Bài cuối: Kiểm toán nhà nước đồng hành cùng sự phát triển bền vững của đất nước

(BKTO) - Cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững” do KTNN Việt Nam chủ trì, phối hợp thực hiện đã khép lại với những kết quả ngoài mong đợi của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) tham gia và cộng đồng SAI. Cuộc kiểm toán được khởi xướng và thực hiện cũng thể hiện rõ vai trò đồng hành của KTNN Việt Nam cùng sự phát triển bền vững của đất nước. Vì thế, trong suốt quá trình tổ chức triển khai, cuộc kiểm toán đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.



Ủng hộ, tin tưởng và kỳ vọng vào cuộc kiểm toán

Nhằm tổ chức triển khai thực hiện cuộc kiểm toán được hiệu quả, KTNN đã chủ trì, chủ động phối hợp với các SAI, các cơ quan chức năng trong nước chuẩn bị cho cuộc kiểm toán từ rất sớm và chu đáo. Ngoài việc tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường vào đề cương kiểm toán và các vấn đề có liên quan, KTNN đã tổ chức Hội nghị triển khai kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông (LVS) Mê Công gắn với thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDG) với sự tham gia của đầy đủ các thành phần có liên quan. Nhờ đó, cuộc kiểm toán đã đạt được sự đồng thuận rất cao, với sự thống nhất phối hợp ngay từ đầu từ chính các đơn vị được kiểm toán và các cấp quản lý liên quan.

Khẳng định cuộc kiểm toán không chỉ có ý nghĩa trong nước mà còn có ý nghĩa đối với các quốc gia thuộc LVS Mê Công trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cho biết, cuộc kiểm toán được KTNN chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu cho thấy trách nhiệm và sự chuyên nghiệp của KTNN đối với sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước; vai trò đồng hành của KTNN với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước (TNN). Thông qua cuộc kiểm toán này, Bộ TN&MT - cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý TNN có điều kiện nhìn nhận khách quan hơn để điều chỉnh chính sách có liên quan cho phù hợp và triển khai thực thi pháp luật có hiệu quả, từ đó góp phần làm gia tăng giá trị trong việc quản lý, sử dụng TNN.

                
   

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành. Ảnh tư liệu

   
         
Trong quá trình KTNN chuẩn bị cho cuộc kiểm toán, Bộ TN&MT đã hỗ trợ tích cực KTNN xây dựng Đề cương kiểm toán, cũng như thường xuyên đôn đốc các bộ phận liên quan cung cấp thông tin cần thiết, kịp thời cho các kiểm toán viên. Bởi thế, ngay trong quá trình kiểm toán, lãnh đạo Bộ đều tin tưởng cuộc kiểm toán sẽ được triển khai và hoàn thành sớm, mang lại kết quả cao và thực tế đã chứng minh điều đó.


“Dòng Mê Công chảy qua nhiều quốc gia, do đó, kết quả của cuộc kiểm toán còn có ý nghĩa quan trọng với các quốc gia thuộc LVS Mê Công trong việc quản lý, sử dụng nguồn nước hiệu quả” - Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.

Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Lê Đức Trung cho biết, Ủy ban từng phối hợp với KTNN trong cuộc kiểm toán việc quản lý nguồn nước LVS Mê Công năm 2012. Những kiến nghị có liên quan đến trách nhiệm quản lý của Ủy ban khi đó có ý nghĩa rất quan trọng, giúp Ủy ban trong việc nhìn nhận thực trạng quản lý, sử dụng nguồn nước LVS Mê Công tại Việt Nam. Nhiều kiến nghị kiểm toán đã được Ủy ban thực hiện ngay sau đó. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những vấn đề biến động mới, những vấn đề mang tính quốc tế của khu vực và mong muốn tiếp tục được phối hợp với KTNN trong cuộc kiểm toán để nắm bắt và có những đề xuất thiết thực, phù hợp với Chính phủ trong việc tăng cường quản lý, sử dụng nguồn nước LVS Mê Công một cách hiệu quả, bền vững” - ông Lê Đức Trung nhấn mạnh.
                
   

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư. Ảnh: N.LỘC

   

Là một trong những địa phương có dòng Mê Công chảy qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, công tác quản lý, bảo vệ TNN trên địa bàn tỉnh từng bước được chú trọng, song còn nhiều vấn đề vượt ngoài thẩm quyền quản lý của địa phương. Do đó, khi có sự vào cuộc của KTNN sẽ giúp đưa ra cái nhìn tổng thể về LVS Mê Công trong vấn đề quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước chung. “Với tinh thần đó, địa phương đã tích cực phối hợp cùng Đoàn kiểm toán để cung cấp thông tin, làm sáng tỏ nhiều nội dung nhằm phục vụ mục tiêu chung là bảo vệ nguồn TNN quý giá của đất nước” - ông Trần Anh Thư nhấn mạnh.

Bức tranh tổng thể với sự tham gia của Việt Nam trong bảo vệ nguồn nước sông Mê Công

Có thể nói, đến nay, sáng kiến kiểm toán môi trường (KTMT), trong đó nổi bật là cuộc kiểm toán hợp tác nguồn nước sông Mê Công vẫn là dấu ấn nổi bật và thể hiện rõ tầm nhìn, cùng hành động quyết liệt của KTNN Việt Nam đối với vấn đề nổi cộm hiện nay được đông đảo các SAI, các quốc gia quan tâm, đó là bảo vệ môi trường. Nói như Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, “không đơn thuần là vấn đề của môi trường, mà tầm ảnh hưởng của sông Mê Công đang tác động trực tiếp đến sinh kế, đời sống của hàng trăm triệu cư dân, do đó rất cần được quan tâm, coi trọng” đã cho thấy tính cấp thiết phải có thêm những hành động mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ nguồn nước LVS Mê Công. Cuộc kiểm toán không chỉ giúp dựng lên bức tranh toàn cảnh về hiện trạng quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn nước sông Mê Công, mà còn giúp Chính phủ nhìn nhận rõ hơn vai trò, cũng như vị trí của mình trên bản đồ dòng Mê Công, để thúc đẩy đổi mới, hợp tác trong vấn đề này.

Box:                
   

Hạ nguồn sông Mê Công tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: N.LỘC

   
         
Cuộc kiểm toán có sự tham gia của KTNN tại 3/6 quốc gia thuộc LVS Mê Công gồm KTNN Việt Nam, Thái Lan và Myanma, cùng sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của các chuyên gia. Tại Việt Nam, Đoàn KTNN thực hiện kiểm toán tại 4 Bộ, ngành Trung ương gồm Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Bộ TN&MT, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 12 tỉnh, thành phố thuộc LVS Mê Công. Mục tiêu của cuộc kiểm toán nhằm đánh giá công tác quản lý TNN và việc tuân thủ các cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước LVS Mê Công; đồng thời chú trọng đến việc xem xét, xác định các ảnh hưởng, tác động tiêu cực do việc suy giảm nguồn nước sông Mê Công tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.

Qua kiểm toán cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm, chú trọng và có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nguồn nước LVS Mê Công, gắn với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Căn cứ nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì mục tiêu SDG của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng Kế hoạch chi tiết cho từng mục tiêu, trong đó có mục tiêu về quản lý tổng hợp nguồn nước LVS, làm cơ sở tổ chức, triển khai xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
                
   

Kiểm toán viên KTNN tìm hiểu việc ngăn nước mặn tại cống Ba Lai, tỉnh Bến Tre. Ảnh: N.LỘC

   

Cuộc kiểm toán đã ghi nhận những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện như hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về TNN đã được xây dựng, ban hành tương đối đầy đủ và cụ thể; mạng lưới quan trắc, giám sát tình hình khai thác, sử dụng TNN, chất lượng nguồn nước đã và đang từng bước được đầu tư, hoàn thiện; hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về TNN, bảo vệ môi trường nước được tổ chức định kỳ, qua đó đã phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết quốc tế về sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước LVS Mê Công, nhất là Hiệp định Mê Công 1995, các Thủ tục Trao đổi và Chia sẻ thông tin số liệu cùng nhiều hoạt động khác trong khuôn khổ của Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC); tăng cường hợp tác song phương, đa phương về quản lý, giám sát chất lượng nước, các nguồn thải trên LVS Mê Công; xây dựng Kế hoạch và bố trí kinh phí để thực hiện Chiến lược Phát triển Hạ LVS Mê Công giai đoạn 2016-2020 do MRC xây dựng…

Từ kết quả kiểm toán, bên cạnh các kiến nghị tới Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương trong việc tăng cường quản lý, giám sát hiệu quả TNN, KTNN cũng kiến nghị Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Mê Công 1995 nghiên cứu, trao đổi, tham mưu cho Thủ tướng Chính Phủ đề xuất MRC xây dựng các văn bản/hướng dẫn kỹ thuật về giám sát sử dụng nước trên dòng nhánh; duy trì dòng chảy tối thiểu (trên dòng chính và dòng nhánh sông Mê Công). Đồng thời thúc đẩy MRC thực hiện chuyển giao các hệ thống quan trắc và các quốc gia thành viên đưa vào vận hành hiệu quả các hệ thống này, nhằm đảm bảo cơ sở dữ liệu cho quản lý tổng hợp TNN trên toàn LVS Mê Công.

Nỗ lực không ngừng để thực hiện tốt hơn nữa vai trò đồng hành, phát triển đất nước bền vững

Có thể nói, bảo vệ môi trường, trong đó có TNN luôn là vấn đề mà Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, thể hiện thông qua nhiều chủ trương, chính sách nhất quán về lĩnh vực môi trường, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết của phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
                
   

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh. Ảnh: Vietnamnet

   
         
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế của Đảng, Nhà nước, KTNN đang nỗ lực không ngừng để tăng cường các hoạt động kiểm toán môi trường; chủ động đưa ra những sáng kiến, đổi mới, không ngừng bám sát và đồng hành cùng Chính phủ trong việc triển khai các SDG trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN Việt Nam đã góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu SDG, góp phần không nhỏ vào những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn vừa qua.


Nhắc lại vấn đề này tại nhiều hội nghị, diễn đàn quan trọng có liên quan, để từ đó khẳng định, làm rõ thêm vai trò, trách nhiệm của KTNN trong thực hiện chủ trương chung của Nhà nước ta, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: KTNN đang tích cực, chủ động cụ thể hóa những chủ trương, định hướng về bảo vệ môi trường; góp phần biến những cam kết thành hành động cụ thể, thiết thực.

Nếu như trong giai đoạn trước đây, KTNN chủ yếu thực hiện lồng ghép nội dung liên quan đến môi trường, thì đến nay các cuộc KTMT đã được thực hiện dưới hình thức kiểm toán hoạt động theo thông lệ quốc tế, tập trung đi sâu đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực, tính hiệu quả. Đơn cử, trong giai đoạn 2018-2021, các hoạt động kiểm toán của KTNN đều tập trung đánh giá việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì SDG của Chính phủ.

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, song so với kỳ vọng cũng như trước tác động của tình hình mới, hoạt động KTMT cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa. Đại diện lãnh đạo KTNN chuyên ngành III - đơn vị được giao thực hiện các cuộc KTMT cho rằng, do KTNN không có chức năng định giá các thiệt hại gây ra do các hệ lụy về môi trường, vì vậy để xác thực, đoàn kiểm toán chỉ có thể thuê các đơn vị tư vấn độc lập đánh giá để đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Hơn nữa, ở Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về môi trường của quốc gia, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường còn chưa hoàn thiện, trong khi đây là kênh thông tin hết sức quan trọng, hỗ trợ rất nhiều cho KTNN trong hoạt động kiểm toán.
                
   

Việc tăng cường kiểm tra, quản lý, hợp tác bảo vệ TNN sông Mê Công còn đảm bảo sinh kế cho hàng trăm triệu cư dân sống trong khu vực này.
   Ảnh tư liệu

   
Điều đáng mừng là Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa KTMT thành một nội dung trong Luật. Theo đó: “KTMT là công cụ kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm đánh giá mức độ tuân thủ chính sách, quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường để nâng cao hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường của các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.

Trên cơ sở các quy định về KTMT được luật hóa, để tăng cường KTMT, lãnh đạo KTNN chuyên ngành III cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành các Nghị định về công tác KTMT, đặc biệt xác định quyền hạn và trách nhiệm của KTNN trong vấn đề này; bổ sung nội dung cụ thể về KTMT trong Luật KTNN; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về KTMT một cách đầy đủ, chính xác và khoa học, giúp kiểm toán viên thu thập thông tin để lựa chọn chủ đề kiểm toán tiềm năng.

Có thể nói, dù những thách thức mới liên tục đặt ra, đòi hỏi KTNN phải nỗ lực không ngừng để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong lĩnh vực KTMT, song những kết quả đạt được vừa qua, điển hình là qua cuộc kiểm toán hợp tác nguồn nước sông Mê Công đã cho thấy quyết tâm và hành động quyết liệt của KTNN trong nỗ lực chung tay cùng cả nước bảo vệ TNN quý giá, cũng như hỗ trợ Chính phủ đảm bảo sự cân bằng trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Đổi mới cách tiếp cận kiểm toán chuyên đề  để có nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Những năm gần đây, kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) đang là hướng đi đúng đắn được KTNN chú trọng phát triển. Với lợi thế phạm vi kiểm toán rộng, đánh giá kết quả thực hiện cả một giai đoạn, kết quả của cuộc KTCĐ đã chỉ rõ các bất cập của cơ chế, chính sách hiện hành. Theo đó, KTNN cần đổi mới cách tiếp cận KTCĐ để có nhiều kiến nghị về những bất cập của cơ chế, chính sách.
  • Nên từng bước tách riêng cuộc kiểm toán  báo cáo quyết toán ngân sách địa phương
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Năm 2021, KTNN đã thực hiện thí điểm kiểm toán tổng hợp Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (BCQT NSĐP) năm 2020 tại Lai Châu và Quảng Ngãi. KTNN khu vực VII là một trong hai đơn vị của Ngành triển khai cuộc kiểm toán này. Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Lê Đức Luận - nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII - đã chia sẻ kết quả nổi bật cũng như kinh nghiệm rút ra từ quá trình tổ chức thực hiện tại Lai Châu.
  • Chuyển đổi số bắt đầu từ hệ thống dữ liệu sẵn có và phát huy tính sáng tạo của kiểm toán viên
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 xác định: “Công nghệ đóng vai trò then chốt, thiết lập, định hướng cho quá trình xây dựng, hình thành các hệ thống nền tảng quản trị thông minh, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi quá trình chuyển đổi số trong tương lai…”. Hòa chung sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, KTNN cần chọn đúng và trúng hướng phát triển đột phá của công cuộc CĐS, huy động được trí tuệ toàn Ngành, hướng đến các mục tiêu, chiến lược đã đề ra.
  • Chung tay xây dựng Chi đoàn Kiểm toán nhà nước chuyên ngành Ia vững mạnh
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO)- Chiều 25/01, tại trụ sở KTNN, Chi đoàn KTNN chuyên ngành Ia đã tổ chức Đại hội Chi đoàn nhiệm kỳ 2022-2024. Đây là đại hội điểm của Đoàn Thanh niên KTNN.
  • Quản lý chất lượng - nền tảng trong kỷ nguyên tiếp theo của hoạt động kiểm toán
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Với sự sụp đổ gần đây của nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu, chất lượng kiểm toán đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu. Hướng tới quản trị rủi ro đối với chất lượng kiểm toán một cách toàn diện, Ủy Ban Chuẩn mực Kiểm toán và Dịch vụ đảm bảo quốc tế (IAASB) đã ban hành Bộ chuẩn mực quản lý chất lượng kiểm toán mới. Để Bộ chuẩn mực này được hiểu đúng và áp dụng hiệu quả, các DN cung cấp dịch vụ kiểm toán cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể.
Bài cuối: Kiểm toán nhà nước đồng hành cùng sự phát triển bền vững của đất nước