Báo cáo kiểm toán là nguồn thông tin có giá trị với báo chí

(BKTO) - Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc phản ánh thông tin về kết quả, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trên báo chí rất quan trọng bởi đa số cử tri và đại biểu Quốc hội đọc thông tin qua báo chí. Do đó, mối quan hệ mật thiết giữa KTNN với báo chí không chỉ nhằm mục đích truyền thông mà còn để phục vụ Quốc hội.

6-(1).jpg
TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm đến thông tin kiểm toán trên báo chí

Có thể khẳng định, mối quan hệ giữa báo chí truyền thông và KTNN là mối quan hệ đa chiều. Một mặt, khi những phát hiện, những kiến nghị của KTNN được đưa lên báo chí, cử tri sẽ quan tâm và có những bình luận, phản ứng, đưa ra ý kiến với Quốc hội. Như vậy, các thông tin về kiểm toán có tác động đến Quốc hội thông qua ý kiến của cử tri xuất phát từ những thông tin về kiểm toán trên báo chí.

Ở khía cạnh khác, mối quan hệ mật thiết giữa KTNN và báo chí tác động đến Quốc hội trực tiếp hơn thông qua ý kiến của 500 đại biểu Quốc hội. Thực tế cho thấy, không phải đại biểu Quốc hội nào cũng có thời gian và điều kiện để đọc toàn bộ Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán.

KTNN nên có một chiến lược truyền thông dài hạn và cung cấp thông tin cho báo chí là một phần trong chiến lược này.

Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu Quốc hội biết về những vấn đề kiểm toán thông qua báo chí. Có thể nói, báo chí với năng lực truyền thông, cách thức chuyển tải thông tin và những thông điệp rõ ràng giúp đại biểu Quốc hội dễ dàng nắm bắt được các vấn đề liên quan đến kết quả kiểm toán. Rõ ràng, việc phản ánh thông tin kiểm toán qua báo chí là rất quan trọng không chỉ nhằm mục đích truyền thông mà còn để phục vụ Quốc hội.

Kiểm toán nhà nước cần một chiến lược truyền thông

Tôi nghĩ rằng, KTNN đã có rất nhiều tiến bộ và làm tốt công tác cung cấp những thông tin kiểm toán cho Quốc hội và công chúng, nhưng KTNN vẫn có thể làm tốt hơn nữa. KTNN nên có một chiến lược truyền thông dài hạn và cung cấp thông tin cho báo chí là một phần trong chiến lược này.

Theo đó, chiến lược truyền thông cần được xây dựng và phát triển một cách công phu, bắt đầu từ các thông điệp kiểm toán được chuẩn bị kỹ lưỡng theo từng cuộc kiểm toán. Việc hoàn thiện thông điệp đó là quan trọng nhất bởi công chúng thường chỉ đọc thông điệp, rất ít người đọc hiểu được báo cáo kiểm toán có tính chuyên môn sâu. Qua từng cuộc kiểm toán về các lĩnh vực, vấn đề nào đó, KTNN cần rút ra được thông điệp chính và truyền tải trên báo chí.

Khi làm ở Văn phòng Quốc hội, tôi đã thúc đẩy việc thành lập một nhóm phóng viên nghị trường và KTNN cũng có thể triển khai theo cách này. Việc xác lập mối quan hệ với một nhóm phóng viên là rất cần thiết bởi không phải tất cả phóng viên đều chuyên sâu về lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán.

KTNN cần báo chí để truyền thông, nhưng báo chí cũng rất cần thông tin của KTNN bởi không có một nguồn thông tin nào về tài chính quốc gia mà chính thức, chính xác, chuyên môn cao như thông tin của KTNN.

Phóng viên thường theo dõi nhiều lĩnh vực khác nhau và chỉ một số ít phóng viên chuyên viết về hoạt động của Quốc hội, liên quan đến tài chính, quản trị… Do đó, KTNN cần xác định được nhóm phóng viên quan tâm thực sự đến hoạt động của KTNN và tổ chức thành câu lạc bộ riêng.

Một điểm nữa là KTNN phải có chương trình bồi dưỡng, đào tạo cho báo chí, bởi thông tin trong báo cáo kiểm toán rất khác với các nguồn thông tin khác, đòi hỏi người đọc phải có năng lực và hiểu biết nhất định về các vấn đề. Vì vậy, việc đào tạo phóng viên là rất cần thiết để họ có cách thức và kỹ năng đọc báo cáo kiểm toán.

KTNN có thể sử dụng rất nhiều các công cụ để truyền thông như: Thông cáo báo chí, hội nghị báo chí, tổ chức tọa đàm trên Báo Kiểm toán… về một nội dung hay về kết quả một cuộc kiểm toán. Có rất nhiều phương thức để truyền tải thông tin về kiểm toán đến công chúng và tất cả phải nằm trong chiến lược truyền thông của KTNN.

Ngoài ra, KTNN nên có cơ chế khuyến khích, khen tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp kiểm toán để động viên, ghi nhận những cống hiến của đội ngũ phóng viên và cơ quan báo chí đối với sự nghiệp phát triển của KTNN.

KTNN có thể linh hoạt trong việc kết nối một nhóm kiểm toán viên, cán bộ chuyên trách với phóng viên để thường xuyên trao đổi những vấn đề, thông tin kiểm toán. Từ đó, những thông tin, thông điệp mà lãnh đạo KTNN đưa ra sẽ được chuyển tải đến công chúng theo cách rất mềm mại, không quá cứng nhắc hay bắt buộc phải họp báo, văn bản, giấy tờ. Cách thức linh hoạt như vậy sẽ củng cố quan hệ giữa hai bên và thông điệp đưa ra thực chất là đang đóng góp rất lớn cho nền quản trị quốc gia, lan tỏa giá trị của báo cáo kiểm toán đối với xã hội.

Báo cáo kiểm toán có thể khơi gợi nhiều đề tài cho báo chí

Về phía các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, nhận thức về giá trị của thông tin kiểm toán là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất. KTNN cần báo chí để truyền thông, nhưng báo chí cũng rất cần thông tin của KTNN bởi không có một nguồn thông tin nào về tài chính quốc gia mà chính thức, chính xác, chuyên môn cao như thông tin của KTNN.

Để có thể tìm ra một chủ đề, khai thác thông tin, số liệu, phóng viên phải mất rất nhiều thời gian và chưa chắc đã tìm đủ dữ liệu, trong khi đó, báo cáo kiểm toán của KTNN có rất nhiều thông tin chính xác, mang tính chuyên môn cao và đây là một nguồn thông tin rất có giá trị mà báo chí không khai thác được thì rất đáng tiếc.

Mặt khác, các phóng viên cũng phải hiểu rằng, trong các kết luận, kiến nghị của KTNN có thể khơi gợi rất nhiều đề tài mới cho phóng viên triển khai, thậm chí là tổ chức các chuyên đề điều tra lớn, hấp dẫn công chúng, tác động xã hội. Báo chí càng biết khai thác báo cáo kiểm toán càng có lợi và nhiều nhà báo có thể tạo dựng được danh tiếng từ việc khai thác thông tin kiểm toán./.

Cùng chuyên mục
Báo cáo kiểm toán là nguồn thông tin có giá trị với báo chí