6 xu hướng định hình tương lai của lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam

(BKTO) - Báo cáo “Cách mạng thanh toán: Định hướng 2025 và tầm nhìn tương lai” do PwC công bố mới đây đã nhấn mạnh 6 xu hướng vĩ mô định hình tương lai của lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam trong 5 năm tới. Những xu hướng này được thúc đẩy bởi sở thích của người tiêu dùng, công nghệ, luật định và các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A).



                
   

Việt Nam còn nhiều tiềm năng để thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ. Nguồn: PwC

   

Tài chính toàn diện và niềm tin

Tại Việt Nam, tài chính toàn diện sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi các thiết bị di động và khả năng tiếp cận các cơ chế thanh toán thuận tiện, giá cả phải chăng. Nhiều ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Việt Nam đã và đang mở rộng các sản phẩm và khả năng đáp ứng người tiêu dùng của họ thông qua hợp tác chiến lược để đảm bảo mở rộng phạm vi tiếp cận tài chính ở chi phí thấp.

Với mục tiêu tăng cường tài chính toàn diện, tháng 3/2021, Chính phủ đã phê duyệt một chương trình thí điểm kéo dài hai năm cho Mobile Money (Ví điện tử viễn thông). Chương trình này nhằm phục vụ đối tượng có điện thoại di động ở các vùng sâu vùng xa mà chưa được tiếp cận và khó tiếp cận với ngân hàng - cho phép người dùng thanh toán các hàng hoá và dịch vụ có giá trị thấp thông qua tài khoản điện thoại di động mà không cần đến ngân hàng truyền thống.

Tiền kỹ thuật số

Xu hướng hiện nay đang nghiêng về tiền kỹ thuật số do người dùng mong đợi tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) sẽ giảm chi phí giao dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới. Ở Đông Nam Á, cuộc đua tiến hành thí điểm CBDC và quá trình xây dựng các quy định cần thiết sẽ ngày càng gia tăng.

Tại Việt Nam, theo Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì để nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa trên công nghệ Blockchain. Thời gian để NHNN thực hiện là từ 2021-2023. Mặc dù chương trình thí điểm vẫn chưa ấn định thời gian cụ thể nhưng động thái của các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam sẽ là tâm điểm trong thời gian tới.
                
   

Nguồn: PwC

   

Ví điện tử và siêu ứng dụng

Theo một khảo sát gần đây của Visa, 85% người tham gia khảo sát tại Việt Nam có ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán. 71% sử dụng các ứng dụng này ít nhất một lần một tuần. Với hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử, thị trường Việt Nam được ví như “chiếc áo đã chật” trong vài năm qua.

Thị trường cạnh tranh khốc liệt sẽ thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng nhằm thống lĩnh thị trường. Nhiều siêu ứng dụng và nhà cung cấp dịch vụ thuộc các nhóm ngành kinh tế khác (như thương mại điện tử, bán lẻ và dịch vụ tài chính) sẽ bắt tay hợp tác.

PwC nhấn mạnh rằng, quyền riêng tư dữ liệu sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà cung cấp dịch vụ để gia tăng tuổi thọ cho các dịch vụ họ cung cấp cũng như khả năng áp dụng các siêu ứng dụng với quy mô lớn. Trong tương lai, các DN trong ngành sẽ sử dụng giải pháp bảo mật dữ liệu nhiều hơn như xác thực đa yếu tố và mã hóa dữ liệu để có thể bảo vệ dữ liệu của người dùng.
         
Theo Báo cáo của PwC, tổng giá trị giao dịch thanh toán điện tử của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 15 tỷ USD vào năm 2021 và tốc độ tăng trưởng thường niên dự kiến là 15,7% vào năm 2025. Tuy nhiên, chỉ với 30% số người trưởng thành sử dụng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ.

Hệ thống thanh toán

Sự xuất hiện của phương thức “Mua trước, Trả sau” (BNPL) đã đặt ngành thanh toán điện tử lên bệ phóng tăng trưởng. Được định giá khoảng 491,3 triệu USD vào năm 2021, phương thức này được dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2028. Mặc dù còn tương đối mới nhưng PwC cho rằng, BNPL đang và sẽ phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.

Khác với thẻ truyền thống, khả năng thiết lập tài khoản BNPL dễ dàng cũng như thanh toán trả góp với lãi suất 0% sẽ tạo ra sự chuyển dịch từ thanh toán thẻ sang các chương trình BNPL. Khi thống lĩnh thị trường, BNPL có thể mở rộng ra ngoài phạm vi lĩnh vực bán lẻ sang các hình thức hỗ trợ tài chính cho DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tài chính toàn diện.
                
   

Các hình thức thanh toán truyền thống sẽ ít xuất hiện trong tương lai.
   Nguồn: PwC

   

Thanh toán xuyên biên giới

Khi khu vực Đông Nam Á tăng tốc quá trình hội nhập kinh tế, PwC dự báo sự ra đời của các chính sách và quy định chặt chẽ liên quan đến thanh toán xuyên biên giới. Các giải pháp phi ngân hàng dựa trên tiền mã hoá và ví điện tử sẽ là xu hướng cho tương lai tại khu vực.

Hiện nay, NHNN cũng đang dự thảo Thông tư về Thanh toán không dùng tiền mặt, cho phép các ngân hàng thương mại và các công ty thanh toán trung gian nội địa hợp tác với các công ty thanh toán trung gian quốc tế để cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế. Khung pháp lý này sẽ góp phần tạo điều kiện cho nhu cầu giao thương quốc tế hoặc các cơ hội tiềm năng khác.

Tội phạm tài chính

Theo khảo sát của Kaspersky về an ninh Công nghệ thông tin 2020, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam hứng chịu nhiều cuộc tấn công lừa đảo nhất vào khu vực trong năm 2020. Khi nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, DN sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về an ninh mạng hơn và ở mức độ càng tinh vi hơn.

Với nhận dạng kỹ thuật số, các cơ chế xác thực liên quan và hoạt động tội phạm gia tăng, việc lên kế hoạch cho phương pháp tiếp cận thống nhất nhằm chống tội phạm tài chính là rất quan trọng. Ngoài ra, DN cần triển khai cơ sở hạ tầng thích hợp để đối phó với rủi ro an ninh mạng trong bối cảnh khách hàng ngày càng kỳ vọng vào việc thanh toán nhanh hơn với ít thao tác hơn.

Việt Nam đã tăng thứ hạng trong Chỉ số An ninh mạng toàn cầu (GCI) vào năm 2020, đứng thứ 4 trong số 11 nước ASEAN và thứ 7 ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tiếp tục triển khai các hoạt động củng cố an ninh mạng. Việc tăng cường chia sẻ thông tin liên chính phủ hoặc các mối quan hệ hợp tác giữa tư nhân - nhà nước sẽ cho phép trao đổi thông tin tài chính một cách minh bạch, từ đó, phòng thủ mạnh mẽ hơn đối với tội phạm tài chính./.
THÙY LÊ


Cùng chuyên mục
6 xu hướng định hình tương lai của lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam