Nên từng bước tách riêng cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương

(BKTO) - Năm 2021, KTNN đã thực hiện thí điểm kiểm toán tổng hợp Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (BCQT NSĐP) năm 2020 tại Lai Châu và Quảng Ngãi. KTNN khu vực VII là một trong hai đơn vị của Ngành triển khai cuộc kiểm toán này. Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Lê Đức Luận - nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII - đã chia sẻ kết quả nổi bật cũng như kinh nghiệm rút ra từ quá trình tổ chức thực hiện tại Lai Châu.



         

   Ông Lê Đức Luận
♦ Thưa ông, năm 2021, KTNN khu vực VII đã thực hiện thí điểm kiểm toán tổng hợp Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (BCQT NSĐP) năm 2020 tại tỉnh Lai Châu. Xin ông cho biết quá trình triển khai và kết quả thực hiện cuộc kiểm toán này?

Có thể nói, việc kiểm toán tổng hợp BCQT NSĐP là một chủ trương lớn của Ngành nhằm thực hiện lộ trình, mục tiêu, định hướng của Kế hoạch số 1250/KH-KTNN về kiểm toán trung hạn giai đoạn 2022-2024. Đó là: Kiểm toán BCQT NSĐP hằng năm của các Bộ, cơ quan T.Ư đạt tối thiểu 60% năm 2022, 70% năm 2023, 80% năm 2024; kiểm toán BCQT NSĐP hằng năm của các địa phương để phục vụ HĐND cấp tỉnh phê duyệt quyết toán đạt tối thiểu 80% (tương ứng bình quân 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư).

Quá trình chuẩn bị trước khi tiến hành cuộc kiểm toán tổng hợp BCQT NSĐP tại Lai Châu đã được thực hiện kỹ càng, đầy đủ. KTNN khu vực VII đã xây dựng đề cương kiểm toán; xin ý kiến của KTNN khu vực III (thực hiện thí điểm kiểm toán tổng hợp BCQT NSĐP tại Quảng Ngãi), hoàn thiện gửi xin ý kiến của các vụ tham mưu để điều chỉnh, bổ sung, sau đó, KTNN khu vực VII đã hoàn thiện đề cương trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.

Trong quá trình kiểm toán, KTNN khu vực VII luôn bám sát tiến độ, chỉ đạo thực hiện đúng nội dung Đề cương kiểm toán đã được phê duyệt; thường xuyên trao đổi giữa các tổ kiểm toán để cập nhật tình hình, rút kinh nghiệm. Nhờ vậy, cuộc kiểm toán đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Qua kiểm toán, KTNN khu vực VII đã kiến nghị xử lý tài chính trên 352,6 tỷ đồng; đồng thời, kiến nghị chấn chỉnh công tác điều chỉnh hạch toán giữa các cấp ngân sách về thu ngân sách trong thời gian chỉnh lý, sau thời gian chỉnh lý quyết toán.

♦Bên cạnh những kết quả đạt được do đơn vị đã chuẩn bị kỹ trước khi kiểm toán, KTNN khu vực VII có gặp khó khăn, vướng mắc gì khi tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán này?

Trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm cuộc kiểm toán tổng hợp BCQT NSĐP tại tỉnh Lai Châu, tuy đơn vị đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo trước khi kiểm toán song việc triển khai thực hiện kiểm toán BCQT NSĐP vẫn gặp khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, cuộc kiểm toán được thực hiện từ ngày 12/8 đến 05/10/2021. Như vậy, khi bắt đầu kiểm toán, địa phương chưa xây dựng xong BCQT NSĐP theo Luật NSNN (trước ngày 01/10 hằng năm). Theo quy định, công tác kiểm toán BCQT tổng hợp của 3 cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã) được triển khai với rất nhiều đơn vị thực hiện khác nhau, khi triển khai kiểm toán tại địa phương thì cấp huyện, xã đã tổng hợp xong BCQT nhưng BCQT NSĐP của toàn tỉnh chưa được tổng hợp xong theo quy định tại khoản 2, Điều 70 Luật NSNN năm 2015 (trước ngày 01/10 hằng năm).

Hơn nữa, với thời gian khá ngắn, việc thu thập thông tin về hệ thống kiểm soát, đánh giá rủi ro, chọn mẫu kiểm toán; việc xác nhận số liệu chi NSNN theo lĩnh vực, nguồn kinh phí… làm cơ sở cho việc xác nhận số liệu quyết toán cũng khó khăn.

Để khắc phục những vướng mắc này, trong quá trình tổ chức kiểm toán, KTNN khu vực VII đã thực hiện nhiều giải pháp như: Đề nghị UBND tỉnh Lai Châu đẩy nhanh tiến độ lập BCQT NSĐP năm 2020 sớm hơn so với quy định để tiến hành cuộc kiểm toán này; bố trí thành viên đoàn kiểm toán BCQT NSĐP tuy ít nhưng là những kiểm toán viên có kinh nghiệm, trình độ và chuyên môn sâu về tổng hợp số liệu; bố trí thời gian kiểm toán ngắn ngày hơn so với kiểm toán NSĐP và vào đợt cuối của kế hoạch kiểm toán năm; các tổ kiểm toán phải thường xuyên trao đổi với nhau về những việc phát sinh, các phát hiện và kinh nghiệm, kỹ năng kiểm toán do đây là cuộc kiểm toán thí điểm.

♦ Từ cuộc kiểm toán này, ông có đề xuất gì đối với các cuộc kiểm toán tương tự?

Qua việc thực hiện thí điểm cuộc kiểm toán tại tỉnh Lai Châu và hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực này, đơn vị đề xuất một số giải pháp thực hiện kiểm toán BCQT NSĐP như sau:
Cần tổ chức tập huấn, trao đổi cụ thể về Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong lĩnh vực kiểm toán BCQT NSĐP. Tập huấn kỹ về đề cương kiểm toán; nâng cao khả năng sử dụng và khai thác Phần mềm quản lý ngân sách (TABMIS) tại các cơ quan tài chính tổng hợp và kho bạc nhà nước; nắm vững mục lục ngân sách.

Đồng thời, phải phối hợp tốt với địa phương để đẩy nhanh việc lập BCQT NSĐP chính thức sớm hơn so với Luật NSNN hiện hành. Đồng thời, phải có đủ thời gian để thực hiện kiểm toán sau khi BCQT chính thức đã được lập.

♦ Còn đối với toàn Ngành, để thực hiện kiểm toán BCQT NSĐP hằng năm của 63/63 tỉnh, thành theo yêu cầu của Luật KTNN, theo ông, KTNN nên có lộ trình thực hiện như thế nào?

Về lộ trình, năm đầu tiên, mỗi khu vực có thể thực hiện ít nhất 2 cuộc kiểm toán BCQT NSĐP trong 1 năm; sau đó mỗi năm tăng thêm 1 đến 2 cuộc (1 đến 2 tỉnh). Như vậy, sau 2 - 3 năm có thể cơ bản kiểm toán BCQT NSĐP hầu hết các tỉnh, thành phố. Năm 2022, KTNN khu vực VII sẽ kiểm toán BCQT NSĐP của 3 tỉnh (chiếm 50% số tỉnh), khoảng năm 2026 có thể kiểm toán tất cả các tỉnh.

Quan trọng nhất, do cuộc kiểm toán này phải thực hiện vào cuối năm nên KTNN cần từng bước tách riêng kiểm toán tổng hợp BCQT NSĐP với các cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý, điều hành thu - chi ngân sách, đầu tư… Khi đó, từ đầu năm đến giữa năm sẽ thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề (kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động) và thời gian cuối năm tập trung cho kiểm toán BCQT NSĐP.

♦ Ông kỳ vọng ra sao về việc thực hiện kiểm toán BCQT NSĐP hằng năm của KTNN?

Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện mục tiêu kiểm toán hầu hết, thậm chí kiểm toán 100% BCQT NSĐP. Điều quan trọng là tổ chức công tác kiểm toán, tách riêng cuộc kiểm toán BCQT NSĐP với các cuộc kiểm toán chuyên đề khác, riêng đợt cuối năm có thể thực hiện lồng ghép kiểm toán BCQT NSĐP với kiểm toán chuyên đề; trong năm thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề bình thường. Đồng thời, KTNN cần từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, sử dụng hệ thống dữ liệu NSNN; nâng cao kỹ năng kiểm toán cho kiểm toán viên.

♦ Xin trân trọng cảm ơn ông!
THÙY ANH (thực hiện)
Cùng chuyên mục
  • Chuyển đổi số bắt đầu từ hệ thống dữ liệu sẵn có và phát huy tính sáng tạo của kiểm toán viên
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 xác định: “Công nghệ đóng vai trò then chốt, thiết lập, định hướng cho quá trình xây dựng, hình thành các hệ thống nền tảng quản trị thông minh, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi quá trình chuyển đổi số trong tương lai…”. Hòa chung sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, KTNN cần chọn đúng và trúng hướng phát triển đột phá của công cuộc CĐS, huy động được trí tuệ toàn Ngành, hướng đến các mục tiêu, chiến lược đã đề ra.
  • Chung tay xây dựng Chi đoàn Kiểm toán nhà nước chuyên ngành Ia vững mạnh
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO)- Chiều 25/01, tại trụ sở KTNN, Chi đoàn KTNN chuyên ngành Ia đã tổ chức Đại hội Chi đoàn nhiệm kỳ 2022-2024. Đây là đại hội điểm của Đoàn Thanh niên KTNN.
  • Quản lý chất lượng - nền tảng trong kỷ nguyên tiếp theo của hoạt động kiểm toán
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Với sự sụp đổ gần đây của nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu, chất lượng kiểm toán đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu. Hướng tới quản trị rủi ro đối với chất lượng kiểm toán một cách toàn diện, Ủy Ban Chuẩn mực Kiểm toán và Dịch vụ đảm bảo quốc tế (IAASB) đã ban hành Bộ chuẩn mực quản lý chất lượng kiểm toán mới. Để Bộ chuẩn mực này được hiểu đúng và áp dụng hiệu quả, các DN cung cấp dịch vụ kiểm toán cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể.
  • Đào tạo nhân lực triển khai IFRS - Không còn thời gian để chần chừ!
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Việc chuyển đổi từ Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) sang Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) giúp DN nâng cao chất lượng quản trị và thông tin, hoạt động hiệu quả hơn và gia nhập ở mức độ cao hơn nữa với các thị trường tài chính quốc tế. Tuy nhiên, để đáp ứng được lộ trình áp dụng IFRS, DN sẽ phải khẩn trương đào tạo và phát triển nhân sự chuyên sâu.
  • Chiến lược nào cho doanh nghiệp trong chuyển đổi IFRS?
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Không chỉ dừng lại ở mức tuân thủ, việc áp dụng theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) có thể mang lại cho DN các cơ hội về mặt chiến lược nếu biết cách tận dụng và lựa chọn cách thức chuyển đổi hợp lý.
Nên từng bước tách riêng cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương