
Vẫn còn thời gian để hai bên đàm phán
Ngày 02/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố một khuôn khổ thuế quan mới toàn diện, kế hoạch này thiết lập mức thuế nhập khẩu cơ bản ban đầu là 10% đối với hầu hết các quốc gia từ ngày 5/4, sau đó các mức thuế đối ứng bổ sung theo từng quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4. Đối với Việt Nam, mức thuế đối ứng là 46% áp dụng đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngay sau động thái này của Chính quyền Hoa Kỳ, đại diện AmCham đã có cuộc trao đổi với báo chí đánh giá về những tác động nhiều mặt của thuế đối ứng mà Hoa Kỳ áp với hàng hóa Việt Nam, cũng như tổng thể quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.
Ông Adam Sitkoff cho hay, năm 2025 là năm đánh dấu cột mốc đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, khi hai nước kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ. Theo đó, trong thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đến Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lũy kế đến nay đạt khoảng 12 tỷ USD, tạo ra nhiều việc làm cho người dân, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, cũng như đóng góp lớn cho thu ngân sách của Việt Nam.
Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã có sự tăng trưởng vượt bậc khi tăng từ khoảng 451 triệu USD vào năm 1994 lên mức 150 tỷ USD hiện nay. Hiện Mỹ đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, nền tảng thương mại, đầu tư song phương tiếp tục được củng cố khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023.
Nói về mức thuế đối ứng 46% mà Chính quyền Hoa Kỳ áp lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ ngày 9/4 tới, đại diện AmCham cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế chịu thuế cao nhất, nhưng vẫn có khoảng thời gian gần một tuần để hai bên đàm phán. Không chỉ Việt Nam, chính quyền của các nền kinh tế bị áp thuế đối ứng cũng sẽ có những động thái với Hoa Kỳ để đi đến một thỏa thuận có lợi nhất cho cả hai bên.
Theo đánh giá sơ bộ của AmCham, nếu mức thuế đối ứng 46% áp lên toàn bộ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ trở thành hiện thực thì tác động rất lớn đến nhiều ngành sản xuất cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, theo góc nhìn của ông Adam Sitkoff, việc hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện tạo ra những thuận lợi và yếu tố tích cực nhất định, khi lãnh đạo hai nước ngồi đàm phán cho mức thuế quan này. “AmCham và các doanh nghiệp thành viên mong muốn quan hệ thương mại giữa hai nước thuận lợi, không bị hạn chế bởi thuế quan” – ông Adam Sitkoff nói.
Lãnh đạo AmCham cũng nhận định, dù tình hình hiện tại gây ra nhiều thách thức nhưng với lịch sử đàm phán linh hoạt và khéo léo, Việt Nam có thể thương lượng để đạt được thỏa thuận hợp lý, bảo vệ lợi ích kinh tế của hai bên. Bởi vậy, Việt Nam cần vạch ra kế hoạch có lợi nhất cho cả hai bên; đặc biệt, không nên áp thuế quan hay dựng lên các rào cản thương mại để “trả đũa”.

Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không ồ ạt rời Việt Nam
Trả lời câu hỏi về tác động của thuế quan mới đối với dòng vốn FDI tại Việt Nam, đại diện AmCham nhận định, vấn đề thuế quan sẽ không ngăn chặn dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam hay khiến nhà đầu tư ồ ạt rút khỏi Việt Nam trong thời gian tới.
“Các công ty không thể đơn giản cứ muốn là chuyển hướng chuỗi cung ứng sang một nước chịu thuế thấp hơn Việt Nam là được. Điều đó tốn thời gian, phức tạp, đắt đỏ và thành thật mà nói, không ai thực sự muốn làm điều đó trừ khi họ buộc phải làm” – ông Adam Sitkoff nói.
Lấy ví dụ từ đôi giày Nike hoặc Adidas, hay bất kỳ sản phẩm nào khác, ông Adam Sitkoff nhấn mạnh: “Ai cũng hiểu vì sao nhiều tập đoàn chọn sản xuất mọi thứ ở Việt Nam thay vì sản xuất mọi thứ ở Texas. Họ cũng không thể dịch chuyển chuỗi sản xuất ngay sang Texas hay Australia chỉ trong thời gian ngắn được”.
Hơn nữa, các công ty có trách nhiệm với các bên liên quan, các cổ đông, khách hàng của họ. Mọi doanh nghiệp đều cố gắng cung cấp sản phẩm với chất lượng cao nhất và mức giá hấp dẫn nhất có thể. Do đó, đối với nhiều doanh nghiệp, Việt Nam đã, đang và sẽ vẫn là một lựa chọn hợp lý.
Đại diện AmCham cũng đánh giá Việt Nam là một điểm đến tốt cho các công ty nước ngoài nhờ có vị trí thuận lợi, lực lượng lao động có tay nghề cao. Hiện tại, nhiều công ty đã có các dự án và có kế hoạch đầu tư dài hạn tại Việt Nam.
Theo ông Adam Sitkoff, nếu Chính phủ lo ngại rằng khả năng cạnh tranh của Việt Nam sẽ giảm sút vì thuế quan của Hoa Kỳ thì cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh, thông qua nâng cao chất lượng nguồn lao động, gia tăng lực lượng lao động có tay nghề cao, đặc biệt là Chính phủ cần ban hành các quy định thực sự “chào đón” hơn đối với các doanh nghiệp, chứ không phải tạo thêm gánh nặng để các nhà đầu tư “chạy” sang một quốc gia khác.
“Tôi tin rằng tình hình thuế quan sẽ thay đổi. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để phối hợp với các công ty của Hoa Kỳ và lãnh đạo Việt Nam để mang lại những điều tốt nhất cho mối quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam” – đại diện AmCham nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 04/4, thông tin cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam lấy làm tiếc trước việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Chúng tôi cho rằng quyết định trên chưa phù hợp với thực tế hợp tác kinh tế - thương mại cùng có lợi giữa hai nước, không phản ánh đúng tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế - thương mại song phương và lợi ích của người dân, doanh nghiệp hai nước nếu được áp dụng”.
Cũng theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực trao đổi, thảo luận các biện pháp cụ thể với Hoa Kỳ nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, hướng đến thương mại công bằng, bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên.
Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng và hợp tác để tìm ra các giải pháp thiết thực, góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước./.