Số tiền trên được phân bổ cho 8 địa phương, bao gồm TP. Bắc Ninh (10 tỷ đồng), TP. Từ Sơn (5 tỷ đồng), thị xã Thuận Thành (5 tỷ đồng), thị xã Quế Võ (5 tỷ đồng) và các huyện Tiên Du, Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài đều chung mức 5 tỷ đồng/nơi. Sở Tài chính, Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm hướng dẫn quyết toán theo quy định.
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh đến sáng 12/9 cho hay, trong 24 giờ qua, tỉnh có mưa to đến rất to. Hiện, các vị trí sự cố sạt lở bờ tả, bờ hữu sông Ngũ Huyện Khê đã được xử lý. Do lũ sông Cầu, sông Đuống lên cao, những ngày qua, nhiều khu vực dân cư ngoài bãi sông đã được di dời.
TP. Bắc Ninh di chuyển khoảng 400 hộ dân (1.750 người) ở khu vực đê bối Quả Cảm, đê bối Đẩu Hàn, phường Hòa Long (tăng 1.400 người so với ngày 11/9).
Huyện Tiên Du đã di dời 30 hộ dân (104 nhân khẩu) thuộc xã Cảnh Hưng, xã Minh Đạo và xã Tân Chi. Các xã Cao Đức (huyện Gia Bình), Hòa Tiến (huyện Yên Phong) cũng di dời hàng trăm hộ dân do ảnh hưởng của nước dâng.
Ban Chỉ huy cho biết thêm, nước lũ trên sông Cầu tại Phúc Lộc Phương, Đáp Cầu, sông Thái Bình trên báo động 3. Nước trên sông Đuống tại Bến Hồ trên báo động 2. Mực nước lũ trên sông Thái Bình tại Phả Lại trên báo động 3.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, mực nước lũ sau bão số 3 hiện nay thấp hơn so với mực nước lũ lịch sử năm 1971. Ví dụ, lũ trên sông Cầu (đoạn qua Bắc Ninh) dao động ở mức đỉnh lũ 7,63m, trên báo động 3 là 1,33m nhưng dưới mức nước lũ lịch sử năm 1971 khoảng 0,2m.
Trước đó, ngày 11/9, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh và Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Ninh đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo di dời toàn bộ người cao tuổi, người yếu thế, trẻ em ở thôn Tân Tiến, xã Cao Đức, nơi có 400 nhân khẩu ngoài đê sông Thái Bình, đến nơi an toàn. Những người còn lại vẫn sinh hoạt bình thường. Địa phương có trách nhiệm hỗ trợ người dân lương thực, thực phẩm, thuốc men…./.