Hà Nội xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế quý IV/2021 và các năm tiếp theo

(BKTO) - UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về việc phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

   

Theo đó, Thành phố sẽ tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Thành phố bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách; nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho NSNN; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Thành phố cũng tập trung đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong thời gian ngắn nhất. Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực còn dư địa phát triển; đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8%.

Đặc biệt, Kế hoạch nêu rõ các kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong đó, kịch bản tăng trưởng cơ sở điều hành quý IV/2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,09-7,37%; năm 2021, GRDP tăng từ 2,35-3%.

Kịch bản tăng trưởng cơ sở phấn đấu, GRDP quý IV/2021 tăng trên 7,37%; năm 2021 tăng trên 3%. Kịch bản tăng trưởng cơ sở rủi ro, GRDP quý IV/2021 tăng thấp hơn 5,09%, cả năm 2021 tăng thấp hơn 2,35%.

Đối với kịch bản cơ sở điều hành năm 2022 và 2023: GRDP năm 2022 tăng 7-7,5%; GRDP năm 2023 tăng 7,5 - 8%. Nếu năm 2024, 2025, GRDP duy trì tăng 7,5 - 8,5% thì GRDP trung bình 5 năm (2021-2025) tăng 6,5 - 7%.

Kịch bản cơ sở phấn đấu, GRDP năm 2022 tăng trên 7,5% và năm 2023 tăng trên 8%, nếu duy trì 2 năm (2024-2025) tăng 8,5% thì trung bình 5 năm (2021-2025) đạt trên 7,5%.

Kịch bản cơ sở rủi ro, GRDP năm 2022 tăng thấp hơn 7% và năm 2023 tăng thấp hơn 7,5%. Nếu 2 năm (2024-2025) tăng thấp hơn 7,5% thì trung bình 5 năm (2021-2025) sẽ thấp hơn 6,5%.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Thành phố sẽ tăng cường kiểm soát dịch Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế. Chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ dịch.

Thường xuyên đánh giá, cập nhật để các cơ quan, tổ chức, DN, hộ kinh doanh và người dân chuyển đổi trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Duy trì sự ổn định kinh tế, đảm bảo cân đối ngân sách bằng việc thực hiện các giải pháp thu ngân sách, chống thất thu và phấn đấu hoàn thành dự toán NSNN hằng năm. Quản lý sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản công, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đảm bảo nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, bức xúc, dự án trọng điểm.

Đối với ngành dịch vụ thương mại, Thành phố xây dựng các tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; phục hồi các chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu, kênh phân phối; thúc đẩy phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt...

Về du lịch, xây dựng các tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhanh chóng phục hồi, phát triển hoạt động của các sự kiện văn hóa, thể thao, hội chợ, triển lãm, vui chơi giải trí, chiếu phim… Chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện sẵn sang đón khách du lịch quốc tế đến Hà Nội khi Chính phủ cho phép mở cửa các hoạt động du lịch quốc tế.

Đối với ngành công nghiệp, bên cạnh xây dựng các tiêu chí an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, Thành phố phục hồi nhanh hoạt động sản xuất của các DN trong các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề… Tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp.

Thành phốcũng khởi động, đẩy mạnh hoạt động xây dựng các công trình, dự án giao thông, công nghiệp, dân dụng, thủy lợi trên địa bàn; kiểm soát tốt giá cả của thị trường nguyên liệu, vật liệu xây dựng.

Đáng chú ý, Hà Nội thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, cụ thể: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 theo Nghị định số 52/NĐ-CP của Chính phủ. Giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp trong năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập DN theo quy định của Luật Thuế thu nhập DN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng.

Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III, IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành.

Giảm 30% thuế đối với hàng hóa dịch vụ của DN, tổ chức họat động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ ngày 01/10 đến 31/12/2021. Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với tổ chức, đơn vị, DN, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp dưới hình thức trả tiền hằng nằm.

Ngoài ra, Thành phố tập trung cải cách, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN FDI, đẩy mạnh thủ hút đầu tư nước ngoài, phấn đấu hằng năm thu hút trên 4 tỷ USD. Khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Cấn đối vốn đầu tư phát triển ngân sách Thành phố năm 2022 khoảng trên 42 nghìn tỷ đồng. Bố trí đủ vốn cho các công trình quan trọng, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, kết nối hạ tầng và phục vụ phát triển kinh tế xã hội…
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Hà Nội xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế quý IV/2021 và các năm tiếp theo