An Giang: Tăng cường giải pháp xử lý nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

(BKTO) - Với quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh An Giang vừa có Công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm giảm số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đảm bảo quyền lợi của người lao động trong những tháng cuối năm 2022.

anh_20221124024701pm.jpg
BHXH tỉnh An Giang công bố Quyết định thanh tra các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN. Ảnh: BHXH An Giang

Hiện nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc bị giải thể, phá sản, dẫn đến chậm đóng, nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Tính đến tháng 10/2022, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh An Giang là 194,9 tỷ động, chiếm 5,51% so với số phải thu, tăng 1,08% so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình đó, BHXH tỉnh An Giang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm giảm số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo quyền lợi của người lao động trong những tháng cuối năm 2022.

Cụ thể là, báo cáo Cấp ủy, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn về tình hình chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị trên địa bàn; phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Thuế, Tài nguyên và Môi trường, UBND các cấp trao đổi, nắm thông tin, tình hình giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động… để kịp thời cung cấp thông tin về nợ BHXH, BHYT, BHTN của đơn vị để phối hợp thu hồi theo quy định.

Đồng thời, thực hiện nghiêm việc thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT (mẫu C12-TS) đến đơn vị; phân công lãnh đạo, cán bộ thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của đơn vị, đôn đốc nhắc nhở đóng BHXH, BHYT kịp thời, không để phát sinh chậm đóng.

Các đơn vị đẩy mạnh hoạt động của Tổ thu nợ tỉnh, huyện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an xử lý đối với doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định; tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho người sử dụng lao động, người lao động; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN số tiền lớn, thời gian kéo dài…

BHXH tỉnh An Giang cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức Công đoàn, các hội đoàn thể tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đối với đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, mỗi năm ít nhất 02 cuộc./.

Cùng chuyên mục
An Giang: Tăng cường giải pháp xử lý nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế