Ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kiểm toán: Những vấn đề kiểm toán viên cần quan tâm

(BKTO) - Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác kế toán và việc lập báo cáo tài chính (BCTC) của đơn vị được kiểm toán. Điều này đòi hỏi kiểm toán viên (KTV) phải xem xét mức độ tác động của đại dịch đến hoạt động của DN được kiểm toán để xây dựng kế hoạch kiểm toán cho phù hợp.




Kiểm toán viên nhà nước (đứng mặc đồng phục) làm việc tại đơn vị được kiểm toán. Ảnh: NhưÝ

Hoạt động kiểm toán cầnthay đổi trong bối cảnh dịchCovid-19

PGS,TS. Phạm Tiến Hưng và TS. Nguyễn Thanh Phương - Học viện Tài chính - nhận định: Dịch Covid-19 khiến DN phải đối mặt với các vấn đề về nguồn vốn, thị trường, nhân lực, cung ứng, sản xuất; làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và gây ảnh hưởng lớn đến công tác kế toán cũng như việc lập BCTC. Do đó, KTV phải xem xét mức độ tác động của đại dịch đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đang được kiểm toán; đồng thời, cần thay đổi tư duy và hành động trong việc xác định phương pháp tiếp cận kiểm toán; chủ động xem xét, đánh giá và thảo luận với khách hàng để xây dựng quy trình, bổ sung thủ tục kiểm toán phù hợp nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng, làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán chính xác, đảm bảo tuân thủ chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và các quy định pháp lý có liên quan.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch, theo các nhà nghiên cứu của Học viện Tài chính, KTV cần xem xét 5 nhóm yếu tố rủi ro trong hoạt động kiểm toán, đó là:

Nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị được kiểm toán như: sự sụt giảm về nhu cầu sử dụng hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt nhân lực và giảm năng suất; việc phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 và khó khăn trong xác định nguồn cung thay thế; những ảnh hưởng đến dòng tiền và các khoản liên quan đến nguồn hỗ trợ của Chính phủ. Nhân tố rủi ro tổng thể gồm: các lo ngại về tính thanh khoản; chi phí hoạt động tăng lên; DN vi phạm điều khoản trong khế ước vay nợ. Nhân tố rủi ro cụ thể liên quan đến các chỉ tiêu trên BCTC gồm: hàng tồn kho; doanh thu có thể được ghi nhận không đúng thực tế; giả định hoạt động liên tục của DN có thể không được đảm bảo; một số nhóm tài sản sẽ không thể được phục hồi…

Nhóm nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán của KTV như: phải xây dựng quy trình kiểm toán thay thế nếu không thể kiểm kê hàng tồn kho trực tiếp; khó truy cập thông tin và kiểm tra tài liệu, chứng từ gốc khi làm việc từ xa; phạm vi kiểm toán tập đoàn sẽ thay đổi; việc giám sát đầy đủ công việc của các thành viên tổ kiểm toán cũng gặp nhiều khó khăn; hoạt động kiểm soát nội bộ đối với BCTC của DN thay đổi; phải tăng cường sử dụng dịch vụ định giá, sử dụng chuyên gia thuế…

Bổ sung, thay thế các thủ tụckiểm toán

Từ những nhận định trên, PGS,TS. Phạm Tiến Hưng và TS. Nguyễn Thanh Phương cho rằng: KTV cần đánh giá lại các rủi ro có sai sót trọng yếu của BCTC, có thể sửa đổi các đánh giá rủi ro và các thủ tục kiểm toán đã lập kế hoạch trước đó; kiểm tra lại hệ thống phòng vệ của DN để xác định các nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng đến tính độc lập; kiểm tra tính hợp lý và đánh giá các giả định được sử dụng để xây dựng dự phòng dòng tiền; sửa đổi thủ tục, quy trình kiểm toán đối với những rủi ro mới…

KTV có thể phải thay đổi phương pháp và thủ tục thu thập bằng chứng kiểm toán để đảm bảo không bị giới hạn phạm vi kiểm toán. Theo đó, KTV cần chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho vào một ngày khác với ngày kết thúc kỳ kế toán hoặc thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế khi không thể chứng kiến kiểm kê; xem xét giới hạn phạm vi nào có thể dẫn đến ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần… Cũng theo các nhà nghiên cứu, KTV cần xem xét tính hợp lý của giả định hoạt động liên tục của đơn vị, nhận định yếu tố không chắc chắn trọng yếu ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của đơn vị cần được trình bày đầy đủ trên BCTC; thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung khi nhận thấy các sự kiện hoặc điều kiện có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị; yêu cầu Ban giám đốc (BGĐ) xác nhận bằng văn bản về các kế hoạch hành động trong tương lai của họ…

Liên quan đến các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán, KTV có thể xem xét tác động của các sự kiện này đối với việc đánh giá sự suy giảm tài sản và thuyết minh của BGĐ về các rủi ro liên quan; xem xét cẩn thận các sự kiện theo yêu cầu của Chuẩn mực kế toán số 23 - Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm… Khi kiểm toán tập đoàn, KTV cần thảo luận với KTV của đơn vị thành viên về các tác động tiềm ẩn phát sinh từ dịch Covid-19; xem xét các rủi ro gia tăng do thông tin tài chính đã được ghi chép có thể không chính xác hoặc không đầy đủ; sửa đổi các đánh giá rủi ro và kế hoạch kiểm toán cho phù hợp… Ngoài ra, KTV cần xem xét các tác động đối với báo cáo kiểm toán dựa trên điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, từ đó đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp cũng như quyết định đúng đắn nhiều vấn đề chuyên môn khác.

THÙY ANH (lược ghi)
Cùng chuyên mục
Ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kiểm toán: Những vấn đề kiểm toán viên cần quan tâm