Báo chí cách mạng cần khách quan, hài hòa trong khen và chê

(BKTO) - Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn xác định Báo chí Cách mạng Việt Nam vừa là diễn đàn tin cậy của Nhân dân, vừa là công cụ tuyên truyền, lãnh đạo cách mạng. Yêu cầu đặt ra với Báo chí Cách mạng Việt Nam phải luôn giữ đúng sự chính xác, trung thực, biểu dương, khen ngợi cái tốt, đấu tranh phê phán cái xấu, cái lạc hậu.

1.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: ST

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu rõ: “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Luật Báo chí nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng quy định rất rõ ràng về nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí phải bảo đảm thực hiện thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân. Trong đó, báo chí cách mạng cần phải “Phát hiện, nêu gương người tốt việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội”. Một nhiệm vụ quan trọng hiện nay mà Báo chí Cách mạng Việt Nam phải kiên quyết, kiên trì tham gia là tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn kiên định giữ vững quan điểm báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng có chức năng, nhiệm vụ phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân, đóng góp tích cực, thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong đó là vai trò quan trọng của báo Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xác định: “Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta”. Người cũng chỉ ra: “Nếu ai cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc”. Và Người yêu cầu: Cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán phải xem báo Đảng. Vì vậy, yêu cầu tuyên truyền báo Đảng, báo chí cách mạng phải trung thực, chính xác, có tính chiến đấu cao, “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, dùng thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực… Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên yêu cầu Báo chí Cách mạng Việt Nam phải có tính chiến đấu, mà tính chiến đấu không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia cách mạng.

Bên cạnh những ưu điểm là cơ bản trong phản ánh sự thật khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm cần sửa chữa, khắc phục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng báo chí: “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”. Tình trạng làm báo theo kiểu “bôi đen”, “tô hồng” thời gian qua đã được làng báo Việt Nam tích cực đấu tranh, mang lại những kết quả ngày càng thiết thực, tuy nhiên, tình trạng trên vẫn còn tồn tại; trong đó có xu hướng gia tăng việc “bôi đen”, nói quá nhiều cái hạn chế, tiêu cực, mất cân đối giữa tích cực với tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó cũng có những hạn chế, khuyết điểm như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tình trạng: “Đưa tin hấp tấp nhiều khi thiếu thận trọng”, hay: “Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều”.

Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên, một trong những giải pháp quan trọng đã được Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI đề ra là: “Xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Đại hội xác định phải “Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số; đào tạo ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí; đặc biệt chú trọng việc rèn luyện, tu dưỡng, nêu cao đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo…”.

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, các cơ quan chủ quản… thì sự tự giác rèn luyện phấn đấu của các nhà báo có ý nghĩa hết sức quan trọng để nhà báo hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ của mình trong biểu dương, ca ngợi cái tốt, đấu tranh phê phán cái xấu, cái tiêu cực... Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Nhà báo muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng, vẻ vang ấy thì phải “cố gắng học tập nhiệm vụ chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”; Người còn nhắc nhở: Cán bộ báo chí cần đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động để tìm hiểu, để tác nghiệp. Cùng với mục tiêu phấn đấu phải có “tâm sáng”, “lòng trong”, “bút sắc”, bảo đảm sự khách quan, hài hòa, tính trung thực, xây dựng khi thực hiện nhiệm vụ làm báo, mỗi nhà báo cần quán triệt, tiếp thu, thực hiện những kinh nghiệm làm báo hết sức quý báu mà nhà báo Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới hiện nay, các nhà báo cách mạng Việt Nam phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí năm 2016, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Chúng ta hãy cùng nhau đồng tâm hiệp lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Phát triển nền Báo chí Cách mạng Việt Nam “chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn”./.

Cùng chuyên mục
Báo chí cách mạng cần khách quan, hài hòa trong khen và chê