Áp thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón: Người dân được hưởng lợi - tại sao?

(BKTO) - Các chuyên gia đã đưa ra những phân tích định lượng về việc áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% với mặt hàng phân bón, người dân lại được hưởng lợi hơn việc không áp thuế mặt hàng này như trước đây.

Gần 10 năm ngành phân bón gần như không có dự án đầu tư mới

Luật 71/2014/QH13 sửa đổi Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ban hành ngày 26/11/2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.

Khoản 1 Điều 3 của Luật Thuế số 71/2014/QH13 (gọi tắt là Luật số 71) quy định phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp... là những mặt hàng không chịu thuế GTGT. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.

le-van-ngan.jpg
Ông Lê Văn Ngân - Chánh văn phòng Hiệp hội Phân bón Việt Nam - trao đổi tại Tọa đàm " Áp thuế GTGT phân bón: Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững" do Tạp chí Năng lượng Mới tổ chức ngày 17/11/2024 tại Hà Nội . Ảnh: ST

Ông Lê Văn Ngân - Chánh Văn phòng Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho biết, sau gần 10 năm triển khai thực hiện việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng áp dụng thuế GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT, một số bất cập đã nảy sinh, ảnh hưởng đến ngành sản xuất phân bón trong nước, làm sụt giảm dự án đầu tư mới nhằm đổi mới công nghệ sản xuất phân bón và sản xuất các loại phân bón thế hệ mới, phân bón hiệu suất cao, cụ thể như sau:

Thứ nhất, toàn bộ thuế GTGT đầu vào của nguyên liệu, dịch vụ phục vụ cho sản xuất phân bón không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí giá thành sản phẩm, làm tăng giá thành và giá bán phân bón. Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, tính vào chi phí giá thành sản xuất phân bón từ năm 2015 đến năm 2022 đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Thứ hai, sự sụt giảm đầu tư của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước do hai lý do: Một là do toàn bộ thuế GTGT đầu vào của hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ không được khấu trừ, dẫn đến suất đầu tư tăng, giảm hiệu quả đầu tư. Hai là việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí, làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sụt giảm. Điều này dẫn đến rủi ro cho sự phát triển của ngành phân bón trong nước, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam khi công nghệ sản xuất phân bón trong nước lạc hậu do thiếu đầu tư, chi phí giá thành sản xuất phân bón trong nước cao do gánh phần thuế GTGT đầu vào, người tiêu dùng phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu.

Thứ ba, việc áp dụng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu khi phân bón nhập khẩu không có thuế GTGT đầu vào.

Ông Lê Văn Ngân cũng thông tin thêm, trước tháng 01/2015 khi Luật 71 có hiệu lực, tổng cộng các dự án đầu tư cho phân bón có công suất 3,5 triệu tấn/năm. Sau thời điểm trên, tổng công suất đầu tư mới chỉ là 370.000 tấn.

Áp thuế giá trị gia tăng 5% giúp phân bón nội có dư địa giảm

Đại diện Tổng hội Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế GTGT sang mặt hàng chịu thuế GTGT ở mức 5% (như các Luật Thuế GTGT trước đây) là dựa trên đánh giá tác động tổng hợp đến nền kinh tế, bao gồm: tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước; tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước; tác động đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn.

Thứ nhất, phần thuế GTGT của chi phí cấu thành nên sản phẩm phân bón sẽ được hạch toán tách ra khỏi giá thành sản phẩm phân bón và được khấu trừ bởi thuế GTGT đầu ra. Do đó, chi phí sản xuất, giá vốn sản xuất phân bón sẽ giảm (giảm tương ứng với số thuế GTGT đầu vào được bóc tách).

Thứ hai, người tiêu dùng sản phẩm phân bón không phải chịu phần thuế GTGT đầu vào (do đã được bóc tách khỏi chi phí đầu vào sản xuất), nhưng sẽ phải chịu phần thuế GTGT đầu ra của phân bón. Tuy nhiên, nếu áp dụng thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón thì phần thuế GTGT đầu ra sẽ thấp hơn phần thuế GTGT đầu vào (tỷ lệ thuế GTGT đầu vào sản xuất các loại phân bón tính bình quân đều ở mức cao hơn 5% theo phân tích chi tiết dưới đây), nên giá bán phân bón có dư địa giảm.

supe.jpg
Việc áp thuế GTGT 5% đối với phân bón sẽ giúp giá phân bón sản xuất trong nước có dư địa giảm, người tiêu dùng được hưởng lợi về lâu dài. Ảnh: Nguyễn Duyên 

Mới đây, nhóm chuyên gia của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID) cũng đưa ra phân tích định lượng ảnh hưởng của việc áp thuế GTGT 5% đến giá phân bón.

Nhóm phân tích đã dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính niêm yết của 9 công ty phân bón đại diện của các chủng loại phân bón (ure, DAP, lân, NPK), bao gồm: Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng, Phân bón Bình Điền, Supe Lâm Thao, Phân lân Văn Điển, Phân lân Ninh Bình, Phân bón miền Nam) chiếm thị phần 57% tổng sản lượng tiêu thụ trong nước.

thue-3.png
Bảng phân tích ước tính thay đổi giá bán sau khi áp thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón. Nguồn: Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID)

Theo nghiên cứu này, thuế suất thuế GTGT đầu vào trung bình đối với phân bón cụ thể như sau: Thuế GTGT đầu vào sản xuất phân ure là 9,3%, NPK là 6,4%, phân DAP là 8,1%; phân lân là 7,7%. Tỷ trọng giá vốn/doanh thu sản xuất phân bón sẽ giảm khi điều chỉnh mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT. Tỷ trọng giá vốn/doanh thu giảm là do thay đổi cách hạch toán kế toán, doanh nghiệp được bóc tách phần thuế GTGT đầu vào ra khỏi chi phí đầu vào sản xuất.

Cụ thể: Khi phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT, giá vốn bao gồm cả phần thuế GTGT đầu vào: Tỷ trọng giá vốn/doanh thu là 78%. Khi phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT, giá vốn được bóc tách phần thuế GTGT đầu vào: Tỷ trọng giá vốn/doanh thu chỉ còn khoảng 71-73% (tùy từng loại phân bón).

Bài phân tích cũng tóm tắt lại, nếu áp thuế GTGT 5% đối với phân bón, giá phân ure, DAP và lân sản xuất trong nước có dư địa giảm. Cụ thể, giá phân ure có dư địa giảm 2%, giá phân DAP có dư địa giảm 1,13%, giá phân lân có dư địa giảm 0,87%; giá NPK có thể tăng không đáng kể (0,09%) hoặc giữ nguyên; giá phân ure, DAP, NPK, SA và Kali nhập khẩu tăng, đơn cử, giá phân NPK nhập khẩu có thể tăng 5%.

Tuy nhiên, cấu trúc thị trường phân bón hiện tại (tiêu thụ phân bón sản xuất trong nước chiếm xấp xỉ 70%, tiêu thụ phân bón nhập khẩu xấp xỉ 30%) sẽ cho phép doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước dẫn dắt điều chỉnh mặt bằng giá thị trường phân bón. Nhờ có điều chỉnh áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón, giá thành phân bón sản xuất trong nước giảm, giá bán phân bón sản xuất trong nước có dư địa giảm, dẫn đến các nhà nhập khẩu phân bón cũng sẽ phải giảm giá bán phân bón nhập khẩu theo mặt bằng giá thị trường, đem lại lợi ích lớn cho bà con nông dân.

Thứ ba, doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón tác dụng cao, phân bón thế hệ mới sẽ góp phần làm tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm, do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững. Khi doanh nghiệp tăng cường đầu tư sản xuất trong nước, điều này sẽ làm giảm dần lượng phân bón nhập khẩu.

Thứ tư, Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học... sẽ làm cho người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước. Việc điều chỉnh chính sách thuế GTGT, đưa phân bón trở lại là mặt hàng chịu thuế GTGT, để tạo môi trường về thuế và cạnh tranh bình đẳng, tạo tiền đề giảm giá thành và giá bán phân bón.

Như vậy, theo những phân tích ở trên, nếu áp thuế GTGT 5% với mặt hàng phân bón, người dân sẽ được hưởng lợi hơn việc không áp thuế mặt hàng này như trước đây nhờ giá phân bón có khả năng giảm trong dài hạn. Chính vì thế, các chuyên gia, Hiệp hội, cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất phân bón... đều đồng quan điểm với việc sửa đổi Luật thuế 71 theo hướng áp thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón./.

Cùng chuyên mục
  • Tuyên Quang duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 65% - Top đầu cả nước
    2 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Sáng 19-11, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang làm việc với Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc, Quốc hội khoá XV do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn về nội dung khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2019-2023.
  • Hội thảo bàn giải pháp ứng dụng UAV trong phát triển ngành chè Thái Nguyên
    2 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Ngày 19-11, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì Hội thảo bàn giải pháp hiện thực hóa nền kinh tế tầm thấp trên địa bàn tỉnh, với trọng tâm là ứng dụng công nghệ UAV (máy bay không người lái) vào các lĩnh vực như: Quản lý rừng, sản xuất nông nghiệp, phát triển văn hóa - du lịch, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, y tế, giao thông - vận tải…
  • Bổ sung quy định về xử lý chứng khoán để bảo đảm thi hành án dân sự
    2 ngày trước Tài chính
    (BKTO) - Chính phủ ban hành Nghị định số 152/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP.
  • Tổng tài sản giao dịch của các ngân hàng Mỹ đạt đỉnh trong hơn 16 năm
    2 ngày trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Khối lượng tài sản giao dịch của các ngân hàng Mỹ đã vượt mốc 1.000 tỷ USD trong quý 3/2024, đạt mức cao nhất trong hơn 16 năm và gần chạm kỷ lục mọi thời đại ghi nhận trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
  • Đạt mốc 5,72 triệu tấn sản phẩm, BSR về đích sớm 43 ngày
    2 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, vào lúc 17h00 ngày 18/11/2024, đồng hồ sản lượng xăng dầu các loại của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã đạt mốc kế hoạch năm 2024, là 5.727.735 tấn, về đích sớm 43 ngày.
Áp thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón: Người dân được hưởng lợi - tại sao?