Bài 2: Quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng: Xem xét trách nhiệm đối với từng tập thể và cá nhân

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa hoàn thành cuộc kiểm toán chuyên đề Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP. Hải Phòng.

Qua kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP. Hải Phòng, KTNN chỉ rõ những bất cập về cơ chế chính sách hiện hành...

trong-rung.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chính sách chưa theo kịp thực tiễn

Liên quan đến hệ số K1 điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng trồng, mục 2 phần II Phụ lục VII Nghị định số 156/2018/NĐ-CP (Nghị định 156) quy định “Hệ số K1 điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo trữ lượng rừng, gồm rừng rất giàu và rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo. Hệ số K1 có giá trị bằng: 1,00 đối với rừng rất giàu và rừng giàu; 0,95 đối với rừng trung bình; 0,90 đối với rừng nghèo. Tiêu chí trữ lượng rừng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, Quảng Ninh và Bắc Giang phát sinh trường hợp cần xác định chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng trồng nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có quy định, hướng dẫn xác định hệ số (K1) đối với trữ lượng rừng trồng để làm cơ sở cho việc thực hiện.

Địa bàn Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang phát sinh các trường hợp chậm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định tại khoản 3, điều 4 Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT (Thông tư 13) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại thời điểm đơn vị nộp tiền trồng rừng thay thế, đơn giá để trồng rừng thay thế đã thay đổi (xu hướng tăng lên) so với đơn giá được phê duyệt, dẫn đến tiền thu trồng rừng thay thế không đủ chi trồng đủ diện tích rừng đã chuyển đổi.

Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156, Thông tư 13, Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có quy định về việc phải tính lại tiền trồng rừng thay thế tại thời điểm nộp, tính phạt chậm nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó đã quy định xử phạt đối với hành vi chưa nộp, chậm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về trồng rừng thay thế nhưng không có quy định xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế.

Việc không có quy định xử lý khi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế đã gây ra sự bất bình đẳng về pháp luật giữa đơn vị tuân thủ pháp luật và đơn vị chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật.

Liên quan đến thẩm quyền chuyển loại rừng đặc dụng và chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, khoản 2 Điều 20 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định: “Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên…”; và khoản 3 quy định: “ Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha...”.

Nhưng theo các quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18, khoản 2 Điều 25 Luật Lâm nghiệp 2017, chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh được quyền chuyển loại rừng đặc dụng do chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập sang loại rừng khác (rừng phòng hộ, rừng sản xuất) khi đáp ứng các tiêu chí chuyển loại, được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương; từ đó tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng mà không cần báo cáo Thủ tướng hoặc Quốc hội như quy định Luật Lâm nghiệp 2017.

Thực tế, tỉnh Hải Dương đã thực hiện chuyển đổi loại rừng đặc dụng (3,96ha) sang rừng sản xuất trước khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để có thể chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng (3,96ha nêu trên) mà không cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 69, điểm a khoản 2 Điều 71 Nghị định 156: Trước ngày 31/3 hằng năm, căn cứ số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu năm trước và kết quả xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm trước để chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng; “Căn cứ số tiền thực thu trong năm, kết quả xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh hoặc đơn vị, tổ chức được giao hỗ trợ chi trả thực hiện thanh toán tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng trước ngày 01/6 năm sau”.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, tại Bắc Giang, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng theo chu kỳ 3 năm/lần. Lý do là bởi thu dịch vụ môi trường rừng năm 2019 rất thấp (khoảng 1,15 tỷ đồng), trong khi số chủ rừng rất lớn (6.541 chủ rừng), tương đương mức chi bình quân 175.814 đồng/chủ rừng/năm, nhiều chủ rừng có mức chi trả dưới 50.000 đồng/năm nên việc thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm theo quy định gặp khó khăn.

Khắc phục bất cập, ban hành các quy định, hướng dẫn

Từ kết quả kiểm toán, KTNN đề nghị UBND các tỉnh kiểm tra, rà soát, khắc phục những hạn chế, bất cập.

KTNN đề nghị UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, TP. Hải Phòng xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì xem xét xử lý và chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, đối với UBND tỉnh Quảng Ninh, KTNN đề nghị kiểm ra, rà soát để khắc phục các bất cập liên quan đến việc phê duyệt đơn giá và chấp thuận nộp tiền trồng rừng khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cho các chủ dự án; việc áp dụng đơn giá theo quy định khi phê duyệt đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế đối với các phương án trồng rừng thay thế; bố trí kế hoạch trồng rừng thay thế đối với diện tích đã chuyển đổi mục đích, đã thu tiền trồng rừng thay thế, trong đó có 1.297ha đã quá thời hạn 12 tháng kể từ khi chủ dự án hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế nhưng địa phương chưa báo cáo, chưa chuyển tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam.

KTNN cũng kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, thực hiện đúng chế độ công bố, báo cáo hiện trạng rừng hằng năm; chỉ đạo kiểm tra, rà soát, xác định chính xác số liệu hiện trạng rừng được công bố năm 2021 theo quy định; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời việc chưa bố trí kế hoạch trồng rừng thay thế đối với diện tích đã chấp thuận phương án trồng rừng thay thế...

Đối với UBND tỉnh Hải Dương, KTNN đề nghị rà soát, khắc phục bất cập trong chuyển mục đích sử dụng rừng; thu tiền trồng rừng thay thế; áp dụng đơn giá để phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế khi các quy định không còn phù hợp; việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán trồng rừng thay thế, trong đó xác định dự toán đơn giá cây giống Thông mã vĩ cao hơn hơn từ 1,95 lần đến 2 lần so với đơn giá quy định; việc phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế nhưng xác định diện tích trồng thay thế không đủ so với diện tích rừng đã quyết định chuyển mục đích sử dụng và thu tiền trồng rừng thay thế.

UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát trong quá trình nghiệm thu, thanh toán, quyết toán chi phí trồng rừng thay thế để đảm bảo xác định chi phí được nghiệm thu, thanh toán, quyết toán theo đúng chế độ quy định; kịp thời thu hồi số đã nghiệm thu, thanh toán sai quy định (nếu có) để tránh thất thoát tài chính nhà nước.

Đặc biệt, KTNN kiến nghị xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan trong việc tham mưu, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán trồng rừng thay thế, phân bổ kinh phí trồng rừng thay thế; chuyển loại rừng đặc dụng (3,9624 ha) sang loại rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng 3,9624ha rừng sản xuất sang mục đích khác...

Đối với UBND tỉnh Bắc Giang, KTNN đề nghị kiểm tra, rà soát để khắc phục việc chưa ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 35 dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế; phê duyệt đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhưng đơn giá quy định chưa bao gồm một số hạng mục chi phí theo quy định...

UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng: Kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ, đúng quy định các đối tượng có sử dụng dịch vụ môi trường rừng để đảm bảo thu đầy đủ, đúng quy định, kịp thời tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định. Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, thực hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật trong việc ban hành quyết định phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế đối với 5 dự án khi chưa có quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của HĐND tỉnh Bắc Giang.

UBND tỉnh Bắc Giang kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc tham mưu ban hành Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng 2,04ha đất rừng phòng hộ sang mục đích khác cho Công ty Cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản

Đối với UBND TP. Hải Phòng, KTNN đề nghị thực hiện, đồng thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng TP. Hải Phòng và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng bản đồ lưu vực nơi cung ứng dịch vụ môi trường rừng, xác định diện tích rừng được chi trả và đối tượng được chi trả tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn Thành phố theo Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn; kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ các đối tượng có sử dụng dịch vụ môi trường rừng để đảm bảo thu đầy đủ, đúng quy định, kịp thời tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156.

Đề nghị UBND TP. Hải Phòng tổng hợp báo cáo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nguồn kinh phí trồng rừng thay thế còn dư tại Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thành phố, do địa phương chưa bố trí được quỹ đất để trồng rừng thay thế…

Kiểm toán nhà nước đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Xem xét, báo cáo Chính phủ xem xét ban hành bổ sung quy định để xử lý việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế của các chủ dự án khi được phép chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác và quy định tính lại đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế tại thời điểm chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế.

Ban hành văn bản quy định, hướng dẫn xác định hệ số điều chỉnh (K1) mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng cho rừng trồng làm cơ sở xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung quy định cụ thể về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng khác tương ứng với thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang mục đích khác quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp để quy định của pháp luật được chặt chẽ, thống nhất.

Báo cáo Chính phủ xem xét bổ sung quy định về thời gian chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại điểm a khoản 2 Điều 69, điểm a khoản 2 Điều 71 Nghị định 156 đối với các địa phương có mức chi trả hằng năm cho 1 đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường rừng thấp theo hướng: UBND cấp tỉnh quyết định thời gian chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng phù hợp với điều kiện tại địa phương.

KTNN đề nghị Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam sớm có các văn bản hướng dẫn Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh và trả lời Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bắc Giang trong  việc chuyển về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam kinh phí trồng rừng thay thế đã thu quá thời hạn 12 tháng kể từ khi chủ dự án nộp tiền nhưng địa phương không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế theo đúng quy định tại điểm d Khoản 3 Điều 4 Thông tư 13./.

Cùng chuyên mục
Bài 2: Quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng: Xem xét trách nhiệm đối với từng tập thể và cá nhân