Kiến nghị kiểm toán là căn cứ để ngành giao thông chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý

NHÓM PHÓNG VIÊN (Thực hiện) | 06/09/2023 21:00

(BKTO) - Sau mỗi đợt kiểm toán, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; tổng hợp những vi phạm phổ biến trong các lĩnh vực để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục và phòng ngừa các tình huống tương tự có thể xảy ra đối với các dự án khác.

Đó là chia sẻ của ông Lê Ngọc Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) với phóng viên Báo Kiểm toán về ý nghĩa của hoạt động kiểm toán nhà nước cũng như các kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với công tác quản lý nhà nước của ngành giao thông.

7c460102ec0639586017.jpg
Sự vào cuộc của KTNN, giúp ngành GTVT nâng cao hiệu quả công tác quản lý dự án đầu tư. Ảnh: N.Lộc

Thưa ông, thời gian qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiểm toán nhiều dự án giao thông do Bộ GTVT quản lý, như: cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Vĩnh Hảo - Phan Thiết…). Qua đó, KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập và kiến nghị xử lý. Xin ông cho biết việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tổng hợp niên độ 2021 trở về trước đến nay ra sao?

Ngay sau khi nhận được các Thông báo kết quả kiểm toán, Bộ GTVT luôn khẩn trương có các văn bản triển khai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đã nêu ra.

Theo đó, Bộ yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan phải tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; có giải pháp cụ thể thực hiện các nội dung kiến nghị còn tồn đọng, chưa thực hiện xong; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện đến KTNN và cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để xử lý dứt điểm, không để tồn đọng.

2329e8f6808b55d50c9a.jpg
Ông Lê Ngọc Quang. Ảnh: NGỌC MINH

Đồng thời, Bộ cũng tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình kiểm toán và xử lý sau kiểm toán. Qua đó, tổng hợp những vi phạm phổ biến trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản... tại các cơ quan, đơn vị và các chủ đầu tư để tham mưu cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực còn tồn tại mà KTNN nêu ra; từ đó chấn chỉnh, khắc phục và phòng ngừa các tình huống tương tự có thể xảy ra đối với các dự án khác.

Đặc biệt, đối với các dự án PPP, ngoài các chỉ đạo, yêu cầu nêu trên, đối với các kiến nghị xử lý về tài chính, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng (Ban Quản lý dự án, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Vụ Tài chính…) loại trừ phần giá trị theo kết luận kiểm toán ra khỏi quyết toán công trình; đồng thời, không tính toán phương án tài chính hoàn vốn đối với các chi phí này. Kết quả thực hiện đó đã được KTNN và các cơ quan chức năng ghi nhận.

Ngoài kiểm toán các dự án, KTNN cũng đã kiểm toán và đưa ra các kiến nghị về công tác quản lý tài chính công, tài sản công tại Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc. Với góc độ vừa là cơ quan quản lý vừa là đơn vị được kiểm toán, Bộ đã thực hiện các kiến nghị này như thế nào?

Thực tế, qua quá trình kiểm toán, KTNN đã phát hiện các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Trên cơ sở đó, KTNN đã có các kiến nghị về xử lý tài chính; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân và các kiến nghị khác có liên quan….

Những kết luận, kiến nghị đó đã được Bộ GTVT nghiêm túc thực hiện và đạt nhiều kết quả.

Cụ thể, Bộ đã xây dựng và ban hành hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; điều chỉnh quy định về cơ chế, chính sách còn tồn tại, vướng mắc; ban hành các định mức mới cho phù hợp thực tiễn…

Trong việc xử lý các thủ tục pháp lý, Bộ đã phê duyệt điều chỉnh dự án; điều chỉnh thiết kế, dự toán; điều chỉnh phương án tài chính các dự án thực hiện theo hình thức PPP; xử phạt các nhà thầu vi phạm quy định hợp đồng.

Đồng thời, Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc kiên quyết giảm trừ thanh toán, giảm giá trị hợp đồng, quyết liệt thu hồi nộp NSNN các khoản chi sai chế độ, cắt giảm trong bước quyết toán A-B hoặc phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành…

Bên cạnh đó, để rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý, cũng như tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, tài sản công, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, Bộ GTVT còn ban hành nhiều biện pháp, giải pháp thực hiện khác như: ban hành các chỉ thị, văn bản về tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản, NSNN; văn bản chấn chỉnh các đơn vị nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công; thực hiện việc thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị thuộc Bộ.

Sự vào cuộc của KTNN cùng các kết luận, kiến nghị kiểm toán có vai trò như thế nào đối với Bộ GTVT trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách? Ông có kiến nghị gì để KTNN ngày càng hỗ trợ tốt hơn hoạt động quản lý, điều hành của Bộ?

Thực tiễn chứng minh, sự vào cuộc của KTNN cùng các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước nói chung và quá trình quản lý nhà nước nói riêng của Bộ GTVT; góp phần thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

2.-ql-45...jpg
Cao tốc Quốc lộ 45- Nghi Sơn thông tuyến, giúp rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội về Nghệ An. Ảnh: VOV

Đáng nói, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện các quy định pháp luật chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, từ đó kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ văn bản và các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật cho phù hợp.

Để ngày càng hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động quản lý, điều hành, Bộ GTVT đề nghị KTNN tăng cường theo dõi, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN để kịp thời giải quyết, hướng dẫn làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các bước tiếp theo cho phù hợp.

Cùng với đó, KTNN cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định pháp luật; phổ biến các chế tài quy định việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; phổ biến các lỗi, sai sót dễ mắc phải trong quá trình thực thi nhiệm vụ mà KTNN phát hiện ra; đồng thời chỉ rõ cách thức thực hiện và những định chế của pháp luật nếu đơn vị không thực hiện…

KTNN cũng cần xây dựng, ban hành chế tài xử lý các đơn vị không nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.

Sắp tới, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; nhằm làm rõ thực trạng, nguyên nhân dẫn đến tồn đọng trong thực hiện kiến nghị, từ đó đề ra giải pháp để việc thực hiện kiến nghị đạt kết quả cao hơn nữa. Từ góc độ cơ quan tham mưu chính sách về lĩnh vực giao thông vận tải cho Chính phủ, đồng thời là đơn vị được kiểm toán, ông nhìn nhận như thế nào về phiên giải trình sắp tới?”

Theo quan điểm của Bộ GTVT, việc Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN là hết sức cần thiết.

Trong phiên giải trình này, một lần nữa sẽ công khai kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Việc công khai này là biện pháp rất hiệu quả đối với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi để tồn đọng, chưa xử lý kết luận, kiến nghị KTNN; buộc các cơ quan, đơn vị phải có biện pháp, giải pháp quyết liệt để thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Ngoài ra, các bên cũng nhìn nhận các khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân (khách quan, chủ quan) của các cơ quan, đơn vị khi thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đó sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng hoàn thiện các quy định pháp luật, nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Cùng chuyên mục
Kiến nghị kiểm toán là căn cứ để ngành giao thông chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý