Bài 3: Tháo gỡ nút thắt, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước

(BKTO) - Thực tế cho thấy, do còn nhiều vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nên cần thể chế hoá các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ nút thắt, giải phóng nguồn lực cho DN, kích hoạt cơ chế năng động, nhạy bén để DNNN đóng góp ngày càng lớn hơn, xứng tầm cho phát triển kinh tế đất nước.

11-thay.png
Tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại các DN khoảng 1,67 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa

Cần hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp

Sau 10 năm thực thi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (Luật số 69/2014/QH13) cho thấy, giai đoạn 2015-2021, cả nước có trên 800 DN có vốn nhà nước với tổng tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm khoảng 33% tổng tài sản; vốn chủ sở hữu của các DN khoảng 1,8 triệu tỷ đồng. Tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại các DN khoảng 1,67 triệu tỷ đồng... “Tuy nhiên, những con số này chưa thể hiện hết tầm vóc, sự quan trọng của khu vực DNNN đối với nền kinh tế và đất nước...” - bà Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận định.

Cần đánh giá rõ tác động và tính khả thi của các nội dung sửa đổi, làm rõ hơn nội hàm phạm vi quản lý, đầu tư vốn nhà nước; bảo đảm bao quát hết các trường hợp có vốn nhà nước đầu tư, thống nhất với phạm vi điều chỉnh là quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại DN và quản lý chặt chẽ nguồn lực của Nhà nước, tránh nguy cơ thất thoát, lãng phí.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Cũng theo bà Chinh, Luật số 69 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động của DN cũng như chưa đáp ứng được các định hướng, chủ trương mới của Đảng. Phạm vi điều chỉnh của Luật chưa thực sự tách bạch, phân định rõ ràng chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản vốn nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của DN. Chưa có một hành lang để các DN hoạt động một cách linh hoạt, kịp thời theo các tín hiệu của thị trường...

Còn theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, những quy định về “sử dụng vốn nhà nước”, “đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” trong Luật số 69 vẫn hạn chế tính tự chủ của DN trong việc sử dụng vốn, tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, còn thể hiện sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào hoạt động của DN; chưa bao quát được công tác quản lý dòng vốn của Nhà nước đầu tư tại DN; cũng như chưa bao gồm nội dung sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN. Do đó, trong Tờ trình gửi Quốc hội về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN, Chính phủ đề xuất điều chỉnh theo hướng “đầu tư vốn nhà nước tại DN”; các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả giao cho DN quyết định nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại DN, không can thiệp hành chính vào hoạt động của DN; tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của DN. Đặc biệt, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính gắn với việc phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và DN.

Các chuyên gia nhận định, tư duy soạn thảo Luật lần này rất mới, giúp định hình cách quản lý của Nhà nước đối với DNNN, trao quyền nhiều hơn cho DNNN. Khi sửa Luật, Nhà nước sẽ không còn trực tiếp can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN mà thông qua đại diện do Nhà nước cử ra; DNNN hoạt động theo Luật DN và Nhà nước cũng là một “nhà đầu tư đặc biệt”.

Nhấn mạnh việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN là cần thiết, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (UBQLV) Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, UBQLV xác định đây là Dự án Luật quan trọng, có tác động trực tiếp đến hoạt động của Ủy ban và các DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Do đó, lãnh đạo UBQLV đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các đơn vị và 19 Tập đoàn, Tổng công ty tập trung rà soát, nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật.

Đại diện chủ sở hữu chỉ thực hiện kiểm tra, giám sát

Ghi nhận đề xuất tại Dự thảo Luật có “mở” hơn, ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - cho rằng, Bộ Tài chính đề xuất tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại DN từ lợi nhuận sau thuế tối đa 50%, (Dự thảo trước đây 30%) là hợp lý để tăng quyền chủ động cho DN, tạo sự linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong việc điều hành, sử dụng Quỹ.

Ông Nguyễn Văn Mậu - Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - cũng nhận định: Dự thảo Luật đã đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản, mang tính “cách mạng” để thực hiện triệt để chức năng, nhiệm vụ của DNNN cũng như các chủ sở hữu, đại diện vốn nhà nước tại DN. Đáng chú ý, Dự thảo Luật cũng mở rộng một số quyền và tăng tính chủ động cho DN trong việc góp vốn, nguyên tắc tiền lương, cơ cấu vốn… Tuy nhiên, ông Mậu vẫn băn khoăn về đối tượng áp dụng là DN có vốn nhà nước đầu tư khác; phương án trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại DN từ lợi nhuận sau thuế cũng như việc xem xét, đánh giá tác động về cơ chế vận hành, hội đồng quản trị của các DN cấp 1 và cấp 2.

Từ góc độ chuyên gia, Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam - góp ý: Muốn tạo hành lang pháp lý thống nhất cho DN chủ động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cần tạo sự đột phá trong Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN bằng cách xem xét, bỏ phạm trù “quản lý nhà nước” đối với DNNN để tránh phát sinh tiêu cực, cản trở quyền tự chủ của DN.

Thẩm tra Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN, đại diện Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số các ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng theo Dự thảo. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; chưa tách bạch chủ thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn với người đại diện chủ sở hữu. Vì vậy, đa số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, của người đại diện vốn nhà nước, của DN; cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, với DN, HĐTV, người đại diện vốn... Đồng thời, nên quy định rõ hơn về quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong quản lý vốn, tài sản, trong phê duyệt chủ trương đầu tư vốn, tài sản; phê duyệt dự án đầu tư, chủ trương vay vốn, thế chấp tài sản đặc thù; chủ trương tăng/giảm vốn điều lệ, phê duyệt báo cáo tài chính; cũng như quy định cụ thể hơn về cơ chế tài chính... theo hướng DN tự làm, tự chịu trách nhiệm, HĐTV quyết định, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chỉ thực hiện kiểm tra, giám sát./.

Cùng chuyên mục
  • Thái Bình: Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về đất đai
    hôm qua Địa phương
    (BKTO) - Ngày 13/11 tại Thái Bình, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về đất đai. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với trên 3.000 đại biểu tham dự.
  • Cà Mau triển khai nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Là tỉnh có 3 mặt giáp biển, Cà Mau chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu như: hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, nước biển dâng gây sụt lún đất, sạt lở bờ kênh... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động kinh tế, quân sự, quốc phòng. Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cà Mau vừa ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 04/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch).
  • Sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đảm bảo tinh gọn, hiệu quả
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế Việt Nam. Nhìn lại quá trình triển khai trong thực tế, Kiểm toán nhà nước (KTNN) ghi nhận những kết quả tích cực, nhưng đồng thời chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế.
  • Bài 3: Huy động sự tham gia của doanh nghiệp nội: Cần cơ chế, chính sách đặc thù
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Với tinh thần độc lập, tự lập, tự cường và tự chủ, Bộ Chính trị đã quyết định đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Dự án) không phụ thuộc vào nước ngoài. Dự án cần nguồn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay và nhiều công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Do đó, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay là cần có cơ chế, chính sách đặc thù để huy động doanh nghiệp (DN) nội tham gia Dự án.
  • Tránh chồng lấn quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch khác
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Tại Nghị trường Kỳ họp thứ 8, thảo luận về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể hơn để giải quyết tình trạng quy hoạch khoáng sản chồng lấn với các quy hoạch khác, làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài 3: Tháo gỡ nút thắt, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước