Bài 2: Đề cương Văn hóa năm 1943: Đặt nền móng cho vị thế văn hóa trong trụ cột phát triển đất nước

Sau 80 năm ra đời, Đề cương Văn hóa năm 1943 không chỉ là một đường hướng, một cuộc vận động làm cách mạng văn hóa ở tại thời điểm lịch sử ra đời đó, mà từng nội dung Đề cương vẫn thể hiện rõ tính thời sự, đều có thể vận dụng mở rộng gắn với từng giai đoạn mới của đất nước, trong đó có nội dung về triển vọng đóng góp của văn hóa cho sự phát triển chung. TS, chuyên gia văn hóa Bùi Thị Hoa (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đã có những chia sẻ sâu sắc về vấn đề này.

le-ky-niem-va-chuong-trinh-nghe-thuat-dac-biet-ky-niem-80-nam-ra-doi-de-cuong-van-hoa-viet-nam13-1677599930118638743023-copy.jpg
Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Ảnh: toquoc.vn

Khẳng định mối quan hệ gắn bó văn hóa – kinh tế trong trụ cột phát triển

Theo chuyên gia văn hóa Bùi Thị Hoa, Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 đặt ra nhiệm vụ lâu dài đối với phát triển văn hóa trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - các trụ cột để phát triển đất nước. Qua các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) về văn hóa, mối quan hệ này đã được làm rõ ở tính biện chứng: Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội.

“Nói cách khác, sự phát triển xã hội chính là sự phát triển văn hóa và kinh tế tạo ra được những tiền đề để phát triển văn hóa” - bà Hoa nhấn mạnh.

Theo bà Hoa, khi xem xét mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển kinh tế, cần đánh giá cách thức mà những đặc điểm văn hóa khác nhau thúc đẩy hoặc là cản trở sự phát triển kinh tế. Bởi "tất cả các nền văn hóa khác nhau có những đặc trưng, đặc thù khiến chúng trở nên độc đáo và khác biệt so với các nền văn hóa khác. Những đặc điểm văn hóa này mang lại lợi ích kinh tế nhưng ở một thời điểm khác có thể lại là trở ngại cho sự phát triển kinh tế” - bà Hoa lưu ý; đồng thời đề nghị cần có sự đánh giá một cách toàn diện để nhận diện từ đó khắc phục, biến những thách thức thành cơ hội phát triển.

Từ sự xác định đúng đắn vị trí của văn hóa trong trụ cột phát triển, Đảng ta chỉ rõ văn hóa là “sức mạnh mềm” để phát triển đất nước. Đầu tư cho văn hóa có nghĩa là đầu tư cho con người. Do đó đòi hỏi phải xây dựng một môi trường văn hóa giàu bản sắc và giá trị hội nhập.

- Chuyên gia văn hóa Bùi Thị Hoa -

Đặc biệt, quá trình hội nhập giữa các nền văn hóa diễn ra mạnh mẽ cũng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự hiểu biết và gia tăng hàm lượng văn hóa trong các quan hệ quốc tế thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nền văn hóa. “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là sự hiện diện của công nghệ, mối quan hệ giữa kinh tế - văn hóa cần được phân tích và làm rõ hơn, giúp quá trình hội nhập bền vững, làm cho văn hóa được gia tăng hàm lượng biểu đạt” - nữ chuyên gia cho biết.

Văn hóa ngày càng có đóng góp lớn cho sự phát triển

Vượt qua giới hạn “sức mạnh mềm”, văn hóa ngày càng khẳng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống, không chỉ mang lại giá trị tinh thần mà còn đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế, như các văn kiện của Đảng ta đã ghi nhận.

Dẫn chứng, bà Hoa cho biết, ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện đang đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trước đại dịch Covid-19, sự phát triển nổi trội của 1 số ngành nghề đã cho thấy sự tăng trưởng của các ngành thuộc công nghiệp văn hóa, điển hình như năm 2019, ngành điện ảnh đạt doanh thu trên 4,1 nghìn tỷ đồng; tổng thu từ khách du lịch đạt 720 nghìn tỷ đồng; tổng doanh thu quảng cáo trên các phương tiện là hơn 65,4 nghìn tỷ đồng…

“Những thành quả này dù còn khiêm tốn song rất đáng ghi nhận khi văn hóa tưởng chừng chỉ là giá trị vô hình thì đã mang lại những giá trị hữu hình cho sự phát triển kinh tế, xã hội, tạo được giá trị gia tăng sáng tạo và việc làm, nâng cao được giá trị bền vững cho cộng đồng” - nữ chuyên gia đánh giá; đồng thời cho rằng, văn hóa đã trở thành đòn bẩy, chất liệu cho những sáng tạo và sự tiếp xúc giữa nhà sản xuất, nghệ sĩ, công chúng và các đối tác kinh doanh làm tăng thêm tính năng động và sức mạnh tổng hợp.

le-ky-niem-va-chuong-trinh-nghe-thuat-dac-biet-ky-niem-80-nam-ra-doi-de-cuong-van-hoa-viet-nam21-1677599927741957635001.jpg
Đề cương về Văn hóa đã khẳng định giá trị và sức sống trường tồn qua nhiều thời kỳ lịch sử. Ảnh: toquoc.vn

Có thể nói, phát triển văn hóa và phát triển kinh tế, theo định hướng của Đề cương đã được tiếp nối và bổ sung trong nghị quyết về văn hóa của Đảng qua các kỳ đại hội và trở thành quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong thực tiễn phát triển văn hóa của đất nước.

“Đề cương đã đặt nền móng, đã đưa ra những vấn đề, những nguyên tắc, cả những giải pháp mà từ đó người làm văn hóa, ngành văn hóa xác định rõ những nhiệm vụ lâu dài, chú ý phát huy sáng tạo sức mạnh mềm của văn hóa” - chuyên gia Bùi Thị Hoa nói và nhấn mạnh định hướng của Đề cương về phát triển văn hóa là nhằm mục tiêu hướng tới phát triển bền vững, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. 

Với định hướng đó, vai trò của văn hóa cần tiếp tục được khẳng định và đặt trong mối quan hệ với các vấn đề xã hội, văn hóa với bảo vệ môi trường, trong đó những giá trị văn hóa là yếu tố cốt lõi, xuyên suốt. “Từ Đề cương năm 1943 đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, đến Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam và các chương trình phát triển văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa... sẽ là những mốc lịch sử đánh dấu từng giai đoạn phát triển văn hóa của Việt Nam luôn được bổ khuyết, làm mới ở một tầm nhìn mới” - nữ chuyên gia đánh giá.

Cùng chuyên mục
Bài 2: Đề cương Văn hóa năm 1943: Đặt nền móng cho vị thế văn hóa trong trụ cột phát triển đất nước