1. Quản trị biến động đã trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp của PVN, tạo nên những thành tích ấn tượng
Tất cả các nhiệm vụ, chỉ tiêu của toàn Tập đoàn đều tăng trưởng cao so với năm 2021, là động lực cho tăng trưởng, là bài học kinh nghiệm, là niềm tin lan toả để PVN phát triển bền vững.
PVN đã đưa 05 mỏ/công trình dầu khí mới vào khai thác, nhiều hơn 01 mỏ công trình so với kế hoạch năm, nhiều hơn 02 mỏ/công trình so với năm 2021 (năm 2021 đưa 3 mỏ/công trình vào khai thác).
Gia tăng trữ lượng dầu khí, khai thác dầu khí, sản xuất đạm, điện, sản xuất kinh doanh xăng dầu đều tăng từ 3 -26% so với năm 2021.
2022 cũng là năm thứ ba liên tiếp PVN được Fitch Ratings đánh giá xếp hạng tín nhiệm ở mức BB+.
2. Vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội thị trường, lập nhiều kỷ lục trong 61 năm xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam
Doanh thu toàn Tập đoàn đạt 931,2 nghìn tỷ đồng, trong khi sản lượng dầu khí suy giảm cùng với đà suy giảm của mỏ. Giá dầu năm 2022 đạt 107 USD/thùng, sản lượng năm 2022 đạt 18,92 triệu tấn quy dầu.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 82,2 nghìn tỷ đồng (trước đây năm 2013 đạt cao nhất 70,6 nghìn tỷ đồng).
Xuất khẩu đạm của Tập đoàn đạt mức kỷ lục với sản lượng 606 nghìn tấn, tăng 2,1 lần so với năm 2021.
Hầu hết các đơn vị chủ lực của PVN đạt kỷ lục về tài chính. Trong đó, doanh thu của BSR đạt 166 nghìn tỷ đồng; PVGas đạt 101 nghìn tỷ đồng; PVOil đạt 100 nghìn tỷ đồng; PVFCCo đạt 19,4 nghìn tỷ đồng; PVCFC đạt 14,8 nghìn tỷ đồng; PVTrans đạt 9,2 nghìn tỷ đồng.
Về lợi nhuận trước thuế của PVGas đạt 16,6 nghìn tỷ đồng, BSR đạt 12,7 nghìn tỷ đồng, PVFCCo đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, PVCFC đạt 4 nghìn tỷ đồng, PVTrans đạt 1,4 nghìn tỷ đồng.
Về nộp ngân sách nhà nước, BSR đạt 18 nghìn tỷ đồng, PVGas đạt 7,2 nghìn tỷ đồng, PVFCCo đạt 1,5 nghìn đồng và PVCFC 580 tỷ đồng.
3. Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu
Tổng Doanh thu toàn Tập đoàn tương đương 9,8% GDP cả nước; Nộp ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng 9,5% tổng thu ngân sách cả nước. Đây là tỷ trọng cao nhất kể từ năm 2015 đến nay, cao hơn so với tỷ trọng trung bình của giai đoạn 2016-2021 (7,6%).
PVN ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; cân đối vĩ mô và tham gia mạnh mẽ vào bình ổn thị trường; cung cấp nhiên liệu cho an ninh quốc phòng; cung ứng trên 13 triệu tấn xăng dầu, đáp ứng trên 75% nhu cầu xăng dầu cả nước.
Xuất khẩu sản phẩm phân đạm của PVN tiếp tục lập kỷ lục với kim ngạch đạt trên 405 triệu USD, chiếm 37% giá trị xuất khẩu phân bón của cả nước.
4. Thúc đẩy, hoàn thiện thể chế, Luật Dầu khí năm 2022 chính thức được thông qua
Công tác hoàn thiện quy trình, quy chế, quy định, chính sách pháp luật được PVN đặc biệt quan tâm, nổi bật là Luật Dầu khí năm 2022 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 14/11/2022, đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, phát triển bền vững kinh tế biển cũng như phát triển năng lượng quốc gia.
PVN đã hoàn thành 06 bộ Quy chế quản trị được cụ thể bằng 137 văn bản và đã được số hoá.
5. Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ đóng góp thiết thực, tạo đột phá
PVN tập trung đưa các ứng dụng công nghệ mới nhất của thế giới áp dụng trong ngành nhằm tạo ra đột phá phát triển, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh tại các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; được minh chứng rõ nét trong khai thác dầu khí, giúp công tác khai thác vượt kế hoạch sản lượng dầu khí, đặc biệt trong giai đoạn các mỏ dầu khí lớn ở khu vực truyền thống đã qua thời kỳ khai thác ổn định đang trên đà suy giảm sản lượng tự nhiên.
Vinh quang đã đến với người dầu khí khi 03 công trình, cụm công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, 03 công trình được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ (chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng giải thưởng của cả nước); 7 công trình nghiên cứu khoa học công nghệ đoạt giải VIFOTEC.
6. Công tác quản trị đầu tư đạt kết quả tích cực
PVN đã quản trị tốt danh mục đầu tư trong tất cả 05 lĩnh vực, tập trung các nguồn lực đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao; rà soát kế hoạch đầu tư, đẩy mạnh công tác giám sát đầu tư, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án cấp bách.
Giá trị giải ngân vốn đầu tư đạt 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2021. Đặc biệt, PVN đã khởi động và hồi sinh Dự án nhiệt điện Thái Bình 2; tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để sẵn sàng tái khởi động dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1; khánh thành và đưa vào vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu
7. Công tác chuyển đổi số đạt được những kết quả bước đầu, hình thành nền tảng đồng bộ của PVN
PVN đã hoàn thành số hóa toàn bộ các văn bản và thường xuyên cập nhật trên các ứng dụng AI và tích hợp hệ thống quản trị nguồn doanh nghiệp (ERP).
Đồng thời đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đã tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai xây dựng các nhà máy thông minh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh và đạt được những lợi ích thiết thực.
8. Tái tạo văn hóa PVN, nâng cao giá trị thương hiệu
Những kết quả, thành công trong tái tạo văn hóa doanh nghiệp thời gian qua đã góp phần củng cố nền tảng giá trị cốt lõi của PVN là “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”; phục hồi thương hiệu PVN - Tập đoàn kinh tế, năng lượng chủ lực của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển.
Giá trị thương hiệu của PVN hiện tại đạt gần 1,3 tỷ USD, duy trì vị trí hàng đầu trong những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.