Thực hiện các chính sách an sinh xã hội
Cùng với kết quả trên, báo cáo của Bộ LĐTBXH cho biết: Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành đã hỗ trợ kinh phí mộ, nghĩa trang liệt sỹ 600 tỷ đồng, huy động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”.
Bộ LĐTBXH thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới 69 bằng Tổ quốc ghi công; cấp lại 4.708 bằng Tổ quốc ghi công; cấp trích lục 80 hồ sơ liệt sỹ; tra cứu 5.000 bộ hồ sơ (gồm: 50 hồ sơ thương binh, 30 hồ sơ bệnh binh và hơn 4.900 hồ sơ liệt sỹ). Tiếp nhận 2.475 mẫu hài cốt liệt sỹ để giám định ADN…
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023), Bộ LĐTBXH đã thẩm định, trình Chính phủ cấp bằng Tổ cuốc ghi công cho 108 liệt sỹ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương…
Toàn ngành thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho 3.336.267 đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hằng tháng.
Ngân sách Nhà nước chi trợ giúp xã hội hằng tháng, cấp thẻ BHYT cho đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ khoảng 28.650 tỷ đồng/năm. Nhiều tỉnh, thành phố có điều kiện chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp, mức trung bình khoảng 400.000 đồng/tháng cho gần 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng/năm.
Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, kinh phí thực hiện Chương trình đã phân bổ từ ngân sách trung ương là 12.692 tỷ đồng (gồm: vốn đầu tư phát triển là 5.400 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 7.292 tỷ đồng), ngân sách địa phương là 902,778 tỷ đồng (424,558 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; 478,22 tỷ đồng vốn sự nghiệp).
Theo số liệu tổng hợp từ các bộ, cơ quan Trung ương, giải ngân nguồn ngân sách trung ương 6 tháng đầu năm 2023 là 1.829,106 tỷ đồng (1.414,189 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 26,19% và 414,917 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 5,69%); nguồn ngân sách địa phương là 81,356 tỷ đồng (20,065 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 4,73% và 61,291 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 12,82%) và khoảng 39,813 tỷ đồng từ các nguồn vốn hợp pháp, đạt 37,14%.
Hướng đến quốc gia tiên phong về an sinh xã hội và việc làm công bằng
6 tháng cuối năm 2023, toàn ngành LĐTBXH cần tiếp tục nỗ lực, thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhất là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Kiên quyết, kiên trì, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Đối với nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung yêu cầu, từ nay đến tháng 10/2023, phải tập trung tham mưu cho Trung ương tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về các chính sách xã hội, đồng thời tham mưu ban hành Nghị quyết mới về chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng chuyển mạnh từ chính sách xã hội sang an sinh xã hội, chuyển từ chăm lo cho đối tượng yếu thế sang chăm lo cho tất cả đối tượng của xã hội. Định hướng đến năm 2030 Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong về vấn đề an sinh xã hội và việc làm công bằng theo sáng kiến của Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Tập trung đột phá mạnh vào việc xóa toàn bộ nhà tạm cho người dân, người nghèo. Đến năm 2025, phải giải quyết căn bản 100.000 ngôi nhà cho người nghèo, 74 huyện nghèo không còn phải sống trong những căn nhà tạm bợ, dột nát. Đến năm 2030, hoàn thành đề án cả nước không còn nhà nghèo, nhà tạm và phấn đấu xây dựng 1 triệu căn hộ giá rẻ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp đến, những vấn đề cốt lõi nhất và nền tảng của an sinh xã hội trọng tâm là y tế, giáo dục.
Vấn đề nữa mà ngành LĐTBXH phải tập trung là sửa đổi toàn bộ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; thực hiện tốt các chính sách đang có, đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế.../.