Tăng trưởng ấn tượng, ngành hàng thủy sản cần "xanh hóa" để phát triển bền vững

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tác động xấu của tình hình thế giới, song năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD - mức tăng trưởng cao kỷ lục trong lịch sử phát triển của ngành này. Tuy nhiên, những thách thức với ngành thủy sản cũng đặt ra yêu cầu đổi mới để nâng cao khả năng thích ứng và phát triển bền vững, trong đó, giải pháp được hướng đến là “xanh hóa” ngành hàng.

ttxvn_ca_tra.jpg
Năm 2022 được coi là năm bội thu của ngành hàng thủy sản. Ảnh: TTXVN

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên đạt 11 tỷ USD

Năm 2022, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, các quốc gia đã nới lỏng các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Nền kinh tế trong nước được mở cửa trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), năm 2022 ngành thủy sản cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức như giá cả một số hàng hóa đầu vào phục vụ phát triển thủy sản tăng, nhất là giá xăng dầu, thức ăn; nguồn nhân lực lao động phục vụ trong các nhà máy chế biến bị thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân tham gia vào chuỗi sản xuất.

Trong bối cảnh chung, ngành thủy sản đã tận dụng tốt các cơ hội để đạt được những kết quả khả quan, được khẳng định là động lực phát triển của nền kinh tế, góp phần cho đà tăng trưởng chung của cả nước.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Thị Nguyệt Thu, năm 2022 giá trị sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt hơn 9 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 5,2 triệu tấn, sản lượng khai thác đạt 3,8 triệu tấn. Đây là năm thứ hai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chỉ tiêu của ngành thủy sản đều đạt vượt mức đề ra.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so với kế hoạch 9 tỷ USD. Đặc biệt, hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng đó là tôm với khoảng 4,2 tỷ USD (tăng khoảng 13% so với năm 2021), cá tra đạt 2,35 tỷ USD (tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước). 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, năm 2022 là một năm khó khăn nhưng cũng là năm bứt phá của ngành thủy sản khi xuất khẩu đạt kim ngạch 11 tỷ USD, cao nhất sau 20 năm Việt Nam gia nhập thị trường quốc tế. Theo Thứ trưởng  Phùng Đức Tiến, kết quả này có được còn là nhờ toàn ngành đã nỗ lực đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, nâng cao sức cạnh tranh. Đặc biệt, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có thời điểm bị đứt gãy thì ngành thủy sản đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, kể cả Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và gần đây là Trung Quốc.

Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Theo Tổng cục Thủy sản, xác định năm 2023 tình hình kinh tế thế giới, trong nước sẽ khó có chuyển biến tích cực đáng kể, song tiếp đà tăng trưởng, Tổng cục vẫn đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản phấn đấu đạt khoảng 8,74 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng 5,16 triệu tấn. Về các sản phẩm quốc gia, sản lượng cá tra đạt khoảng 1,62 triệu tấn, tôm nước lợ 960 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD. Đặc biệt, theo dự báo đến năm 2030 nhu cầu tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm sẽ tăng, thủy sản nuôi sẽ chiếm khoảng 59% tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng thủy sản sẽ được xuất khẩu vào năm 2030. Với nhu cầu tăng lên, cơ hội cho ngành thủy sản của Việt Nam cũng mở rộng hơn.

ttxvn_ca_ngu.jpg
Cần xây dựng, thực thi tiêu chuẩn xanh trong chuỗi cung ứng ngành hàng thủy sản. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, điều đó cũng đi kèm với những rủi ro về sản xuất không bền vững, gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Do đó, việc thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp hướng đến sản xuất bền vững, thân thiện môi trường theo hướng "xanh hóa" là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Đây cũng chính là giải pháp thiết thực để nâng cao cơ hội, tính cạnh tranh của ngành hàng thủy sản trên thị trường, đặc biệt là tại các thị trường tiềm năng, khó tính.

Theo bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông VASEP, xuất khẩu thủy sản sang EU ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, song đây cũng là thị trường khó tính, đưa ra những tiêu chuẩn cao với ngành hàng. Do đó, để tiến sâu vào các thị trường này, đòi hỏi các mặt hàng thủy sản của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn cao, gắn với bảo vệ môi trường cũng như doanh nghiệp phải nắm bắt rõ các thay đổi trong quy định, chính sách về nhập khẩu của thị trường EU.

Phát biểu tại lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt mức tăng trưởng ấn tượng, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự VASEP cho biết, biến đổi khí hậu đặt ra yêu cầu cấp bách của việc bảo vệ môi trường. Các nước EU một lần nữa đi tiên phong trong vấn đề tiêu chuẩn. Năm 2019, EU đã khởi động chiến dịch Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD). Trong các quy định cốt lõi, nổi bật lên là chiến lược Farm to Fork - F2F (hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường). F2F hướng đến giảm 50% sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật, giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%; 25% diện tích đất nông nghiệp là chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ vào năm 2030… EU sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác thực hiện tương tự nếu không sẽ đánh thuế môi trường. Do đó, Việt Nam cần chủ động xây dựng thương hiệu Xanh của thủy sản trên nền tảng một bộ Tiêu chuẩn về thủy sản Xanh; cộng đồng doanh nghiệp thủy sản cùng chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển cộng đồng thủy sản Xanh trên nền tảng Quy tắc ứng xử chung.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để chuyển đổi xanh ngành thủy sản, cần phải xây dựng cả chuỗi giá trị xanh. Quá trình chuyển đổi phải được thực hiện đồng bộ, với sự tham gia của các bộ phận, các khâu. Đơn cử, bộ phận cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi, các cơ sở nuôi phải đều có tiêu chí cụ thể để thực hiện và thống nhất trong cả chuỗi. Nếu đáp ứng được đòi hỏi này chắc chắn sẽ tăng sức cạnh tranh mạnh mẽ cho ngành thủy sản Việt.

Nhấn mạnh doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi xanh, TS. Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch VASEP đánh giá, doanh nghiệp Việt đang nỗ lực thực hiện quá trình chuyển đổi này. Theo đó, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đã được các doanh nghiệp thủy sản chú trọng thông qua các chương trình sản xuất sạch, nhất là tiết kiệm điện và nước. Về tiêu chí tái chế và tuần hoàn, các doanh nghiệp thủy sản đang thực hiện khá tốt. Phụ phẩm cá tôm trở thành nguyên liệu để tiếp tục sản xuất ra các sản phẩm hữu ích, không để phụ phẩm gây tác hại môi trường mà còn tạo ra giá trị nâng cao hiệu quả hoạt động. Bao bì thủy sản cũng dễ tái chế vì chỉ là giấy và nhựa, góp phần giảm rác thải ra môi trường. Tuy nhiên, ông Lực cũng thẳng thắn nhìn nhận, để đáp ứng các tiêu chí xanh, doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa… “Thực tiễn cho thấy khả năng theo đuổi giá trị xanh của doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế” - ông Lực cho biết và đề nghị Chỉnh phủ, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần sớm có các hướng dẫn cần thiết để doanh nghiệp thống nhất trong triển khai thực hiện.

Cùng chuyên mục
Tăng trưởng ấn tượng, ngành hàng thủy sản cần "xanh hóa" để phát triển bền vững