Ba Lan: Công tác quản lý chất thải đang đối mặt với nhiều thách thức

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước Ba Lan (NIK) vừa công bố một báo cáo kiểm toán trong đó đặc biệt nhấn mạnh, công tác quản lý, giám sát và vận chuyển chất thải xuyên biên giới không được thực hiện hiệu quả.

9.jpg
Công tác quản lý chất thải tại Ba Lan còn nhiều bất cập. Ảnh: ST

Nhiều phát hiện đáng lo ngại

Báo cáo kiểm toán của NIK đưa ra hàng loạt phát hiện đáng lo ngại, trong đó nhấn mạnh: Các điều kiện thiết yếu chưa được đảm bảo để các cơ quan hành chính công thực hiện giám sát và quản lý chất thải hiệu quả, làm phát sinh một số khoản chi phí.

Mục tiêu đến năm 2025, Ba Lan cần đạt được 55% lượng tái chế so với tổng lượng chất thải đô thị; đến năm 2030-2035, con số cần đạt được lần lượt là 60 và 65%. Để hoàn thành các mục tiêu này cần có điều kiện về mặt pháp lý, kỹ thuật, tài chính và tổ chức giám sát, quản lý chất thải phù hợp. Tuy nhiên, dữ liệu của Cục Thống kê Trung ương cho thấy, có thể Ba Lan sẽ không đạt được các mục tiêu này.

Theo NIK, đến nay, không có phân tích nào được thực hiện nhằm đánh giá việc áp dụng phạt đối với hành vi thải bỏ xe cộ cũ có làm giảm lượng chất thải không và không có quy định cụ thể khi nào một chiếc xe trở thành chất thải. Trong khi đó, quy định này có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc hạn chế nhập khẩu bất hợp pháp các phương tiện đã qua sử dụng.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý đã phân loại chất thải không đúng cách, hồ sơ và báo cáo không chính xác, các cơ quan quản trị không xem xét thấu đáo khi xác minh các báo cáo được đệ trình, do đó, họ không nắm được thông tin đầy đủ về tình hình thực tế, không thể đánh giá đúng thị trường chất thải và không lập được kế hoạch cơ sở hạ tầng quản lý chất thải theo nhu cầu thực tế.

NIK xác định, hơn 60% các cơ quan chức năng không thực hiện kiểm tra bắt buộc ít nhất một lần trong 3 năm đối với các đơn vị tái chế, phục hồi chất thải đang hoạt động. Hậu quả của các hành vi không tuân thủ đã gây ra các khoản thất thoát gần 1,6 triệu USD.

Trong một số trường hợp, chất thải được xử lý mà không có các văn bản quyết định theo yêu cầu và đơn vị quản lý chất thải thường không tuân theo các quyết định đó. Mức độ thu gom chất thải có chọn lọc quá thấp để có thể đạt được các mục tiêu liên quan đến việc thu hồi và tái chế chất thải. Mặt khác, cuộc kiểm toán còn phát hiện nhiều thiết bị điện, điện tử phế thải tại các bãi phế liệu trái phép. Điều này cho thấy sự giám sát không hiệu quả của các cơ quan có liên quan.

NIK cho biết, các thành phố không tuân thủ các nguyên tắc xác định biện pháp phân cấp quản lý và các chương trình ngăn ngừa chất thải. Các đô thị không giám sát đầy đủ công tác xử lý rác thải, đây là một trong những nhân tố làm gia tăng chi tiêu của các đô thị, gia tăng việc xử lý rác thải bất hợp pháp. Do khả năng xử lý rác thải đô thị của hầu hết các đơn vị thu gom rác thải bị hạn chế nên chi phí đã tăng lên đến 256,3%.

Các cơ quan hành chính công chịu trách nhiệm giám sát việc vận chuyển chất thải xuyên biên giới nhưng thực tế không giám sát; thông tin về các đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo luật định không đầy đủ. Đặc biệt, hầu hết các cơ quan thanh tra bảo vệ môi trường cấp tỉnh không lấy mẫu xét nghiệm; có tới 37,5% đơn vị không tiến hành kiểm tra ít nhất 1 lần/năm đối với các đơn vị trực thuộc. Công tác giám sát của Chánh Thanh tra Bảo vệ môi trường đối với các cơ quan thanh tra cấp tỉnh trở xuống trong việc xác minh hồ sơ của các cơ quan này ngày càng yếu kém.

Cần tăng cường giám sát và quản lý chất thải

Qua kiểm toán, NIK đã đưa ra nhiều kiến nghị cho các đơn vị có liên quan. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Khí hậu và Môi trường cần tích cực hơn trong việc bổ sung điều khoản vào Đạo luật về rác thải từ thiết bị điện và điện tử; cần đảm bảo các dữ liệu trong bộ cơ sở dữ liệu về sản phẩm, bao bì và quản lý chất thải được hoàn thiện, có các chức năng cần thiết.

Ngoài ra, Bộ này cần phân tích đúng thị trường chất thải đô thị để xác định các vấn đề quản lý các chất thải riêng lẻ; thực hiện các biện pháp pháp lý và tổ chức thực hiện để giải quyết các tồn đọng; tăng cường các nỗ lực nhằm đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các chỉ thị của Nghị viện và Hội đồng châu Âu; đồng thời, nỗ lực hợp tác với Bộ Kỹ thuật số và Bộ Cơ sở hạ tầng để làm cho dữ liệu trong hệ thống của Cục Đăng kiểm xe và lái xe trung ương đáng tin cậy.

NIK cũng kiến nghị, Chánh Thanh tra Bảo vệ môi trường cần xây dựng và thực hiện các nguyên tắc giám sát việc vận chuyển hoặc quá cảnh chất thải. Thanh tra bảo vệ môi trường cấp tỉnh cần lập kế hoạch và tiến hành thanh tra các đơn vị thu gom rác thải đô thị; thu thập các mẫu thử nghiệm chất thải, đặc biệt trong trường hợp chất thải được tập kết tại các bãi chôn lấp.

Các cán bộ quản lý cấp tỉnh được khuyến nghị cần theo dõi khu vực rác thải, phân tích thị trường rác thải đô thị để xác định các vấn đề liên quan đến cách quản lý rác thải. Các thị trưởng và chủ tịch thành phố cũng được yêu cầu cần giám sát các đơn vị quản lý và thu gom rác thải đô thị; nghiên cứu hình thái chất thải được tạo ra trong đô thị và sử dụng kết quả nghiên cứu để phân tích tình trạng quản lý chất thải trong đô thị.../.

(Theo NIK và tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Ba Lan: Công tác quản lý chất thải đang đối mặt với nhiều thách thức