình chia, tách đơn vị hành chính, nhiều bất cập đã nảy sinh và đang trở thành rào cản phát triển. Trong đó, nổi lên các vấn đề như: bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Chi NSNN tăng do tăng biên chế và quỹ tiền lương xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc, tăng chi thường xuyên. Nhìn nhận về thực trạng số lượng đơn vị hành chính và biên chế hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, đó là “con số khủng khiếp” và đây chính là nguyên nhân dẫn đến bộ máy cồng kềnh, gánh nặng ngân sách ngày một tăng lên.

Theo quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, hiện có tới 259/713 đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số (chiếm 36,33%). Cấp xã cũng có tới 6.191/11.162 đơn vị chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số (chiếm trên 55,4%).

Trước đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị T.Ư 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đặt ra yêu cầu, đến năm 2021, sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên; từ năm 2022-2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định.

Theo tinh thần này, Dự thảo Đề án ưu tiên sáp nhập nguyên trạng một đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn vào một đơn vị hành chính cùng cấp liền kề. Năm 2019, bố trí nguồn kinh phí cần thiết cho việc xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Linh hoạt trong sắp xếp đơn vị

Góp ý về Dự thảo Đề án, nhiều ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và nhấn mạnh sự cần thiết phải sắp xếp lại các đơn vị hành chính cho phù hợp, giảm bớt gánh nặng hành chính cũng như ngân sách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cảnh báo việc thực hiện Đề án sẽ không dễ dàng, đụng chạm đến nhiều lợi ích trong xã hội. Đơn cử, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Lê Trọng Vinh, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính sẽ kéo theo giảm biên chế, giảm vị trí lãnh đạo... nên những thành phần bị ảnh hưởng sẽ tìm cách trì hoãn, không muốn sắp xếp.

Khi trả lời báo chí, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho rằng, với yêu cầu cải cách hành chính hiện nay, việc sáp nhập huyện, xã không thể không làm. Tuy nhiên, “việc sắp xếp cần phải linh hoạt, địa phương chủ động thực hiện, T.Ư không làm thay” - ông Xuyền nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng nêu quan điểm, một số tiêu chí của Đề án cần phải được xem xét thấu đáo để đảm bảo phù hợp với thực tế. Đơn cử, theo ông Thắng, tiêu chí của Đề án đặt ra là phường có diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên nhưng với đặc điểm ở thành phố, đặc biệt là TP. Hà Nội và TP. HCM, có quận diện tích chỉ đạt chưa đầy 10 km2. “Nếu sắp xếp để đạt tiêu chuẩn thì nhiều quận, phường tại các thành phố này không thể tồn tại” - ông Thắng nói và kiến nghị cần tính đến đặc thù, không bó buộc theo tiêu chí.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về chế độ, chính sách của cán bộ, công chức, viên chức sau khi sáp nhập. Dẫn câu chuyện của Đà Nẵng với chủ trương khuyến khích cán bộ, công chức lãnh đạo tự nguyện nghỉ công tác và được hỗ trợ số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, TS. Võ Đình Toàn (Viện Khoa học Pháp lý) cho rằng, nếu làm theo cách này, ngân sách sẽ không đủ để “cõng” hỗ trợ cho cán bộ, công chức. “Đây là việc mà cơ quan soạn thảo cần tính tới, chứ không thể sau này ban hành Đề án rồi lại ra văn bản quy định riêng về chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức này” - ông Toàn nói.

Do đó, để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của Đề án khi triển khai, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định về tiêu chuẩn; cân nhắc yếu tố đặc thù đối với từng địa phương; có biện pháp giải quyết tốt các khó khăn, thách thức trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời có chính sách phù hợp với cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp.
         
Theo lộ trình trong Dự thảo Đề án, năm 2020, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, dân số; sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư. Đến năm 2021, sẽ tổng kết và xây dựng Đề án Tổng thể sắp xếp từ năm 2022-2030.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 02/8/2018
Cùng chuyên mục
Đảm bảo tính khả thi trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã