Đề xuất lao động ký hợp đồng 1 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp: Chuyên gia và người lao động ủng hộ

THÀNH ĐỨC - MINH LONG | 28/02/2023 11:45

(BKTO) - Nhằm bảo vệ người lao động (NLĐ), đặc biệt là lao động yếu thế, tại Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã đề xuất lao động ký hợp đồng 1 tháng cũng phải đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình từ các chuyên gia và NLĐ.

lao-dong-bhtn.jpg
Đề xuất lao động ký hợp đồng 1 tháng trở lên đóng BHTN đang nhận được sự đồng tình của NLĐ và các chuyên gia. Ảnh: TTXVN

“Giá đỡ” cho lao động yếu thế

Tham gia BHTN, NLĐ được thụ hưởng nhiều quyền lợi. Một trong số những quyền lợi này là được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định như sau: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Tham gia BHTN, NLĐ cũng được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm. Cụ thể, theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm 2013, NLĐ đang đóng BHTN bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Như vậy, có thể thấy, khi tham gia BHTN, NLĐ được hưởng không ít quyền lợi. Tuy nhiên, rất nhiều lao động lại đứng ngoài lưới an sinh này, nhất là những lao động thời vụ, chỉ hợp đồng ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng…

Liên quan tới BHTN, Bộ LĐTBXH dự kiến đề xuất bổ sung quy định đối tượng NLĐ bắt buộc tham gia BHTN gồm NLĐ có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; bổ sung một số quy định về tham gia BHTN; đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHTN bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp…

Bộ LĐTBXH cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về trợ cấp thất nghiệp; mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định; NLĐ không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trước thực tế này, tại Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ LĐTBXH đề xuất bổ sung tất cả NLĐ có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên đều tham gia BHTN.

Theo Bộ LĐTBXH, nhóm lao động có hợp đồng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thường có nguy cơ thất nghiệp cao, nếu tham gia BHTN, họ sẽ được hưởng các chế độ BHTN khi mất việc làm; tăng cơ hội chuyển đổi việc làm. Hơn nữa, việc mở rộng đối tượng sẽ góp phần giảm chi phí đối với chế độ trợ cấp thất nghiệp. Do tăng cường thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm nên NLĐ sớm quay trở lại thị trường lao động, hạn chế nhận trợ cấp thất nghiệp.

Đề xuất phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế

Khi được hỏi về đề xuất lao động ký hợp đồng 1 tháng tham gia BHTN, anh Nguyễn Quốc Hoàn (Hà Nội) - chia sẻ: “Đi làm không ai muốn công việc bị đứt quãng, phải nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng nhiều khi vì lý do khách quan, công việc bị ngắt quãng. Trong lúc chưa tìm được việc làm, tôi phải vay tạm bạn bè, thậm chí vay lãi suất nặng để trang trải cuộc sống. Vì thế, nếu quy định ký hợp đồng 1 tháng cũng được tham gia BHTN thì những lao động phổ thông, làm việc thời vụ như chúng tôi sẽ cảm thấy được an ủi vì mình được coi trọng”.

Cũng giống như anh Hoàn, anh Văn quê ở Hà Nam có thâm niên làm phụ hồ gần 20 năm ở Hà Nội. Trước đây, do không nắm được thông tin nên anh chỉ quan tâm đến lương, thưởng, không hề nghĩ đến chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), chế độ BHTN lại càng không quan tâm. Sau này, khi biết thông tin, anh chỉ nhận làm với bên nhà thầu khi họ đóng BHXH, BHYT cho anh đầy đủ.

“Do đặc thù công việc nên tôi chuyển công việc nhà thầu liên tục. Tôi cũng chỉ quan tâm về chính sách BHXH, BHYT, không nghĩ đến BHTN. Giờ tìm hiểu mới thấy chính sách này rất nhân văn, nhất là với những lao động có công việc bấp bênh, môi trường làm việc nhiều nguy cơ, rủi ro rình rập như chúng tôi” - anh Văn chia sẻ.

Đề xuất của Bộ LĐTBXH cũng nhận được đồng tình rất lớn từ giới chuyên gia. Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTBXH, hiện nay, mới chỉ có khoảng 50% lực lượng lao động có hợp đồng lao động nên những trường hợp không được ký hợp đồng lao động đồng nghĩa với việc họ sẽ không được hưởng các quyền lợi an sinh như trợ cấp khi mất việc, ốm đau, thai sản.

Trong khi đó, việc tham gia BHTN có ý nghĩa phòng ngừa khi NLĐ mất việc. Do đó, yếu tố này không nên phụ thuộc vào tình trạng của hợp đồng lao động mà cần đồng bộ với quy định của BHXH.

“Việc bổ sung quy định lao động ký hợp đồng 1 tháng tham gia BHTN rất cần thiết và cần làm ngay. Về lâu dài, nên cân nhắc theo hướng chỉ cần xuất hiện quan hệ lao động thì đều phải đóng BHXH và BHTN cho NLĐ. Quy định này cần được dựa trên quan hệ thu nhập chứ không chỉ căn cứ vào quan hệ lao động, bởi lẽ nếu dùng hợp đồng lao động, rất có thể doanh nghiệp sẽ tìm cách “né” đóng bằng cách không ký kết hợp đồng lao động”- bà Hương nói.

Đồng tình với đề xuất trên, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - cho biết: Thực tế yêu cầu đóng BHTN trong vòng 1 tháng không mới, quốc tế cũng khuyến khích cứ ký hợp đồng lao động thì phải đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, ông Huân cảnh báo doanh nghiệp sẽ phản đối vì tăng chi phí do phải đóng BHTN ngay từ tháng đầu tiên. Kinh nghiệm cũng chỉ ra có thể nghiên cứu phương án định kỳ 3 - 5 năm, căn cứ tình hình thực hiện, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh mức đóng cho phù hợp thay vì sửa Luật./.

Dự kiến, Luật Việc làm sửa đổi trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tháng 10/2024, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tháng 5/2025 và có hiệu lực thi ngày từ ngày 01/01/2026.

Cùng chuyên mục
Đề xuất lao động ký hợp đồng 1 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp: Chuyên gia và người lao động ủng hộ