Áp dụng mô hình kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp Việt Nam: Nền tảng của một cơ chế quản trị hiệu quả

(BKTO) - Ra đời cách đây hơn 60 năm nhưng kiểm toán nội bộ (KTNB) chỉ thực sự phát triển từ sau các vụ gian lận tài chính ở Công ty Worldcom và Enron (Hoa Kỳ) những năm 2000-2001. Tính đến nay, KTNB đã được thừa nhận trên 165 quốc gia như một nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp. Việc Viện Kiểm toán viên nội bộ Hoa Kỳ (IIA) được thành lập tại New York vào năm 1941 một lần nữa khẳng định sự lớn mạnh và tầm quan trọng của loại hình này.



Vai trò quan trọngcủa kiểm toán nội bộ

Trong đề xuất cho Quốc hội Hoa Kỳ năm 2002, IIA nhấn mạnh: "KTNB, Hội đồng quản trị (HĐQT), ban giám đốc và kiểm toán độc lập là nền tảng của một cơ chế quản trị DN hiệu quả hơn đang bắt buộc phải có ở các DN".

Trong quá trình hoạt động, KTNB cho thấy 2 chức năng cơ bản, đó là chức năng đảm bảo và chức năng tư vấn. Đối với KTNB, chức năng đầu tiên không phải là kiểm tra, xác nhận, đảm bảo báo cáo tài chính mà là sự đảm bảo tính thích hợp và tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) trong đơn vị. Chức năng tư vấn của KTNB bao gồm việc đánh giá và khuyến nghị cho ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức về quan điểm, nhận thức cũng như văn hóa quản lý rủi ro trong tổ chức để nâng cao tính hiệu quả của các chính sách quản lý rủi ro. Qua quá trình tư vấn, KTNB sẽ trợ giúp một cách riêng biệt cho tất cả các cấp của đơn vị trong vấn đề giám sát việc thiết kế và vận hành mọi quy trình hoạt động, không chỉ có quy trình và thủ tục kiểm soát tài chính mà cả với các hoạt động khác.

Với vai trò và chức năng kể trên, KTNB sẽ thực hiện những nhiệm vụ sau trong một tổ chức, DN:
Kiểm tra, đánh giá độ tin cậy, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống KSNB; kiểm tra, thẩm định tính xác thực, độ tin cậy của các thông tin kinh tế, thông tin tài chính trên báo cáo kế toán và các báo cáo khác;
Kiểm tra sự tuân thủ của mọi bộ phận và cá nhân trong đơn vị đối với các nguyên tắc hoạt động, quản lý, sự tuân thủ luật pháp, chính sách, chế độ tài chính, kế toán; các chính sách, nghị quyết, quyết định của cơ quan quản lý cấp trên cũng như của ban lãnh đạo;
Kiểm tra, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý rủi ro, các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản và sử dụng nguồn lực;
Phát hiện những sai sót, yếu kém, gian lận trong quản lý, bảo vệ tài sản của tổ chức, qua đó, kiến nghị các biện pháp sửa chữa, khắc phục sai sót, yếu kém; xử lý các sai phạm, đề xuất các biện pháp cải tiến, hoàn thiện hệ thống KSNB, hệ thống quản lý rủi ro cho tổ chức.

Việt Nam bước đầu áp dụng mô hình kiểm toán nội bộ chuẩn quốc tế

Cho đến thời điểm này, KTNB tại Việt Nam vẫn chưa có các quy định hoặc thông lệ về việc xây dựng và triển khai hoạt động theo đúng bản chất, vai trò, chức năng của nó. Hầu hết các tổ chức, DN vẫn xem KTNB như một hoạt động hỗ trợ cho ban lãnh đạo và người đứng đầu, thực chất là bộ phận kiểm tra, kiểm soát về công tác tài chính kế toán, hoặc chỉ là một bộ phận được mở rộng của phòng/ban tài chính kế toán. Một số ít các tổ chức có sử dụng KTNB trong kiểm tra việc tuân thủ các quy định kiểm soát liên quan đến một số hoạt động như: bán hàng, quảng cáo, marketing,... Trong các trường hợp này, KTNB vẫn thường trực thuộc một bộ phận quản lý nhất định, hoạt động không độc lập khách quan và cũng chưa được xem là một mắt xích quản trị của tổ chức, DN.

Hiện nay, Tập đoàn Bảo Việt đang được xem là trường hợp tiên phong trong việc áp dụng thành công mô hình KTNB chuẩn quốc tế. Tại Tập đoàn này, KTNB là bộ phận trực thuộc Hội đồng quản trị (HĐQT) với chức năng cung cấp cho HĐQT và Tổng Giám đốc những đánh giá độc lập, khách quan về KSNB, quản lý rủi ro và quản trị DN trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh, trên cơ sở hoạt động đảm bảo và tư vấn.

Cùng với việc thực hiện kiểm toán các chỉ tiêu tài chính được thực hiện bởi EY theo cả Chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế, Bảo Việt còn tiến hành kiểm toán các chỉ tiêu phi tài chính. Đồng thời, đưa ra các ý kiến đánh giá độc lập, khách quan về các chỉ số phát triển bền vững liên quan đến phạm vi đánh giá, dựa trên các thủ tục đã được quy định tại quy trình KTNB, các Chuẩn mực KTNB quốc tế và các hướng dẫn của Viện KTNB Hoa Kỳ công bố. Quy định này cũng yêu cầu các kiểm toán viên của khối KTNB tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp,…

Ngoài Tập đoàn Bảo Việt, gần đây, một số các DN của Việt Nam cũng đã có sự chuyển biến tích cực hơn và mang dáng dấp của hoạt động KTNB trong quá trình quản trị DN. Điều này là vô cùng cần thiết khi mà nền kinh tế đã được toàn cầu hóa. Nói đến sự chuyển biến tích cực này phải kể đến Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk. Với mục tiêu chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng tiên tiến hơn, Công ty đã quyết tâm thay đổi khi lập Tiểu ban kiểm toán và xóa bỏ mô hình kiểm soát đã được duy trì khá lâu trước đây. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Vinamilk đã có quyết định chính thức về việc thay đổi cơ cấu quản trị từ mô hình Ban Kiểm soát sang mô hình Tiểu ban Kiểm toán trực thuộc HĐQT. Trong mô hình mới, thành viên của Tiểu ban Kiểm toán là thành viên độc lập của HĐQT, người có uy tín và chuyên môn, đặc biệt về kiểm soát và kiểm toán.

Có thể kể thêm một vài ví dụ điển hình cho việc thay thế Ban Kiểm soát bằng KTNB như: Công ty Cổ phần Mía đường Thành Công Tây Ninh; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va; Công ty Licogi 16…

Thực trạng ở Việt Nam cho thấy, nhiều vụ việc liên quan đến hành động vụ lợi của ban giám đốc đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của cổ đông công ty, nhưng không có bất kỳ tiếng nói cảnh báo nào từ ban kiểm soát, cho đến khi vụ việc bị phát giác thì đã quá muộn. Điển hình nhất là vụ việc tham ô, lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản của một loạt cán bộ cấp cao tại Ocean Bank.

Như vậy, xu hướng hình thành bộ máy và hoạt động KTNB một cách tích cực đang ngày càng góp phần tăng cường tính minh bạch thông tin DN, đóng góp cho sự phát triển lành mạnh, gia tăng lợi ích cho nhà đầu tư, phát huy hiệu quả thực sự của KTNB trong hoạt động của DN.

ThS. NGUYỄN ÁNH HỒNG
Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 06-12-2018
Cùng chuyên mục
Áp dụng mô hình kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp Việt Nam: Nền tảng của một cơ chế quản trị hiệu quả