Kế hoạch nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Vi phạm hành chính. Việc ban hành Pháp lệnh nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động KTNN; đồng thời, có tác dụng giáo dục pháp luật, duy trì trật tự, giữ gìn kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo Kế hoạch, việc xây dựng Pháp lệnh dự kiến thực hiện theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là tổng kết thi hành luật và lập đề nghị xây dựng Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, với một số nội dung trọng tâm như: xây dựng các văn bản triển khai, chỉ đạo và lập đề cương tổng kết thi hành pháp luật; chỉ đạo tổ chức tổng kết thi hành pháp luật; đánh giá tác động của chính sách; chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung Dự án Pháp lệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, KTNN sẽ tiến hành giai đoạn 2 là tập trung soạn thảo và trình Dự án Pháp lệnh.
Theo đó, KTNN sẽ thành lập Ban soạn thảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chủ động thành lập Tổ biên tập để tham mưu cho Ban soạn thảo; tổ chức xây dựng Dự án Pháp lệnh theo trình tự.
Đồng thời, KTNN tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan; đăng tải Dự án Pháp lệnh trên Cổng thông tin điện tử. Sau đó, KTNN tiếp tục hoàn thiện hồ sơ gửi xin ý kiến Chính phủ và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chính phủ trước khi gửi Dự thảo Pháp lệnh đến Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua.
Theo tiến độ dự kiến, việc triển khai các nội dung xây dựng Dự án Pháp lệnh sẽ được hoàn thiện vào cuối tháng 9/2021.
Để tổ chức triển khai Kế hoạch xây dựng Dự án Pháp lệnh, KTNN sẽ thành lập Ban Chỉ đạo nhằm giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch. Tổng Kiểm toán Nhà nước giao Vụ Pháp chế (trực tiếp là Phòng Pháp luật) làm thường trực, giúp việc Ban Chỉ đạo.
Ban soạn thảo thực hiện các nhiệm vụ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tổng Kiểm toán Nhà nước làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế làm Phó Ban thường trực; thành viên là lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN; thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban.
Vụ Pháp chế có trách nhiệm giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc KTNN; tham mưu Tổng Kiểm toán Nhà nước thành lập Ban Chỉ đạo; làm đầu mối điều phối hoạt động với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng và báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước kết quả thực hiện.
Việc xây dựng Pháp lệnh là công việc có ý nghĩa quan trọng của KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện tốt các nội dung công việc được giao bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu, nội dung và thời gian theo quy định.
Đ. KHOA