Quy hoạch Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững

(BKTO) - Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây nguyên lần thứ ba diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

ld(1).jpg
Quy hoạch Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững. Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Quy hoạch vùng là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành và địa phương triển khai các chương trình, dự án quan trọng của Vùng trong thời kỳ quy hoạch.

Quy hoạch Vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 có phạm vi, ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Quy hoạch đưa ra mục tiêu phát triển đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số…

Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Nguyên là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Không gian sinh thái, giàu bản sắc văn hóa.

Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển. Kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, là các nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đến năm 2050, một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Quy hoạch đưa ra mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 7-7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD.

Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29% trong GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 27%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp khoảng 6%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP khoảng 39%; tỷ trọng kinh tế số khoảng 25-30% GRDP. Tỷ lệ đô thị hoá đạt từ 37%-41%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao khoảng 50%.

Về xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25-30%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì giảm 1,0-1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục mầm non khoảng 60%; tiểu học khoảng 65%, trung học cơ sở khoảng 75% và trung học phổ thông khoảng 60%. Số giường bệnh/vạn dân đạt 32 giường; số bác sỹ/vạn dân đạt 11 bác sỹ. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%.

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, để thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch, các địa phương trong vùng cần tập trung vào các nội dung như tổ chức triển khai quy hoạch công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật; kết hợp với tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm tuyên truyền, quảng bá, thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia thực hiện Quy hoạch.

Đồng thời, cần khẩn trương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng, nhằm sử dụng hợp lý các nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển vùng; phát triển các hành lang kinh tế nhằm kết nối hiệu quả các địa phương trong vùng, kết nối với các trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng, các cảng biển, khu kinh tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị ven biển ở vùng Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung./.

Cùng chuyên mục
Quy hoạch Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững