Quản lý chất lượng - nền tảng trong kỷ nguyên tiếp theo của hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Với sự sụp đổ gần đây của nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu, chất lượng kiểm toán đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu. Hướng tới quản trị rủi ro đối với chất lượng kiểm toán một cách toàn diện, Ủy Ban Chuẩn mực Kiểm toán và Dịch vụ đảm bảo quốc tế (IAASB) đã ban hành Bộ chuẩn mực quản lý chất lượng kiểm toán mới. Để Bộ chuẩn mực này được hiểu đúng và áp dụng hiệu quả, các DN cung cấp dịch vụ kiểm toán cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể.




Mô hình quản lý chất lượng kiểm toán
Hướng tới quản trị rủi ro đối với chất lượng kiểm toán
Bộ chuẩn mực quản lý chất lượng kiểm toán mới do IAASB ban hành có hiệu lực từ ngày 15/12/2022, bao gồm: ISQM1 - Quản lý chất lượng đối với DN thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính (BCTC) hoặc dịch vụ đảm bảo khác; ISQM 2 - Soát xét chất lượng hợp đồng dịch vụ và sửa đổi ISA 220 - Quản lý chất lượng đối với cuộc kiểm toán BCTC. Các chuẩn mực này thay thế cho chuẩn mực quốc tế về kiểm soát chất lượng số 1 và chuẩn mực quốc tế về kiểm toán 220.
Việc ban hành Bộ chuẩn mực này đã cho thấy IAASB chủ động thích ứng với môi trường kiểm toán đang thay đổi phức tạp hơn, hóa giải những thách thức về tính hiệu quả của các chuẩn mực kiểm soát chất lượng hiện hành, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của các bên có lợi ích liên quan. Bộ chuẩn mực này ra đời nhằm hướng tới một hệ thống quản lý chất lượng mạnh mẽ, đáp ứng sự thay đổi liên tục, tiến triển hơn so với cách thức quản lý chất lượng đơn giản và truyền thống trước đây.
Theo đó, chuẩn mực mới hướng tới quản trị rủi ro đối với chất lượng kiểm toán một cách toàn diện thông qua việc nâng cao tính giải trình, tập trung nhiều hơn vào lãnh đạo và văn hóa, không ngừng cải thiện với hệ thống phản hồi được giám sát và tạo ra giải pháp. Các chuẩn mực cũng tập trung vào chuyển đổi từ quy trình quản lý chất lượng dựa trên sự tuân thủ sang cách tiếp cận dựa trên quản lý rủi ro có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lĩnh vực ngành nghề kiểm toán trong thời đại mới. Đồng thời, IAASB cũng đã cân bằng nhu cầu của các bên có lợi ích liên quan để các công ty kiểm toán thuộc quy mô và tính chất công việc kiểm toán phức tạp khác nhau đều áp dụng được.
Kết hợp tất cả các yếu tố trên, các chuẩn mực mới thiết lập một ranh giới thúc đẩy sự thay đổi, tăng cường quản lý và đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của tất cả các bên trong hệ sinh thái BCTC. Hơn bao giờ hết, những người tham gia vào thị trường cần có niềm tin mạnh mẽ vào các thông tin được báo cáo và các đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo. Vì vậy, IAASB tin rằng những chuẩn mực tập trung vào chất lượng, cùng với cam kết về các chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp nghiêm ngặt là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao niềm tin đối với ngành kiểm toán.
         
“Bộ chuẩn mực mới tạo ra yêu cầu cao hơn trong việc đạt được các cam kết về chất lượng kiểm toán. Phát triển văn hóa và liên tục cải thiện chất lượng trong toàn bộ các quyết định, hoạt động và quá trình kinh doanh sẽ là bước tiến quan trọng đảm bảo tương lai cho công ty dịch vụ kiểm toán” - Chủ tịch IAASB Tom Seidenstein.

Doanh nghiệp kiểm toán đứng trước những yêu cầu mới

Để những chuẩn mực này được hiểu đúng và áp dụng hiệu quả, các tổ chức, DN cung cấp dịch vụ kiểm toán cần xây dựng kế hoạch thực hiện. Việc có đạt được chất lượng kiểm toán như mong muốn hay không phụ thuộc vào cách thức áp dụng chuẩn mực của các DN dịch vụ kiểm toán. Trong đó, yêu cầu giải trình của đội ngũ lãnh đạo đối với quản lý chất lượng được nâng cao đáng kể, đồng thời, DN cũng phải tạo ra một văn hóa đúng mực, nhất quán về chất lượng kiểm toán.
Những yêu cầu mới củng cố trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo trong việc đảm bảo hệ thống vận hành một cách hiệu quả, giám sát nghiêm ngặt hệ thống quản trị chất lượng, hiểu được nguyên nhân gốc rễ của các khiếm khuyết và có giải pháp nhanh chóng để giải quyết các khiếm khuyến này. Văn hóa công ty tạo điều kiện cho việc tự kiểm tra một cách chủ động và thường xuyên nhằm hỗ trợ các nhóm kiểm toán đạt được các mục tiêu về cải thiện chất lượng.
Chuẩn mực ISQM 1 yêu cầu trao đổi thông tin nhiều hơn so với chuẩn mực cũ và nhấn mạnh vào các hệ thống thông tin, cách thức trao đổi thông tin hai chiều cả bên trong và bên ngoài công ty dịch vụ kiểm toán. Trong một số trường hợp, ISQM1 yêu cầu các công ty dịch vụ kiểm toán phải trao đổi với các bên có lợi ích liên quan phù hợp, đặc biệt với các trường hợp có lợi ích công chúng cao hơn cần thông tin và giải trình toàn diện hơn.
Các chuẩn mới của IAASB nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn lực đầy đủ và thích hợp bao gồm: Nhân lực, công nghệ và trí tuệ khi thực hiện kiểm toán. Trong đó, ISQM1 và ISQM2 đưa ra hướng dẫn rõ ràng khi nào cần soát xét, nội dung soát xét và ai thực hiện. Để nâng cao tính khách quan cho người soát xét, ISQM2 đưa ra khoảng thời gian tạm dừng bắt buộc là 2 năm trong trường hợp người phụ trách cuộc kiểm toán trực tiếp chuyển sang vai trò soát xét cùng một hợp đồng dịch vụ kiểm toán. Thêm vào đó, ISA 220 sửa đổi cũng yêu cầu người phụ trách kiểm toán phải chủ động quản lý và chịu trách nhiệm cho việc đạt được chất lượng kiểm toán./.
         
Những thay đổi chính trong Bộ chuẩn mực quản lý chất lượng kiểm toán mới của IAASB: Nâng cao trách nhiệm và tính giải trình của lãnh đạo trong các công ty dịch vụ kiểm toán; tiếp cận dựa trên rủi ro tập trung vào việc đạt được các mục tiêu về chất lượng; hiện đại hóa các chuẩn mực kiểm toán để giải quyết các vấn đề về công nghệ, hệ thống và việc sử dụng các dịch vụ cung cấp từ bên ngoài; tập trung trao đổi thông tin liên tục, thích hợp bên trong và bên ngoài công ty dịch vụ kiểm toán; chủ động giám sát các hệ thống quản lý chất lượng và có giải pháp kịp thời đối với các khiếm khuyết; nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo phụ trách cuộc kiểm toán về chất lượng kiểm toán; làm rõ và củng cố yêu cầu về soát xét chất lượng cuộc kiểm toán.

ACCA (Theo Báo Kiểm toán số Xuân)
Cùng chuyên mục
  • Đào tạo nhân lực triển khai IFRS - Không còn thời gian để chần chừ!
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Việc chuyển đổi từ Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) sang Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) giúp DN nâng cao chất lượng quản trị và thông tin, hoạt động hiệu quả hơn và gia nhập ở mức độ cao hơn nữa với các thị trường tài chính quốc tế. Tuy nhiên, để đáp ứng được lộ trình áp dụng IFRS, DN sẽ phải khẩn trương đào tạo và phát triển nhân sự chuyên sâu.
  • Chiến lược nào cho doanh nghiệp trong chuyển đổi IFRS?
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Không chỉ dừng lại ở mức tuân thủ, việc áp dụng theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) có thể mang lại cho DN các cơ hội về mặt chiến lược nếu biết cách tận dụng và lựa chọn cách thức chuyển đổi hợp lý.
  • Cập nhật chuẩn mực kiểm toán Việt Nam:  Huy động đủ nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Hiện nay, yêu cầu cập nhật các chuẩn mực nghề nghiệp, trong đó có chuẩn mực kiểm toán (CMKT) đã trở nên cấp thiết. Với sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Tài chính, các kiểm toán viên (KTV), DN kiểm toán, cùng các trường đại học, hiệp hội, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã bắt đầu cập nhật hệ thống CMKT Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán cũng như tiếp cận sát hơn với thông lệ quốc tế.
  • ​Kiểm toán nhà nước góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trong những năm qua, thông tin và tài liệu do KTNN cung cấp là một trong những căn cứ quan trọng để Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát, chất vấn và giải quyết các thắc mắc, kiến nghị của cử tri về tài chính, ngân sách, tình hình quản lý, sử dụng tài sản quốc gia. Để tăng cường vai trò, trách nhiệm phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, KTNN cần đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động, đảm bảo tính độc lập trong thực hiện nhiệm vụ và tăng tính minh bạch, độ tin cậy của các kết quả kiểm toán.
  • Nghĩa tình của KTNN với các gia đình chính sách, hộ nghèo trong dịp Tết 2022
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tiếp tục chuỗi hoạt động chung tay hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách nhân dịp đón Xuân Nhâm Dần 2022, ngày 25/01, Công đoàn KTNN và Công đoàn KTNN khu vực XI đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Chương trình tặng quà Tết trên địa bàn hai xã Ngư Lộc và Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Quản lý chất lượng - nền tảng trong kỷ nguyên tiếp theo của hoạt động kiểm toán