Ngày 16/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - đã dự Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của ngành tòa án nhân dân.
Hội nghị do Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức, kết nối trực tuyến với hơn 800 điểm cầu tòa án nhân dân các cấp trong toàn quốc.
Tại Hội nghị các đại biểu được giới thiệu khung chuyển đổi số cấp bộ, ngành; kết quả công tác chuyển đổi số của ngành tòa án nhân dân và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới; bài học kinh nghiệm từ thành công chuyển đổi số của ngành tòa án.
Hội nghị cũng nghe các tham luận với các chủ đề "xét xử trực tuyến, bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống tòa án", "Trợ lý ảo - công cụ đắc lực cho thẩm phán", "Quản lý hoạt động tố tụng trên nền tảng số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa án"… Đặc biệt, Hội nghị được xem trực tiếp một số phiên tòa xét xử trực tuyến đang diễn ra tại một số địa phương.
Xây dựng tòa án điện tử là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt
Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là xu thế tất yếu và là yêu cầu khách quan trong công cuộc phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chuyển đổi số là công việc vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và triển khai quyết liệt, hiệu quả, thực chất.
Theo Thủ tướng, Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc và phương thức sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp dựa trên công nghệ số.
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia được tập trung chỉ đạo, có bước chuyển biến rất tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các nền tảng chuyến đổi số quốc gia được củng cố và phát triển trên tất cả 6 phương diện: thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, dịch vụ số, kỹ năng số và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.
Thủ tướng cho biết, công tác xây dựng tòa án điện tử luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp - là nhiệm vụ cấp thiết để hệ thống tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật, vào công lý và sự ưu việt của chế độ ta.
Thủ tướng đánh giá cao và chúc mừng những kết quả đạt được của ngành tòa án nhân dân, nhất là trong công tác chuyển đổi số; góp phần quan trọng đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ công lý, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số ngành tòa án nhân dân nói riêng như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số còn chậm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa đáp ứng nhu cầu; chất lượng cung cấp dịch vụ tư pháp công trực tuyến chưa cao; hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu, số hóa dữ liệu còn nhiều hạn chế; an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức…
Xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá và chuyển đổi số là công cụ quan trọng
Theo Thủ tướng, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp; nhìn chung khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; những yếu tố mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập sẽ ngày càng tác động sâu rộng, nhất là trong điều kiện nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế. Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành toà án nhân dân là rất quan trọng, rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề.
Mong muốn ngành tòa án tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành tòa án nhân dân là "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư", hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành tòa án tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số - coi đây là một trong những công cụ quan trọng nhất, hỗ trợ đắc lực nhất, hiệu quả nhất trong tất cả các mặt công tác của ngành toà án nhân dân.
Thủ tướng đề nghị ngành tòa án tiếp tục phát huy mạnh mẽ chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử với tinh thần "5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng trong xây dựng tòa án điện tử và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin trong mọi tình huống; đẩy mạnh tạo lập dữ liệu số, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ liên tục, thông suốt, đồng bộ để nâng cao năng lực quản trị và thực thi của tòa án trên nền tảng số; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số và bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển tòa án điện tử; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong ngành tòa án nhân dân để mọi cán bộ, công chức, thẩm phán đồng lòng hưởng ứng tham gia tiến trình chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử.
Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành tòa án nhân ân, phát triển tòa án điện tử. Trong đó, sớm trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), tạo tiền đề cho các hoạt động tố tụng trực tuyến; quy định về chứng cứ điện tử; cơ sở khoa học và tính pháp lý của phục hồi chứng cứ điện tử, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tiến hành tố tụng điện tử.
Cùng với đó, đổi mới mô hình hoạt động sang quản lý trên nền tảng số; tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án, nhất là trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân Tối cao và các trang thông tin điện tử của các tòa án nhân dân cấp cao, tòa án các cấp.
Nâng cao năng lực quản trị, thực thi tòa án trên nền tảng số; đẩy mạnh hiện đại hóa ngành tòa án nhân dân, nhất là phát triển hạ tầng số; xây dựng trung tâm dữ liệu, số hóa hồ sơ, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu; phấn đấu 100% các lĩnh vực công tác của tòa án nhân dân được chuyển đổi, quản trị thống nhất trên nền tảng số.
Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh khai thác, sử dụng, phát triển nền tảng xét xử trực tuyến, hướng tới 100% tòa án nhân dân đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực tổ chức xét xử trực tuyến được phép; sớm nghiên cứu đề xuất hoàn thiện nền tảng pháp lý về tố tụng điện tử.
Đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ tư pháp công trực tuyến, đơn giản hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; đồng thời nghiên cứu tích hợp với ứng dụng định danh cá nhân giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến trực tiếp tòa án./.