Bảo đảm cân bằng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

(BKTO) - Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định người lao động chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng, không bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng. Quy định này nhằm bảo đảm cân bằng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và khuyến khích người lao động sớm tìm kiếm việc làm, trở lại thị trường lao động.

202503251425195715_z61_6054.jpg
Các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Thời gian đủ dài để người lao động tìm kiếm công việc mới

Chiều 25/3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, các đại biểu thảo luận về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Tại Phiên thảo luận, quy định về mức hưởng, thời gian hưởng, hồ sơ, trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm.

Về vấn đề này, tại Báo cáo một số vấn đề trong tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Hội nghị, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội - cho biết với quy định thời gian đóng BHTN không được bảo lưu (khoản 2 Điều 44), có nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định thời gian đóng BHTN trên 144 tháng thì không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo trong Dự thảo Luật.

Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội thấy rằng theo quy định của Luật Việc làm hiện hành và Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), thời gian đóng BHTN trên 144 tháng thì không được bảo lưu. Nếu người lao động đã đóng BHTN vượt quá thời gian này nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp, phần vượt quá sẽ không được cộng dồn hay bảo lưu cho những lần hưởng trợ cấp thất nghiệp sau này. Như vậy, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng.

Theo Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội, việc giữ quy định này làm ảnh hưởng đến người lao động có thời gian tham gia BHTN dài nhưng chưa từng hoặc ít khi hưởng trợ cấp thất nghiệp, vì họ có thể mất đi một phần quyền lợi đã đóng góp bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Điều này cũng gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng, sẽ mất đi những người lao động làm việc lâu năm, hoặc người lao động sẽ phối hợp với người sử dụng lao động trục lợi chính sách trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, quy định cũng sẽ khiến người lao động có tâm lý không mặn mà quay lại quan hệ lao động chính thức.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định trên giới hạn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng giúp bảo đảm cân bằng Quỹ BHTN và khuyến khích người lao động sớm tìm kiếm việc làm, trở lại thị trường lao động. "Chính phủ cũng giữ quan điểm này" - Ủy ban Xã hội cho hay.

202503251648492449_z81_4650.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Tham gia thảo luận tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) bày tỏ tán thành quy định "Thời gian đóng BHTN trên 144 tháng thì không được bảo lưu". Theo đại biểu, trong nền kinh tế hiện nay, khoảng thời gian tối đa 12 tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp như Dự thảo Luật là đủ dài để người lao động có thời gian tìm kiếm công việc mới. Đồng thời, việc giới hạn thời gian tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng là động lực để người lao động cố gắng tìm việc trong thời gian đó, tránh tạo sự ỷ lại.

Giải trình, làm rõ thêm vấn đề này, ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Nội Vụ - nêu rõ Quỹ BHTN là quỹ ngắn hạn và phải làm sao đảm bảo sự chia sẻ. Việc giữa đóng và hưởng thời gian gần đây đảm bảo Quỹ BHTN tương đối cân bằng. Vì vậy, với quy định như hiện nay là phù hợp với Quỹ BHTN cũng như học tập kinh nghiệm từ các nước như Hàn Quốc tối đa là 8 tháng, Nhật Bản và Đức tối đa 12 tháng, Thái Lan tối đa 6 tháng.

“Quy định như vậy sẽ đảm bảo kết dư Quỹ BHTN và là cơ sở để triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động cũng như người sử dụng lao động. Do đó, chúng tôi đề nghị tiếp tục giữ thời gian bảo lưu 144 tháng” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Đơn giản, thuận lợi, ứng dụng công nghệ trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đề nghị, Điều 34 về nguyên tắc BHTN cần nhấn mạnh việc ứng dụng nghệ trong quản lý và giải quyết chế độ BHTN, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và minh bạch thông tin cho người lao động. Theo đó, Điều 34 Dự thảo Luật sửa đổi như sau: Việc thực hiện BHTN phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia, ưu tiên ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian xử lý.

202503251533455559_z81_4488.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Về điều kiện hưởng BHTN, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) nêu rõ, khoản 3 Điều 43 Dự thảo Luật ghi “đã nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc”.

Đại biểu đề xuất bổ sung thêm địa chỉ cụ thể về địa điểm tiếp nhận hồ sơ này, có thể là tổ chức dịch vụ việc làm công hoặc Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong thời hạn 3 tháng. “Việc quy định địa điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký của người lao động nhằm thực hiện đúng khoản 4 của Điều 34 về nguyên tắc BHTN, đó là việc thực hiện BHTN phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, phải kịp thời, đầy đủ, bảo vệ quyền lợi của người tham gia. Bản chất đây là điều kiện để làm rõ việc tiếp nhận hồ sơ hưởng BHTN do cơ quan nào thực hiện và tư vấn cho người lao động nếu muốn quay trở lại thị trường lao động” – đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Quan tâm đến quy định về chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho biết, tại Điểm d Khoản 4 Điều 46 Dự thảo Luật quy định, sau 2 lần từ chối nhận việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm giới thiệu mà không có lý do chính đáng thì người lao động sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, quy định như vậy là chưa chặt chẽ. “2 lần cách nhau bao nhiêu, mỗi lần cách nhau 2 tuần và 2 lần thì ít quá. Tôi đề nghị phải 3 lần, mỗi lần cách nhau tối thiểu là 1 tháng và phải thông báo việc làm mới. Ví dụ, có một việc làm nào đó giới thiệu cho người lao động, nhưng được khoảng 1 tháng, thậm chí chỉ 2 tuần, người ta không thích công việc đấy, người ta không muốn đến cơ quan đấy nhưng cứ giới thiệu, tính vào đấy để cắt bảo hiểm của người ta; cho nên, cần quy định lại cho chặt chẽ” - đại biểu nhấn mạnh.

Điều 44 Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định mức hưởng, thời gian hưởng, thời điểm hưởng và hồ sơ, trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng BHTN.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Thời gian đóng BHTN trên 144 tháng thì không được bảo lưu.

Cùng chuyên mục
Bảo đảm cân bằng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp