Thách thức trong nhiệm vụ số hóa
Theo một đánh giá mới đây của ECA, Ủy ban châu Âu và tất cả các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý ngân sách của EU đều đang gặp phải những khó khăn, thách thức trong công tác số hóa để quản lý tài chính nhanh chóng, minh bạch hơn.
Mặc dù một số cơ quan đã có những tiến bộ nhất định nhưng nhìn chung, việc cải thiện khả năng tương tác bằng cách sắp xếp các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) và cơ sở dữ liệu khác nhau đang là một thách thức đặc biệt.
Các kiểm toán viên cho biết, do nhiều cơ quan quản lý ngân sách của EU sử dụng các hệ thống CNTT khác nhau nên hiện tại không thể thực hiện thử nghiệm quy mô lớn một cách thống nhất.
Bà Laima Liucija Andrikienė, thành viên ECA cho biết: “Một số tiến bộ trong công tác quản lý ngân sách của EU đã được ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số nhiệm vụ chính vẫn bị chậm đáng kể và nhiều khoản chi vượt ngân sách. Đồng thời, công tác số hóa vẫn bị ví như là một công trường đang xây dựng dở dang...”.
ECA cho biết, có nhiều hệ thống CNTT để quản lý chi tiêu ngân sách của EU. Thực tế là các quy tắc của EU không yêu cầu các tổ chức sử dụng đồng đều một công cụ CNTT phổ biến để bảo vệ ngân sách của EU. Tuy nhiên, chúng cần sự liên kết và đơn giản hóa để cải thiện khả năng tương tác, nâng cao tính minh bạch.
Tất cả các chương trình do ngân sách EU tài trợ được quản lý theo 3 phương thức: quản lý trực tiếp (bởi Ủy ban hoặc các tổ chức/cơ quan khác của EU), quản lý gián tiếp (bởi các tổ chức đối tác của Ủy ban hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác trong hoặc ngoài EU); quản lý chung (bởi Ủy ban và các cơ quan nhà nước thành viên cùng thực hiện).
Các kiểm toán viên đã kiểm tra cả 3 phương thức quản lý và cho biết, Ủy ban đã số hóa các hệ thống để thực hiện thanh toán kinh phí cho các quốc gia thành viên.
Ví dụ, số hóa được sử dụng rộng rãi đối với các khoản thanh toán trong lĩnh vực nông nghiệp tại một số khu vực. Tuy nhiên, các nước EU sử dụng nhiều công cụ CNTT khác nhau để quản lý việc cấp kinh phí cho công tác phát triển nông thôn.
Do các công cụ này thường không được tích hợp với các hệ thống của EU nên không có phương tiện hiệu quả nào để trao đổi thông tin hữu ích về những đối tượng thụ hưởng ngân sách.
Tập trung vào mục tiêu bảo vệ lợi ích tài chính của EU
Hiện nay, Ủy ban châu Âu điều hành một cổng thông tin trực tuyến với các thông tin về nhà thầu và đối tượng thụ hưởng ngân sách của EU theo các chương trình mà Ủy ban quản lý. Tuy nhiên, cổng thông tin này không chứa thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng hoặc về những đối tượng nhận kinh phí cuối cùng.
Các kiểm toán viên cho rằng, tính minh bạch cần được các tổ chức cải thiện hơn. Ngân sách của EU cũng sẽ được bảo vệ thông qua việc cung cấp một mã định danh duy nhất cho nhà thầu và đối tượng thụ hưởng ngân sách, thông qua các công cụ và hệ thống minh bạch. Hơn nữa, các tổ chức cần cải tiến công tác quản lý việc mua sắm điện tử vốn không đồng đều giữa các quốc gia thành viên EU.
Ngoài ra, ECA cũng chỉ ra rằng, công tác báo cáo về tính minh bạch của các quốc gia EU về nhà thầu và đối tượng hưởng lợi trong một số lĩnh vực rất rời rạc. Trên thực tế, có một công cụ khai thác dữ liệu và chấm điểm rủi ro duy nhất để truy cập và phân tích dữ liệu liên quan đến việc quản lý ngân sách của EU, tuy nhiên, việc sử dụng công cụ này hiện không bắt buộc và do đó không phổ biến.
Chi tiêu ngân sách của EU bao gồm 3 giai đoạn chính: Chuẩn bị, thực hiện và báo cáo. Các giai đoạn này cần được công khai, minh bạch và bắt buộc phải tuân theo các quy tắc trong Quy định tài chính của EU.
Ủy ban đã đề xuất bắt buộc sử dụng công cụ này cũng như mở rộng các chức năng của công cụ đối với việc quản lý các khoản tài trợ của EU. Đề xuất này dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2028. Ủy ban cũng đề xuất các cơ quan cần có phương án giúp bảo vệ lợi ích tài chính của EU và hỗ trợ các cuộc kiểm toán về chi tiêu của EU hiệu quả hơn.
Số hóa là một ưu tiên chiến lược đối với dịch vụ hành chính công của EU. Trong Chiến lược kỹ thuật số năm 2018, Ủy ban châu Âu đã khẳng định mục tiêu trở thành “cơ quan kỹ thuật số thực sự” vào năm 2022. Tiếp theo là Chiến lược kỹ thuật số mới vào giữa năm 2022, trong đó đề ra hoạt động chính cần phải được hoàn thành vào cuối năm 2024./.
(Theo ECA và EU)