AI - Thách thức và cơ hội
AI là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, là trí tuệ do con người lập trình nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Cụ thể, AI giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi với các điều kiện ngoại cảnh tác động vào...
Ngành nghề kế toán, kiểm toán tại Nhật Bản sẽ chịu tác động lớn bởi những công nghệ liên quan đến AI - Ảnh minh họa
Nhiều chuyên gia hàng đầu Nhật Bản cho rằng, những tiến bộ vượt bậc về công nghệ của AI cùng với sự thâm nhập của trào lưu Dữ liệu khổng lồ và Điện toán đám mây trên toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu nguồn lực trong những ngành đặc thù và thay đổi cơ cấu công nghiệp. Trong thập kỷ tới, một số nghề cần đưa ra phán đoán tư duy như: kiểm toán, xử lý thuế, phụ trách tài chính trong cơ quan tài chính cũng có thể được thay thế bằng AI. Có thể nói, những ngành nghề này có nguy cơ đứng trên bờ vực bị xóa sổ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại cho rằng, viễn cảnh đó khó có thể xảy ra được và không nghề nào bị mất đi. AI xuất hiện sẽ chỉ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ đắc lực, góp phần phục vụ con người hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ của mình. Thậm chí, AI sẽ tạo ra vô số công việc mới và mang lại nhiều lợi ích đối với các ngành nghề trong tương lai tại Nhật Bản nói riêng, trên toàn cầu nói chung.
Những thay đổi tiềm tàng trong kế toán, kiểm toán
Môi trường kế toán, kiểm toán tại Nhật Bản được dự đoán chắc chắn sẽ có những biến đổi đáng kể nhờ có công nghệ liên quan đến AI, mạng lưới Vạn vật kết nối internet (IoT), Điện toán đám mây…
Cho dù nhiều chuyên gia vẫn chưa chấp nhận rằng, máy móc với AI và những công nghệ hiện đại sẽ dần thay thế, thậm chí thống trị con người. Thông qua kết quả những cuộc cách mạng công nghệ những năm gần đây mang lại, chúng ta vẫn không thể phủ nhận rằng, môi trường bao quanh mỗi DN sẽ đón nhận những thay đổi mang tính đột phá.
Trong giao tiếp kiểm toán, việc trao đổi các chứng từ và dữ liệu vốn đơn giản nhưng tốn nhiều công sức chắc chắn sẽ thay đổi cách thức, từ việc gửi - nhận trong môi trường mà DN và kiểm toán viên được tách biệt về mặt vật lý sang một môi trường mà cả 2 bên được kết nối với nhau thường xuyên. Do đó, liên kết dữ liệu giữa DN và kiểm toán viên cũng sẽ thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, công nghệ Điện toán đám mây có thể giúp các kiểm toán viên nắm bắt hết được lượng dữ liệu khổng lồ của mỗi DN.
Quá trình kiểm toán các báo cáo tài chính truyền thống thường xem xét các sự kiện kế toán trong quá khứ, tuy nhiên, với sự hỗ trợ của những công nghệ hiện đại nói trên, thời điểm thực hiện kiểm toán có thể chuyển từ quá khứ sang hiện tại. Điều này đặc biệt mang lại nhiều lợi ích cho các DN, giúp họ luôn cập nhật được tình hình tài chính của DN, sớm phát hiện và kịp thời xử lý những sai sót nếu có chứ không phải chờ đến nhiều tháng sau, thậm chí nhiều năm sau, từ đó sớm vạch ra các kế hoạch kinh doanh trong tương lai.
Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các công nghệ hiện đại, không chỉ các kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề mà cả các chuyên gia phân tích dữ liệu, các chuyên gia về công nghệ thông tin cũng ngày càng có nhiều vai trò hơn trong quá trình kiểm toán các báo cáo tài chính.
Ông Yabe Makoto (Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Nhật Bản) cho rằng, quyết định của con người vốn chứa đầy mâu thuẫn, nên cho dù các công nghệ có tiến bộ đến chừng nào thì những quyết định đó khó có thể được giải thích bằng mô hình. Hoạt động kiểm toán trong tương lai cần những con người vừa có khả năng chuyên môn cao về kế toán, kiểm toán, vừa có thể ứng dụng những công nghệ hiện đại như: AI, tự động hóa nhờ công nghệ Internet vạn vật, Điện toán đám mây…
THANH XUYÊN
(Nguồn: Tổng hợp)
Theo Báo Kiểm toán số 34 ra ngày 23/8/2018