Ký kết cung ứng tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và các nhà đầu tư tại Hội nghị.Ảnh: T.S
Theo ông Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc, sự phát triển kinh tế của Tây Bắc thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên đây vẫn là vùng nghèo nhất so với cả nước do cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém. Vì thế Tây Bắc rất muốn kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển kinh tế của cả vùng. Để tạo những nét đột phá mới, các tỉnh vùng Tây Bắc đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng để huy động thêm nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là trong các lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến lâm sản, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu.
Đối với vùng Tây Bắc, các mô hình liên kết đang ngày càng có xu hướng phát triển. Tiêu biểu như mô hình liên kết giữa 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ trong Chương trình Du lịch về cội nguồn; mô hình liên kết giữa 6 tỉnh Việt Bắc và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng cũng đã hình thành để phát triển du lịch bằng dự án cung đường Tây Bắc, xây dựng tour đi qua những bản làng nghèo nhất cả nước, góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào bằng du lịch.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Minh Tú, nét đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư là trước đây, khi tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, các địa phương thường cung cấp thông tin về dự án cho nhà đầu tư, song nhiều nhà đầu tư khi chọn lựa được dự án lại khó tiếp cận vốn. Những năm gần đây đã chuyển sang hình thức ngân hàng và DN cùng nhau xúc tiến đầu tư, nếu đánh giá dự án có hiệu quả là hai bên sẵn sàng ký kết hợp đồng tín dụng.
Vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các dự án đầu tư được đánh giá là rất lớn. Vì thế, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính quyền các tỉnh phải hành động theo đúng cam kết để các kế hoạch của nhà đầu tư trở thành những công trình, những dự án cụ thể.
Minh chứng cho sức mạnh của địa phương, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thẳng thắn nói: Vẫn có cách để tạo nên môi trường kinh doanh hấp dẫn trong điều kiện khó khăn của Tây Bắc bởi có những địa phương trong vùng đang giữ ngôi vị hàng đầu trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Để khơi thông các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đề xuất: Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể vùng Tây Bắc đến năm 2020; thực hiện các luật mới như Luật Đầu tư, Luật DN…; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển; đẩy mạnh liên kết vùng. Hơn nữa, cần đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng thay đổi quan điểm về xúc tiến đầu tư, coi nhà đầu tư là đối tượng được phục vụ, đổi mới cách thức thực hiện xúc tiến đầu tư thông qua việc phân chia theo từng nhóm lĩnh vực, ngành nghề cần thu hút đầu tư, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Đồng thời cần cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thông qua việc cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, công khai minh bạch các thông tin cần thiết cho các nhà đầu tư như thông tin về quy hoạch, mặt bằng, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của địa phương, các cơ hội đầu tư cụ thể… nhằm giảm bớt thời gian, chi phí cho nhà đầu tư.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và biểu dương các DN tiêu biểu vùng Tây Bắc 2015, ngành ngân hàng tiếp tục cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án đầu tư vào Tây Bắc với số tiền cam kết cho vay hơn 4.700 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đầu tư vốn là thế mạnh của vùng như thủy điện, khai khoáng, công nghiệp chế biến, nông sản, vận tải…;15 dự án với tổng vốn đầu tư 9.899 tỷ đồng đã được trao giấy chứng nhận đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đã cam kết đầu tư vào 17 dự án mới tại 4 tỉnh của Tây Bắc với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng.