Áp thuế GTGT 5% cho phân bón: Tạo sân chơi công bằng cho hàng nội và ngoại

(BKTO) - Phân bón trước đây chịu thuế GTGT 5%, nhưng từ năm 2015 đã được miễn thuế này với mục đích giảm gánh nặng cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc miễn thuế lại khiến giá phân bón tăng thêm 5-8% do doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào. Hiện Quốc hội đang xem xét đề xuất chuyển phân bón trở lại chịu thuế GTGT 5%, nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng giữa hàng trong nước và nhập khẩu, giúp hạ giá phân bón cho nông dân. Đề xuất này vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề giá phân bón có thực sự giảm hay không nếu áp thuế GTGT.

Phân bón không được áp thuế GTGT, thiệt hại cho cả người nông dân lẫn doanh nghiệp

phan-bon.jpg
Quốc hội đang xem xét đề xuất chuyển phân bón về diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%

Theo Luật số 71/2014/QH13 (viết tắt là Luật thuế 71) sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế thì mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Theo các chuyên gia, việc từ chỗ thuộc diện áp dụng thuế GTGT thuế suất 5% chuyển sang đối tượng không chịu thuế GTGT nghe qua tưởng như sẽ có lợi cho doanh nghiệp (DN) và nông dân. Tuy nhiên, thực chất vấn đề không hẳn như vậy.

Lý do là trước đây sản xuất phân bón chịu thuế đầu vào chủ yếu là 10%, thuế đầu ra 5%. Tuy nhiên, thuế đầu vào được khấu trừ và thậm chí hoàn thuế nếu mức thuế này cao hơn thuế đầu ra. Giờ đây khi áp dụng quy định mới thì doanh nghiệp (DN) không được khấu trừ thuế đầu vào, mà phải hạch toán vào chi phí. Điều này khiến cho chi phí sản xuất kinh doanh của các DN phân bón có khả năng tăng lên đáng kể, kéo theo giá bán cuối cùng cho nông dân.

Về lý thuyết, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu 5% thuế GTGT sang đối tượng không chịu thuế GTGT có thể dẫn đến hai khả năng trái ngược nhau: Thứ nhất là làm giảm giá bán, thứ hai làm tăng giá bán tới người mua cuối cùng. Điều này phụ thuộc vào tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế GTGT 10% trong cơ cấu giá bán sản phẩm (chưa có thuế GTGT).

Nếu tỷ trọng này thấp, ví dụ 10%, còn 90% còn lại của giá bán được cấu thành từ các khoản không chịu thuế GTGT như nguyên liệu là phân bón nhập khẩu (ví dụ phân ure, Kali, lân dùng để sản xuất phân NPK), tiền lương, khấu hao máy móc, lợi nhuận DN v.v…, thì việc không phải chịu thuế GTGT với mức 5% trên giá bán sẽ làm giá bán giảm đi so với khi phải chịu 5% thuế GTGT đầu ra và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (vì thuế GTGT đầu vào không đáng kể).

Điều này xảy ra với những DN chuyên dùng nguyên liệu là các loại phân đơn nhập khẩu (không chịu thuế GTGT) để phối trộn một cách đơn giản và cho ra sản phẩm NPK mà người ta vẫn gọi là công nghệ “cuốc xẻng”.

Ngược lại, nếu tỷ trọng đó cao, từ 50% giá bán trở lên, mà đây lại là tình trạng phổ biến ở các DN sản xuất phân bón tại Việt Nam sử dụng nguyên liệu, vật tư, năng lượng, thiết bị v.v.. chịu thuế GTGT đầu vào 10%, thì phần thuế GTGT đầu vào lớn hơn khoản 5% thuế GTGT đầu ra. Do đó việc miễn khoản 5% đầu ra nhưng không cho khấu trừ 10% đầu vào sẽ khiến giá thành tăng lên so với khi phân bón chịu thuế GTGT 5% (vì DN được hoàn một phần thuế GTGT do thuế đầu ra nhỏ hơn thuế đầu vào).

Giá thành tăng mà giá bán giữ nguyên thì DN chịu thiệt, còn nếu muốn giữ nguyên lợi nhuận thì DN phải tăng giá bán, và người chịu thiệt là nông dân. Nếu chia sẻ thì cả hai cùng chịu thiệt, mỗi bên một ít. Chỉ hàng nhập khẩu là được lợi.

supe.jpg
Không phải là đối tượng chịu thuế GTGT, nên các DN sản xuất phân bón trong nước không được hoàn lại khoản chênh lệch thuế, dẫn tới mất động lực để đầu tư phát triển. 

Từ thực tế doanh nghiệp, ông Đỗ Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản Apromaco - đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón cho biết: Trước năm 2015, khi thuế suất GTGT đối với phân bón là 5% thì Công ty vẫn được khấu trừ thuế khi tiến hành các hoạt động đầu tư, mua sắm, thanh toán chi phí… Tuy nhiên, sau khi Luật thuế 71 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 thì phân bón không phải là đối tượng chịu thuế GTGT, do đó, Công ty không được hoàn lại khoản chênh lệch thuế này nữa. Cũng do chi phí tăng cao, các doanh nghiệp như Apromaco sẽ ngần ngại khi đầu tư sản xuất phân bón trong nước, đặc biệt là các dự án có công nghệ cao do không được hoàn thuế GTGT cho nhà xưởng, thiết bị, nguyên liệu vật tư. Điều này dẫn tới tình trạng ngành sản xuất phân bón trong nước mất động lực phát triển do sản phẩm trở nên kém cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, và có nguy cơ bị hàng nhập khẩu đánh bại ngay trên sân nhà.

Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón tạo cạnh tranh bình đằng giữa hàng trong nước và nhập khẩu

Theo phân tích ở trên, nếu phân bón được chuyển từ diện không chịu thuế GTGT sang diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%, sẽ tạo sự cạnh tranh bình đằng giữa hàng trong nước và nhập khẩu.

Cụ thể hơn, các DN nhập khẩu phân bón sẽ phải chịu thuế GTGT 5% ngay khi nhập hàng, khiến chi phí tăng thêm 5% so với trước kia, và giá bán tới nông dân cũng tăng tương ứng.

Ở chiều ngược lại, các DN sản xuất từ nguyên liệu, vật tư trong nước sẽ được hoàn một phần thuế GTGT do thuế đầu ra 5% thấp hơn thuế đầu vào 10%, khiến giá thành giảm đi so với trước, và giá bán tới nông dân cũng có điều kiện giảm tương ứng.

z5538702508915_181262d7239caeaab350a0a42ae941f2.jpg
Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón sẽ tạo cạnh tranh bình đẳng giữa hàng trong nước và nhập khẩu 

Như vậy, việc áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá của hàng nhập khẩu và giảm giá của hàng nội địa, đưa cả hai về một mặt bằng chung do cùng chịu thuế suất 5%, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa hàng trong nước và ngoài nước. Điều này cũng giúp khắc phục được sự bất hợp lý đã diễn ra suốt 10 năm nay: hàng nhập khẩu được lợi thế hơn hàng trong nước nhờ chính chính sách của chúng ta. Ngoài ra, phần ngân sách bị hụt thu từ hàng trong nước sẽ được bù đắp một phần từ khoản thu thuế GTGT từ hàng nhập khẩu.

Giải tỏa nỗi lo tăng giá phân bón tới tay người nông dân

Xung quanh câu chuyện đề xuất chuyển phân bón về diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%, vẫn có một số ý kiến lo ngại rằng việc áp thuế GTGT 5% cho phân bón giúp DN giảm giá thành, nhưng chưa chắc DN đã chịu giảm giá bán, và nông dân vẫn không được hưởng lợi.

Phân tích về mối lo ngại này, các chuyên gia cho rằng, mối lo ngại này cũng không khác gì mối lo ngại rằng khi Quốc hội đồng ý giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% thì lấy gì đảm bảo rằng các DN cũng giảm giá bán tới người tiêu dùng? Thực tế thời gian qua cho thấy mối lo ngại này không có cơ sở.

Bởi thuế GTGT là thuế gián thu, các DN chỉ thu hộ Nhà nước từ người tiêu dùng. Chính vì thế, không lý gì DN lại tăng giá chưa có thuế GTGT (là phần DN được hưởng) để “móc túi” khoản 2% thuế GTGT đó từ người mua. Việc này dẫn tới hàng hóa của DN sẽ không tiêu thụ được hàng do giá bán cao hơn các DN khác. Cơ chế cạnh tranh buộc các DN phải đưa giá về một mặt bằng chung, cấu thành từ giá chưa có thuế GTGT (là phần của DN), cộng với thuế GTGT theo quy định (là phần của Nhà nước).

Chính vì thế, Chính phủ mới có cơ sở để tiếp tục đề nghị Quốc hội xem xét kéo dài việc giảm thuế GTGT xuống 8% tới hết năm 2024.

Đã gần 10 năm, kể từ 1/1/2015 khi Theo Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực và bộc lộ rất nhiều bất cập. Không phải ngẫu nhiên mà gần 10 năm nay, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, Hiệp hội Phân bón Việt Nam “ròng rã” kiên trì kiến nghị chuyển phân bón thành đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% hoặc tốt hơn nữa là 0%. Khi Chính phủ trình Quốc hội dự thảo sửa đổi luật Thuế GTGT hẳn cũng đã xem xét, cân nhắc vấn đề một cách toàn diện, thấu đáo, cẩn trọng.

Hơn lúc nào hết, ngành phân bón trong nước, người nông dân vẫn đang ngóng chờ đợi sự thay đổi này!

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Theo đó, phân bón từ mặt hàng chịu thuế GTGT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ ngày 1/1/2015, nhằm giảm gánh nặng cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế khi áp dụng Luật Thuế 71, mục đích giảm gánh nặng giá phân bón cho nông dân không đạt được, thậm chí còn gây tác dụng ngược khi giá thành phân bón bị tăng thêm 5 - 8% tùy loại.

Cùng chuyên mục
Áp thuế GTGT 5% cho phân bón: Tạo sân chơi công bằng cho hàng nội và ngoại