Báo chí cần tăng cường hợp tác để đấu tranh chống tin giả

(BKTO) - Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, để hoạt động báo chí khởi sắc và phát triển, sự nỗ lực của từng cơ quan báo chí là chưa đủ, mà cần có sự hợp tác giữa các cơ quan báo chí trong cùng một quốc gia và các cơ quan báo chí trong khu vực.

bao.jpg
Toàn cảnh buổi Hội đàm. Ảnh sưu tầm

Đây là nhấn mạnh của ông  Lê Quốc Minh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - tại Hội đàm giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Thái Lan diễn ra mới đây.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, trên thực tế, công chúng trẻ tiếp cận mạng xã hội nhiều hơn so với kênh chính thống. Nếu chỉ nhìn thấy khó khăn thì không thể phát triển được, mà cần tìm ra cơ hội để vượt qua thách thức và vươn lên; cần tăng cường kết nối trên các lĩnh vực thể thao, văn nghệ, sự hợp tác giới báo chí quốc gia, khu vực Asean và quy mô thế giới, nắm bắt xu thế báo chí, gắn mối quan hệ giữa cơ quan báo chí với các phóng viên.

“Trong những thách thức đó, cần phải cố gắng, bởi khi có quá nhiều tin giả thì công chúng lại quay lại cần thông tin từ báo chí chính thống. Báo chí Thái Lan phát triển so với khu vực. Chúng tôi muốn mong muốn học hỏi, tham khảo cách làm hay từ các nước. Để hoạt động báo chí khởi sắc và phát triển, sự nỗ lực của từng cơ quan báo chí là chưa đủ, mà cần sự hợp tác giữa các cơ quan báo chí trong cùng một quốc gia và các cơ quan báo chí trong khu vực.” - Chủ tịch Lê Quốc Minh trao đổi.

Chủ tịch Lê Quốc Minh cho rằng, trong thế giới Digital, có những cách làm hay của những nước được cho là phát triển chậm hơn về báo chí cũng có thể là kinh nghiệm để các nước phát triển hơn tham khảo, trong đó có Việt Nam.

Báo chí Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi số, dù đó chỉ là những bước đầu tiên nhưng chúng tôi có thể tự hào rất nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Kinh nghiệm cho thấy không phải chỉ những cơ quan báo chí mạnh với nguồn lực tài chính to lớn sẽ thành công mà ở những cơ quan báo chí nhỏ, nếu có sự đầu tư đúng hướng cũng sẽ thu được kết quả quan trọng, thậm chí là nguồn cảm hứng cho các cơ quan báo chí khác.

Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam mong muốn, Hội Nhà báo hai nước sẽ bàn bạc thảo luận có những phương án hợp tác chuyên môn hiệu quả, nắm bắt xu thế, gắn kết các phóng viên, nhà báo và lãnh đạo các cơ quan báo chí với nhau; mong muốn hai nước sẽ có sự giao lưu, gắn kết thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao.

Nói về báo chí ASEAN, ông Chavarong Limpattamapanee - Chủ tịch Hội đồng Báo chí Quốc gia Thái Lan - cho biết, vào tháng 7 vừa qua, ông và Hội Nhà báo Thái Lan đã có chuyến công tác đến Campuchia và Lào, ông nhận thấy nhiều bước phát triển đáng tự hào của báo chí nước bạn, đồng thời mong muốn cùng với Hội Nhà báo Việt Nam sẽ cùng hỗ trợ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động báo chí ở Lào và Campuchia, góp phần nâng tầm báo chí ASEAN.

Nhắc đến vấn đề tin giả đang là vấn nạn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực, ông Anucha bày tỏ mong muốn có sự kết nối, trao đổi báo chí giữa Việt Nam và Thái Lan để tăng cường nguồn thông tin chính thống, hạn chế tin giả. Đồng thời, mở các lớp tập huấn ngôn ngữ cho các phóng viên, nhà báo của hai nước.

Để đấu tranh với tin giả đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ khi làm báo, kiểm tra thông tin, kết hợp ý kiến các chuyên gia chia sẻ với những người làm báo thì sẽ có lợi hơn. Cần tăng cường sức đề kháng cho các nhà báo trẻ khi họ bắt đầu làm báo.

Ông Anucha cho biết đã mở lớp học tiếng Việt cho nhà báo Thái Lan, những nhà báo có điểm cao đã được gửi đến Việt Nam thực tập, việc tập huấn ngôn ngữ cần nguồn lực tài trợ cho chương trình này. Thực tế đã có nhà báo Việt Nam học tiếng Thái Lan và được cử sang Thái Lan làm việc.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu Hội Nhà báo Thái Lan, ông Lê Quốc Minh cho rằng, tin giả không chỉ là vấn đề của quốc gia mà là vấn đề lớn của khu vực, của thế giới. Cần có sự liên kết, chia sẻ những thông tin chính thống giữa hai nước với tiêu chí “Đúng - Nhanh - Trúng – Hay”.

Chủ tịch Lê Quốc Minh mong muốn sẽ có một Group để các nước thành viên thông báo cho nhau những tin giả ở nước đó và khu vực nhằm ngăn chặn hậu quả do tin giả gây ra.

Nhân kỷ niệm 48 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thái Lan (06/8/1976 - 06/8/2024), ông Lê Quốc Minh đề nghị hai bên cần tăng cường thiết lập mối quan hệ trực tiếp, hỗ trợ kỹ thuật lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, chia sẻ mô hình áp dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực báo chí - truyền thông.

Trên phương diện hợp tác giữa các cơ quan báo chí Việt Nam - Thái Lan, Hội Nhà báo Việt Nam mong rằng, hai bên sẽ làm việc với nhau tích cực và có sự trao đổi thường xuyên hơn nhằm cụ thể hóa những điều khoản của Thỏa thuận hợp tác, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cử các đoàn công tác báo chí trao đổi chuyên môn nghiệp vụ giữa hai Hội Nhà báo. Tạo điều kiện cho các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan thông tin đối ngoại của hai nước xuất bản tin tức về hai nước.

Hai bên tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình một cách tốt nhất để thúc đẩy sự đồng thuận trong hoạt động báo chí, giúp người dân hai quốc gia có thể hiểu đúng về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân.

Trong khuôn khổ Liên đoàn báo chí ASEAN, các nhà báo hai bên cùng hợp tác với nhau trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là về mặt nghiệp vụ nhằm tăng cường sức mạnh liên kết để xây dựng CAJ trở thành một tổ chức gắn kết, giúp nhau cùng phát triển, góp phần củng cố sự đoàn kết, tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa các nhà báo nói riêng, nhân dân trong khu vực ASEAN nói chung./.

Cùng chuyên mục
Báo chí cần tăng cường hợp tác để đấu tranh chống tin giả