Theo đó, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã bầu bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI, làm Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, với số phiếu tuyệt đối.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII |
Hội nghị cũng đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm 14 người.Các ông: Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh;Phạm Hoàng Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên, được bầu giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.
Hội nghị cũng đã bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 người và bầu ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVI, tiếp tục giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khóa XVII.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt Đại hội. |
Đại hội đã thảo luận và nhất trí thông qua Nghị quyết về phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Mục tiêu tổng quát là đến năm 2025, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc trong sạch, vững mạnh; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; khai thác những động lực mới cho tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát triển văn hóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; củng cố quốc phòng, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập thực tế bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt mức 80 đến 85 triệu đồng; kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,5 đến 9,0%/năm; cơ cấu kinh tế Công nghiệp - Xây dựng chiếm 61,5 đến 62,0%; dịch vụ chiếm 32 đến 32,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6 đến 6,5%; tạo việc làm tăng thêm hằng năm từ 16.000 đến 17.000 việc làm mới; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia (theo chuẩn mới) đạt 70% trở lên ở tất cả các cấp học…
Để thực hiện đạt kết quả tốt các mục tiêu trên, Đại hội đã thảo luận, thống nhất năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với 26 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đại hội cũngđề ra ba khâu đột phá, tập trung xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thu hút, giải phóng các nguồn lực đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo nguyên tắc hiệu quả, bền vững. Trong đó, ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao; đẩy mạnh đô thị hóa cùng với xây dựng nông thôn mới nâng cao, tạo sự chuyển biến cơ bản về diện mạo, chất lượng đô thị, nông thôn của tỉnh trong năm năm tới. Trọng tâm là xây dựng đô thị của Vĩnh Phúc xanh - sạch - đẹp - văn minh. Đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy, trước hết là đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ bằng “sản phẩm”, coi kết quả đánh giá cán bộ là tiêu chí quan trọng nhất để thực hiện quy hoạch, điều động, bổ nhiệm…
H. NGÂN (tổng hợp)