Đổi mới hoạt động của ngành Tòa án
Trả lời câu hỏi của đại biểu về nhiệm vụ, công việc của ngành Tòa án nhiều, phức tạp, biên chế thiếu, áp lực lớn, giải pháp nào để hoàn thành nhiệm vụ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngành Tòa án đã đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, bao gồm 17 giải pháp.
Trong đó, ngành Tòa án sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đưa vào sử dụng trợ lý ảo.
“Trong Hội nghị về chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ cũng nhấn mạnh trợ lý ảo của tòa án là một trong những điểm sáng của ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số quốc gia” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin.
Với sự hỗ trợ của trợ lý ảo, đến nay, có hơn 3.400.000 lượt thẩm phán, thư ký sử dụng trợ lý ảo và năng suất lao động cũng đã tăng lên. Trước đây, để mã hóa và đưa lên mạng 1 vụ án phải mất một buổi, nay thì trong 1 giờ có thể đưa lên được 10 vụ án.
Đặc biệt, toàn Ngành cũng sẽ tăng cường đổi mới, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ thẩm phán, đề cao trách nhiệm cũng như động viên cán bộ, công chức nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Số lượng công việc tăng lên hằng năm. Hiện nay, các cấp tòa giải quyết hơn 600.000 vụ/một năm, trong tương lai, số vụ vẫn có xu hướng tăng đều, cho nên cấp có thẩm quyền cần cho phép tăng biên chế một cách hợp lý cho hệ thống Tòa án.
Nói về giải pháp căn cơ sắp được triển khai, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất và được Quốc hội đồng ý, đó là việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Việc sửa đổi sẽ giúp hệ thống Tòa án chủ động bố trí bộ máy hợp lý hơn, hình thành các Tòa chuyên biệt để nâng cao chất lượng, giải quyết các vụ án có tính chuyên môn sâu, thay đổi một cách hợp lý các nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, có chế độ phù hợp hơn cho Thẩm phán.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đây là những giải pháp để khắc phục các tồn tại, thách thức đặt ra cho ngành Tòa án hiện nay.
Chú trọng giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại
Cùng với sự đổi mới hoạt động của ngành Tòa án, việc tăng cường các phương thức hỗ trợ giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm, với mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hiệu quả giải quyết tranh chấp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thượng tôn pháp luật.
Đặt câu hỏi cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP. Hà Nội) cho biết, ở các nước trên thế giới, bên cạnh xét xử của Tòa án, còn có giải quyết thông qua hòa giải và trọng tài thương mại - một phương pháp rất quan trọng để cộng tác và giảm tải cho công tác của các tòa án.
Theo đại biểu, vừa qua, lần đầu tiên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã làm việc với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam để bàn về những biện pháp tăng cường sự ủng hộ và thúc đẩy phương thức trọng tài kinh tế, đặc biệt là giải quyết tranh chấp về kinh tế xuyên biên giới.
“Chúng tôi đề nghị bổ sung nội dung này vào trong giải pháp sắp tới của ngành Tòa án, đặc biệt là bổ sung vào trong báo cáo công tác của Tòa án trước Quốc hội hàng năm" - đại biểu kiến nghị; đồng thời cho rằng điều này không chỉ giảm áp lực cho ngành Tòa án, nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, về tăng cường các biện pháp thay thế ngoài Tòa án, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án đã quy định cụ thể và đang phát huy tác dụng rất tốt. Hiện nay, tỷ lệ hòa giải thành công theo Luật rất cao, cho nên đã giảm tải cho các cấp tòa.
Từ khi Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án đi vào hoạt động, số vụ tranh chấp được hòa giải thành công chiếm hơn 20% nên giảm áp lực đáng kể cho ngành Tòa án.
Đối với đề xuất tăng cường sử dụng trọng tài để giải quyết các vụ tranh chấp thương mại, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây cũng là một ưu tiên của Tòa án. Tòa án nhân dân tối cao đã làm việc với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và cùng thống nhất về kế hoạch để tăng cường hoạt động này.
“Tiếp thu đề xuất của đại biểu, chúng tôi sẽ đưa vấn đề giải quyết tranh chấp qua trọng tài vào báo cáo hàng năm khi trình Quốc hội” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.