Nhiều thách thức trong thực hiện chính sách BHXH
Giữ vai trò là trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta, cùng với sự phát triển của đất nước, chính sách BHXH từng bước được hoàn thiện. Luật BHXH năm 2014 đã có nhiều quy định mới nhằm hướng tới mục tiêu BHXH cho mọi người lao động… Nhờ đó, việc thực hiện chính sách BHXH những năm gần đây đã đạt nhiều kết quả đáng kể, số người tham gia BHXH không ngừng gia tăng qua các năm, tổng số thu - chi BHXH tăng nhanh…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện chính sách BHXH ở nước ta còn không ít thách thức. Giải trình tại Phiên họp của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết: Tính đến cuối năm 2017, có 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; khoảng 230 nghìn DN đóng BHXH cho người lao động, trong khi theo số liệu của cơ quan thuế cung cấp thì cả nước có tới 600 nghìn DN đang hoạt động. Số liệu trên cho thấy, vẫn còn trên 300 nghìn DN chưa tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động. Bộ LĐ-TB&XH ước tính, có khoảng 3 triệu người trong các DN chưa tham gia BHXH bắt buộc. Điều đó đồng nghĩa với việc số lao động này chưa nằm trong “lưới đỡ” an sinh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn nhìn nhận, những bất cập trong thực hiện chính sách BHXH như: tình trạng nợ đóng BHXH, đóng không đầy đủ cho người lao động, lạm dụng Quỹ BHXH… vẫn diễn ra phổ biến. Đây chính là các hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền an sinh của người lao động, song dường như chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Thực trạng này cũng làm ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động với chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, một bất cập lớn hiện nay là 66% số lao động vẫn nằm trong khu vực phi chính thức với việc làm và thu nhập bấp bênh, nếu không điều chỉnh chính sách BHXH thì rất khó đạt mục tiêu trên 50% lao động tham gia BHXH.
Một thực trạng đáng lo ngại khác là số người tham gia BHXH mới hằng năm tuy tăng nhưng tốc độ tăng không có nhiều đột phá, đạt từ 5 - 6% mỗi năm. Sự gia tăng đối tượng tham gia cũng thiếu bền vững bởi hiện nay, số người tham gia BHXH tương đương với số người nhận BHXH 1 lần (tức là số vào tương đương với số ra). BHXH là bộ phận lớn nhất trong hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động. Tuy nhiên, khi nhận BHXH 1 lần, người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn lúc về già và sẽ là gánh nặng cho xã hội.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu không có sự đột phá trong cải cách chính sách BHXH tại Việt Nam cũng như sự hỗ trợ tích cực của NSNN thì đến năm 2030 sẽ có hơn 38,7 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 62% lực lượng lao động trong độ tuổi chưa tham gia và không được bảo vệ bởi chính sách BHXH. Vì vậy, việc cải cách chính sách BHXH được xem là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn tới...
Thiết kế chính sách hướng tới phổ cập toàn dân
Trước yêu cầu đó, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan được giao chủ trì xây dựng Đề án Cải cách chính sách BHXH. Theo đó, Đề án được thiết kế theo hướng đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro. Cụ thể, tầng thứ nhất là tiền trợ cấp của Chính phủ cho người cao tuổi do BHXH chi trả, đồng thời, bổ sung hình thức cho người thụ hưởng đóng thêm theo nguyên tắc đóng - hưởng để hỗ trợ cho Quỹ và nâng cao chất lượng chi trả. Tầng thứ hai là bao phủ đối tượng có thu nhập thì có đóng BHXH, trong đó, Nhà nước hỗ trợ một phần việc tham gia BHXH cho người nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp để hình thành văn hóa đóng - hưởng. Tầng thứ ba là thiết kế chính sách hưu trí tự nguyện lưu thông với khối thị trường.
Để bảo đảm nguyên tắc của chính sách và duy trì, phát triển Quỹ, Đề án quy định, người lao động tham gia BHXH hơn 10 năm thì mới bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí. Nếu người lao động rời khỏi hệ thống trước thì chỉ được hưởng số tài khoản hiện hữu. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lương hưu phải độc lập với điều chỉnh tiền lương công chức khi có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và phù hợp với NSNN. Đề án cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHXH.
Với những cải cách mạnh mẽ này, Đề án đặt ra mục tiêu: Đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội.
Năm 2025, có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó, nông dân tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động; 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội. Đến năm 2030, phấn đấu có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng trong độ tuổi; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH và trợ cấp BHXH.
ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018