Kiểm toán nhà nước Trung Quốc: Tăng cường kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

(BKTO) - Các Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc chỉ ra rằng, các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) cần phát huy vai trò quan trọng trong Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững. Từ thực tiễn kiểm toán những năm gần đây, Trung Quốc đã có những hành động tích cực trong kiểm toán tài nguyên và môi trường, từ đó có những đóng góp nhất định trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

9-17-sdg(1).jpg
Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc có tới 8 mục tiêu liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Chú trọng kiểm toán tài nguyên môi trường từ rất sớm

Năm 2015, Kỳ họp thứ 70 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua văn kiện “Thay đổi thế giới của chúng ta - Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững 2030”. Chương trình nghị sự đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững, nhằm giải quyết các vấn đề trên 3 phương diện: Xã hội, kinh tế và môi trường để đưa thế giới hướng tới con đường phát triển bền vững.

Trong số 17 mục tiêu này, có tới 8 mục tiêu liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường bao gồm: Mục tiêu 2: Xóa đói, thực hiện an ninh lương thực, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững; Mục tiêu 6: Cung cấp, quản lý bền vững nước và vệ sinh môi trường cho tất cả mọi người; Mục tiêu 7: Đảm bảo khả năng tiếp cận đến nguồn năng lượng hiện đại có thể chi trả, đáng tin cậy và bền vững cho tất cả mọi người; Mục tiêu 9: Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chọi với thiên tai; Mục tiêu 11: Xây dựng các khu dân cư và thành phố có sức chứa, an toàn, có khả năng chống lại thiên tai và bền vững; Mục tiêu 13: Thực hiện hành động khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và tác động của nó; Mục tiêu 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững; Mục tiêu 15: Bảo vệ, khôi phục và thúc đẩy việc sử dụng bền vững hệ sinh thái trên cạn, quản lý rừng bền vững, phòng chống sa mạc hóa, ngăn chặn và thay đổi tình trạng suy thoái đất và ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học.

Ông LOU Tao - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán Tài nguyên, sinh thái và môi trường (Kiểm toán nhà nước (KTNN) Trung Quốc) - cho biết, Trung Quốc đã chú trọng sự phát triển bền vững. Từ năm 1996, Trung Quốc đã đặt vấn đề phát triển bền vững thành Chiến lược quốc gia và nỗ lực thực hiện Chiến lược này. Theo đó, trong thực tiễn kiểm toán những năm qua, KTNN Trung Quốc cũng đã thúc đẩy kiểm toán trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.

Trung Quốc cũng đã coi việc thúc đẩy xây dựng nền văn minh sinh thái là một nội dung quan trọng trong bố cục chiến lược quốc gia. Trên cơ sở đó, một loạt quyết sách quan trọng đã được đưa ra, triển khai và hành động. Để thích ứng với sự phát triển và thay đổi của thời đại, kiểm toán tài nguyên và môi trường của KTNN Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng. Cụ thể, các cuộc kiểm toán trong các lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, tài nguyên đất đai, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, ngăn ngừa ô nhiễm đã được triển khai, đồng thời kiểm toán cuối nhiệm kỳ về tài nguyên thiên nhiên với các cán bộ lãnh đạo cũng bắt đầu được tiến hành. Từ đó, KTNN Trung Quốc dần tìm ra lộ trình kiểm toán tài nguyên môi trường phù hợp với điều kiện của đất nước.

Kiểm toán bám sát vào các mục tiêu phát triển bền vững

Chia sẻ với KTNN Việt Nam, ông LOU Tao nêu rõ, xoay quanh việc thực hiện Mục tiêu 2 và dựa trên chiến lược an ninh lương thực quốc gia, Vụ Kiểm toán Tài nguyên, sinh thái và môi trường (KTNN Trung Quốc) đã nhiều lần tổ chức kiểm toán tài nguyên đất đai, tập trung đánh giá tình hình thực thi các chính sách bảo vệ đất canh tác như “cân bằng chiếm dụng và đền bù” đất canh tác, thiết lập quan hệ giữa tăng giảm đất xây dựng đô thị - nông thôn và xây dựng đất nông nghiệp cơ bản đạt tiêu chuẩn cao…

Đồng thời, xoay quanh việc thực hiện Mục tiêu 6 và Mục tiêu 14, Vụ Kiểm toán Tài nguyên, sinh thái và môi trường của KTNN Trung Quốc đã tổ chức thực hiện kiểm toán các lưu vực sông và biển trọng điểm, chủ yếu như kiểm toán bảo vệ môi trường sinh thái khu vực Bột Hải, bảo vệ môi trường sinh thái ở Khu kinh tế Trường Giang, bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực Hoàng Hà. Cùng với đó, KTNN Trung Quốc cũng tập trung kiểm toán việc quản lý, kiểm soát tài nguyên đất liền và biển, hệ sinh thái dưới nước và tài nguyên nước; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp và bố cục lại các ngành sản xuất công nghiệp, thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng.

Liên quan đến việc thực hiện Mục tiêu 7 và dựa trên Chiến lược trung hòa carbon và đạt đỉnh phát thải carbon quốc gia, Vụ Kiểm toán Tài nguyên, sinh thái và môi trường đã thực hiện kiểm toán chuyên đề về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, tập trung phát triển nguồn năng lượng tái sinh như: Điện gió, quang điện, sinh khối, thay thế năng lượng truyền thống như than và theo dõi tình hình mở rộng phổ cập xe năng lượng mới.

Đối với việc thực hiện Mục tiêu 15, trước đây, Vụ Kiểm toán Tài nguyên, sinh thái và môi trường đã tổ chức thực hiện kiểm toán các dự án lâm nghiệp, như dự án chuyển đổi đất canh tác sang đất lâm nghiệp và dự án bảo vệ rừng tự nhiên. Để thích ứng với yêu cầu phát triển của thời đại mới và thúc đẩy tốt hơn việc thực hiện chiến lược an ninh sinh thái quốc gia, Vụ Kiểm toán Tài nguyên, sinh thái và môi trường đã có kế hoạch thực hiện kiểm toán Chuyên đề về lâm nghiệp và thảo nguyên vào cuối năm 2023, trong đó tập trung theo dõi tình hình thực hiện của các dự án trọng điểm hoặc chiến lược quốc gia như: Bảo vệ đa dạng sinh học, phòng chống sa mạc hóa, trả đất canh tác về rừng, trả đất chăn nuôi cho thảo nguyên, bảo vệ và quản lý có hệ thống khối thống nhất gồm: Sông, núi, đồng, rừng, ao hồ và thảo nguyên. Cuộc kiểm toán này hiện đang được KTNN Trung Quốc tích cực chuẩn bị triển khai - ông LOU Tao cho biết./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước Trung Quốc: Tăng cường kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững