Sau hơn 6 tháng triển khai, 231.461 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã được cơ quan hải quan thông quan, không phải cấp tờ khai nguồn gốc. Ảnh: haiquanonline. |
Bộ Tài chính cho biết, Nghị quyết số 169/NQ-CP tại Phiên họp thường kỳ tháng 10/2020 của Chính phủ giao các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nguồn gốc xe nhập khẩu làm căn cứ thay thế tờ khai nguồn gốc và cấp đăng ký, biển số xe trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Tổng cục Hải quan với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Cục Xe - Máy (Bộ Quốc phòng) thông qua trục liên thông văn bản của Chính phủ, sử dụng thông tin, dữ liệu điện tử phương tiện giao thông nhập khẩu thay thế cho tờ khai nguồn gốc bản giấy.
Ngày 30/11/2020, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 14650/BTC-TCHQ hướng dẫn việc khai và chia sẻ dữ liệu nguồn gốc phương tiện giao thông nhập khẩu để thay thế cho tờ khai nguồn gốc bản giấy.
Từ ngày 01/12/2020, cơ quan hải quan không thực hiện thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc đối tượng đăng ký theo quy định của Bộ Công an.
Từ ngày 01/7/2021, cơ quan hải quan không thực hiện thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với xe cơ giới sử dụng vào mục đích quốc phòng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Sau hơn 6 tháng triển khai, từ ngày 01/12/2020 đến 20/6/2021, số lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc đối tượng đăng ký theo quy định của Bộ Công an đã được cơ quan hải quan thông quan, không phải cấp tờ khai nguồn gốc là 231,46 nghìn chiếc.
Bộ Tài chính cho biết, việc bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đã mang lại lợi ích rất lớn cho Nhà nước và cộng đồng DN. Nhiều giấy tờ và thủ tục hành chính được cắt giảm (từ việc chuẩn bị hồ sơ để mua tờ khai nguồn gốc; gửi hồ sơ đến cục hải quan nơi đăng ký tờ khai; nộp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cho chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai; chuẩn bị hồ sơ đề nghị xác nhận tờ khai nguồn gốc; nộp hồ sơ xin xác nhận tờ khai nguồn gốc cho cơ quan hải quan; nhận tờ khai nguồn gốc đã được cơ quan hải quan xác nhận).
Theo tính toán sơ bộ dựa trên khảo sát từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, các DN sản xuất ô tô, xe máy và báo cáo của cục hải quan tỉnh, thành phố, việc bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc với 231,46 nghìn chiếc xe nhập khẩu đã giúp DN tiết kiệm được trên 23 tỷ đồng (gồm chi phí mua tờ khai nguồn gốc, đi lại, chuẩn bị hồ sơ hải quan), giảm bớt được thời gian, nhân lực thực hiện thủ tục hành chính; cơ quan hải quan tiết kiệm được gần 500 nghìn giờ công, giảm bớt được nhiều thời gian, nhân lực thực hiện thủ tục cấp tờ khai nguồn gốc.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả việc bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Cục Xe-Máy (Bộ Quốc phòng) thường xuyên kiểm tra, rà soát thông tin các lô hàng phương tiện đã được thông quan, kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đảm bảo thông tin được kết nối thông suốt.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư số 102/2016/TT-BQP quy định đăng ký, quản lý, sử dụng xe cơ giới trong Bộ Quốc phòng theo hướng sử dụng dữ liệu điện tử phương tiện nhập khẩu thay thế cho tờ khai nguồn gốc xe nhập khẩu./.
THÙY ANH