Kết luận, kiến nghị kiểm toán phải xác đáng
Để việc thực hiện kiến nghị đạt kết quả cao cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía, song trước tiên, kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đảm bảo tính chính xác, tin cậy. Với quan điểm đó, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải quyết liệt đổi mới nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán để ban hành kết luận, kiến nghị xác đáng, hợp pháp, tin cậy.
Là một trong những đơn vị có tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán cao của KTNN, lãnh đạo KTNN khu vực V cho biết, để các kết luận, kiến nghị kiểm toán có tính thuyết phục cao, được các đơn vị “tâm phục, khẩu phục” thực hiện, đòi hỏi các đơn vị kiểm toán cần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, từ khâu khảo sát, thu thập thông tin, thực hiện kiểm toán, lập báo cáo kiểm toán, trong đó chú trọng đến việc đảm bảo bằng chứng kiểm toán.
Muốn để các đơn vị được kiểm toán thực hiện kiến nghị, trước hết, các đơn vị kiểm toán phải đảm bảo chất lượng của từng cuộc kiểm toán, từng kiến nghị kiểm toán. Trong đó, các kết luận, kiến nghị kiểm toán đưa ra phải đúng pháp luật, đầy đủ bằng chứng, phù hợp với thực tiễn, có sự lắng nghe, trao đổi với địa phương, đơn vị để cùng thấu cảm
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán nhấn mạnh, giá trị của báo cáo kiểm toán, các kết luận, kiến nghị kiểm toán cần phải được tôn trọng. Muốn đạt được điều này, ngoài nỗ lực đổi mới của đơn vị kiểm toán, cần phải tăng cường vai trò kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán từ bên trong lẫn bên ngoài. “Thông qua công tác kiểm soát đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, ý thức trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc thực hiện nhiệm vụ. Đây là cơ sở tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng kiểm toán” - TS. Thuyết cho biết.
Theo chuyên gia về kiểm toán Đinh Thế Hùng, qua rà soát của KTNN cũng như của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về các nhóm nguyên nhân khiến các kiến nghị tồn đọng chủ yếu là do đơn vị được kiểm toán, hoặc do nguyên nhân khách quan khác.
Trong đó, KTNN cũng thẳng thắn chỉ ra một phần nhỏ nguyên nhân từ kiến nghị kiểm toán chưa phù hợp. “Việc nhận diện này cho thấy thái độ tiếp cận vấn đề nghiêm túc, cầu thị và thể hiện sự quyết tâm của KTNN trong việc lập lại trật tự, nâng cao chất lượng từ chính hoạt động kiểm toán” - ông Hùng cho biết.
Coi công tác kiểm tra, kiểm soát là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng kiểm toán, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, đơn vị đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán ngay từ các khâu đầu tiên.
Trong suốt quá trình kiểm toán, việc kiểm tra, giám sát được thực hiện chéo giữa các thành viên trong đoàn kiểm toán, giữa bộ phận được giao nhiệm vụ kiểm soát với tổ, đoàn kiểm toán, kết hợp với kiểm tra đột xuất của Kiểm toán trưởng.
“Ngoài việc chấp hành đầy đủ các chuẩn mực, quy định liên quan đến hoạt động kiểm toán, đơn vị cũng quán triệt đến từng kiểm toán viên về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, trọng tâm là theo Chỉ thị số 1346/CT-KTNN” - ông Kiểm cho biết.
Nhìn lại hoạt động kiểm toán vừa qua, có thể thấy, sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Kiểm toán nhà nước xuất phát từ thực trạng trong các báo cáo kiểm toán vẫn còn có kết luận chung chung, thiếu khả thi, dẫn đến việc thực hiện thiếu đầy đủ và nghiêm túc, thậm chí có đơn vị không thực hiện.
Do đó, qua thực hiện rà soát hằng năm, đặc biệt là qua rà soát việc thực hiện kiến nghị để chuẩn bị cho Phiên giải trình về tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán, đối với các trường hợp kiến nghị chưa đảm bảo đầy đủ căn cứ, Tổng Kiểm toán nhà nước kiên quyết yêu cầu phải “kịp thời điều chỉnh”; đồng thời xem xét trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân liên quan đến việc đưa ra kiến nghị này.
Đồng hành cùng địa phương, đơn vị được kiểm toán
Bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng yêu cầu phải đôn đốc các đơn vị được kiểm toán thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trong đó, cần thiết lập quan hệ phối hợp của KTNN đối với các Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy việc thực thi kiến nghị kiểm toán.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, các đơn vị kiểm toán đang nỗ lực thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán, cũng như tăng cường phối hợp với địa phương, đơn vị trong việc đôn đốc, từ đó tạo sự chuyển biến và nâng cao hiệu quả của công tác này.
Nhờ sự tích cực trong công tác phối hợp, đặc biệt là trong hoạt động kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của tỉnh Đắk Nông đạt mức cao. Qua kiểm toán ngân sách địa phương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2021 của tỉnh Đắk Nông, KTNN khu vực XII kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương xử lý tài chính hơn 328 tỷ đồng. Đối với các kiến nghị này, đến tháng 4/2023, các đơn vị liên quan của tỉnh Đắk Nông đã thực hiện được hơn 296 tỷ đồng, đạt hơn 91% - là mức thực hiện rất cao, trong thời gian tương đối ngắn.
“UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm kiến nghị kiểm toán, đồng thời tăng cường phối hợp với KTNN khu vực XII để theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị tồn đọng, từ đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ công tác của các bên” - lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho biết.
Còn tại tỉnh Lai Châu, với sự đôn đốc thường xuyên của KTNN khu vực VII, địa phương đã và đang triển khai thực hiện tốt các kiến nghị tồn đọng liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công niên độ ngân sách 2021 trở về trước.
Đơn cử, đối với kiến nghị về việc “Phân bổ, giao dự toán từ nguồn bổ sung có mục tiêu trong năm đảm bảo thời gian theo quy định tiết b, khoản 2, Điều 50 Luật NSNN, điều chỉnh dự toán các đơn vị đảm bảo thời gian theo quy định khoản 3, Điều 53 Luật NSNN”, địa phương tiếp thu ý kiến của KTNN, từ dự toán NSNN năm 2020 đã phân khai chi tiết các nguồn bổ sung có mục tiêu ngay từ đầu năm.
Qua phản hồi của các địa phương về KTNN khu vực cho thấy, các kết luận, kiến nghị của KTNN cơ bản đúng quy định của pháp luật, có tính thuyết phục cao.
Đưa ra những con số ấn tượng về kết quả thực hiện kiểm toán đối với các niên độ ngân sách những năm gần đây luôn đạt cao đến rất cao, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh Trần Văn Lâm cho biết, ngoài việc nêu cao ý thức, trách nhiệm của địa phương khi thấy rõ lợi ích từ việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, tỉnh còn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ rất lớn từ KTNN, trong đó có KTNN khu vực VI.
Báo cáo kiểm toán sau phát hành đã được tỉnh nghiêm túc xem xét và chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện cũng như kịp thời trao đổi, đề xuất nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN
Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh Trần Văn Lâm
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã giúp địa phương nhìn nhận rõ hơn những hạn chế, bất cập, từ đó giúp chấn chỉnh, nâng cao hiệu quản lý, điều hành.
Kiên quyết xử lý đơn vị "chây ỳ" thực hiện kiến nghị kiểm toán
Thông qua công tác rà soát, đôn đốc, KTNN yêu cầu các đơn vị được kiểm toán có giải pháp để quyết liệt thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt, KTNN còn xem xét một cách toàn diện các nguyên nhân, từ đó có giải pháp giải quyết triệt để các kiến nghị tồn đọng kéo dài và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp chấn chỉnh, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán theo đúng quy định.
Theo các đơn vị kiểm toán, qua công tác kiểm tra, rà soát việc thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2021 trở về trước cho thấy, nguyên nhân của các kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện chủ yếu xuất phát từ phía địa phương, đơn vị… Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, các đơn vị kiểm toán phải cùng vào cuộc để hỗ trợ đơn vị, địa phương tìm ra giải pháp.
Tại KTNN khu vực XII, đối với các kiến nghị tồn đọng, đơn vị đã tiến hành rà soát, làm việc với địa phương, đơn vị để lắng nghe chia sẻ về khó khăn của địa phương, từ đó tổng hợp và báo cáo, đề xuất với Tổng Kiểm toán nhà nước phương án xử lý dứt điểm. Với cách làm đó, KTNN khu vực XII đã nhận được sự phối hợp tích cực và vào cuộc quyết liệt của địa phương.
“Trường hợp không chấp hành chế độ báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN theo quy định của pháp luật hoặc báo cáo chậm, Sở Tài chính tạm dừng cấp kinh phí theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh” - Sở Tài chính tỉnh Đắk Nông cho biết.
Đây cũng là tinh thần chung được các đơn vị kiểm toán quán triệt thực hiện và được các địa phương, đơn vị được kiểm toán đồng thuận, nêu cao quyết tâm trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Đề cập đến giải pháp nhằm nâng cao kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, nhiều đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, các chuyên gia cho rằng, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, để các kiến nghị kiểm toán không bị “nằm trên giấy” vì sự thiếu trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán, Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, giám sát, có chỉ đạo quyết liệt, kèm theo những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các đơn vị "chây ỳ" trong thực hiện kiến nghị, nhất là đối với người đứng đầu đơn vị.
KTNN cần tăng cường theo dõi, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN để kịp thời giải quyết, hướng dẫn làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các bước tiếp theo cho phù hợp…
Đồng thời, các cơ quan chức năng, KTNN sớm áp dụng chế tài xử lý các đơn vị không nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; công khai danh tính các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kịp thời các kiến nghị kiểm toán trên diễn đàn Quốc hội để các đại biểu Quốc hội, cử tri biết và giám sát.
Bộ Giao thông vận tải
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến đơn vị được kiểm toán chưa nghiêm túc trong việc thực hiện kiến nghị của KTNN là do trước đây còn thiếu chế tài cụ thể để bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN, trong đó có việc chậm trễ thực hiện kiến nghị. Do đó, việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN sẽ trở thành công cụ mạnh để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực KTNN.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải, KTNN đang tích cực ra soát các văn bản để đưa Pháp lệnh vào cuộc sống, đảm bảo đồng bộ với các văn bản.
“Việc quy định KTNN có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán, trong đó có việc các đơn vị không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là cơ sở quan trọng để góp phần nâng cao kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trong thời gian tới” - ông Hải cho biết.