Sắp tới, việc chào bán cổ phần của DNNN theo lô sẽ không còn là quyền hạn “đặc thù” của SCIC. Ảnh: T.S
Ông Hoàng Nguyên Học - Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết: Cơ chế bán cổ phần theo lô tại DN chuyển đổi sở hữu thuộc đối tượng mà Nhà nước không cần đầu tư vốn được SCIC áp dụng đã phát huy hiệu quả. Vì thực tế cho thấy, nhà đầu tư chỉ thực sự quan tâm tới DN khi họ được mua lượng cổ phần với tỷ lệ nhất định để đủ quyền tham gia quản lý, ra quyết định liên quan đến DN thay vì việc mua lẻ cổ phần. Trong quá trình bán vốn, SCIC nhận thấy nhiều nhà đầu tư chấp nhận trả giá cao hơn khi mua theo lô so với việc mua cổ phần lẻ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT và các DN trực thuộc như Cienco 5, Cienco 6, Vinamotor, Cảng Quảng Ninh và một số DN, cảng biển khác rất muốn bán cổ phần theo lô. Nếu không bán cổ phần theo lô thì không tạo ra sức hút cổ phần hóa với nhiều DNNN…
Ông Trần Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam và đại diện Tổng công ty Cà phê Việt Nam đều kiến nghị Chính phủ cho phép các tập đoàn áp dụng cơ chế bán vốn thành công ở SCIC (bán cổ phần theo lô) trong quá trình tái cơ cấu DN tại các đơn vị này.
Tại một hội nghị khác về cổ phần hóa DNNN do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức, ông Nguyễn Anh Trung - Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty Chứng khoán Hải Phòng cho biết: Những lần chào bán cổ phần tại Cảng Hải Phòng trước đây đã không thành công do lượng bán quá ít, chỉ 5%. Vì thế, sau quá trình tư vấn, Công ty Chứng khoán Hải Phòng đề xuất xin cơ chế nới phần vốn bán ra nhiều hơn để tạo sự hấp dẫn với nhà đầu tư trong các phiên đấu giá tiếp theo. Điều này cho thấy nhà đầu tư muốn mua tỷ lệ cao hơn để tham gia quản trị DN.
Ngày làm việc cuối cùng của tháng 4/2015, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Vũ Văn Ninh đã chủ trì cuộc họp về công tác tái cơ cấu DNNN nhằm xử lý các vướng mắc, kiến nghị trong quá trình cổ phần hoá, tái cơ cấu DN. Tại cuộc họp, các Bộ, ngành, địa phương đề xuất Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn bán cổ phần của DNNN theo lô để tạo sức hút cổ phần hoá, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN. Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 5, Bộ sẽ hoàn thành Thông tư này.
Theo Dự thảo Thông tư chào bán cổ phần theo lô, nhà đầu tư tham gia đấu giá theo lô phải hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng thị trường và lĩnh vực sản xuất kinh doanh của DNNN thực hiện cổ phần hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Số cổ phần mua theo lô sẽ không được chuyển nhượng trong vòng 5 năm đầu. Quy định này nhằm tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ mua, bán kiếm lời, không tập trung đầu tư phát triển DN.
Khi mua cổ phần theo lô, nhà đầu tư có thể mua toàn bộ hoặc trên 50% số lượng cổ phần của DNNN cần bán để tổ chức, cá nhân có thể tham gia điều hành công ty (thực tế hiện nay tỷ lệ chào bán cổ phần ít, khiến nhà đầu tư không mặn mà với các kế hoạch cổ phần hóa DNNN). Ngoài ra, việc chào bán cổ phần theo lô sẽ thực hiện theo hình thức đấu giá, không có chỉ định để tránh tiêu cực trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN. Cũng theo Dự thảo Thông tư, việc chào bán cổ phần của DNNN theo lô sắp tới sẽ không còn là quyền hạn “đặc thù” của SCIC nữa mà các Bộ, ngành, địa phương sẽ là đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại các DN nhằm thu hút sự quan tâm của những tổ chức, cá nhân thực sự có nhu cầu tham gia đầu tư, quản lý các DNNN…
Đồng tình với mong muốn của các Bộ, ngành, địa phương về việc sớm ban hành Thông tư về chào bán cổ phần theo lô, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nhấn mạnh ý nghĩa của Thông tư này trong việc thúc đẩy tiến độ và chất lượng của kế hoạch cổ phần hóa DNNN. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục phân loại DNNN, loại DN nào Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần thì khi chào bán theo lô, nhà đầu tư có thể bán hoặc sang nhượng ngay cổ phần.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu quy định mức bán theo lô tối đa và tối thiểu theo các hướng phân loại DNNN để không xảy ra tình trạng nhà đầu tư cạnh tranh thiếu lành mạnh và nhà đầu tư tập trung vào thay đổi quản trị của DN. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính cần làm rõ khái niệm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư mua cổ phần theo lô.