Mở rộng đối tượng, linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

(BKTO) - Góp ý hoàn thiện Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm khắc phục bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, các đại biểu đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo hướng mở rộng đối tượng đóng, linh hoạt mức đóng BHTN thay vì cố định mức này như Luật hiện hành...

271120241015-z6073364815223_b1d716f28dcc04bb564b722b69fa2e90.jpg
Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ

Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sắp tới.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá, Dự thảo Luật đã thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 42-NQ/TW; các nội dung cải cách về chính sách BHTN của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Dự thảo Luật bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15.

So với Luật Việc làm năm 2013, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) gồm 9 chương và 94 điều, có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách BHTN là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) đánh giá cao quy định về việc giảm tỷ lệ đóng BHTN của người sử dụng lao động và người lao động.

202411091348289931_dsc_0380s.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân góp ý về chính sách BHTN trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Theo quy định hiện hành, người lao động và người sử dụng lao động đóng BHTN cố định bằng 1% tiền lương tháng. Dự thảo Luật quy định giảm tỷ lệ đóng BHTN theo hướng linh hoạt: người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách Trung ương bảo đảm. Đồng thời, Dự thảo Luật giao cho Chính phủ căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ BHTN quy định chi tiết mức đóng.

Đại biểu Trần Thị Vân nêu rõ, quy định như Dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp. Về cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW cũng nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định về mức đóng, tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Về cơ sở thực tiễn, Quỹ BHTN kết dư khá lớn từ năm 2010 đến nay. Theo Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Việc làm, từ năm 2010 đến hết năm 2020 số thu luôn vượt số chi và đến hết năm 2020 kết dư Quỹ BHTN lên đến gần 90 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, quy định về khoảng thời gian đóng từ 12 đến 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp chưa thật sự tạo công bằng giữa người tham gia 12 tháng và người tham gia 36 tháng, đồng thời quy định thời gian hưởng BHTN tối đa 12 tháng là không phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng của BHTN.

Đại biểu đề nghị bỏ quy định thời gian hưởng tối thiểu là 3 tháng thay vào đó là tính hưởng theo thời gian đóng, đóng đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng, sau đó đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Đồng thời, bỏ quy định không bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng. Đối với người lao động khi nghỉ hưu còn thời gian tham gia BHTN chưa được hưởng cũng được hưởng một khoản trợ cấp BHTN một lần tương tự như khi tham gia BHTN để bảo đảm tính công bằng có đóng, có hưởng của người lao động.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHTN theo hướng bổ sung đối tượng tham gia BHTN gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên (hiện nay từ 03 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

271120240902-z6073083334488_607d3d51458fa8bd8dc24e66f843ad3d.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm đồng tình cao việc mở rộng đối tượng tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Đồng tình cao với quy định của Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH Quảng Bình) cũng thống nhất quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia BHTN đối với đối tượng khác ngoài các đối tượng được quy định tại khoản 1 điều 56 Dự thảo Luật mà có việc làm, thu nhập ổn định trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội qua từng thời kỳ; đảm bảo tính linh động, chủ động trong quá trình áp dụng.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nhóm đối tượng chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo quy định vào đối tượng tham gia BHTN.

“Đây là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Mặt khác, trong quá trình hoạt động kinh doanh thì nhóm đối tượng này cũng có thể gặp khó khăn dẫn đến mất việc làm và thất nghiệp. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc để bổ sung nhóm đối tượng này” - đại biểu Nguyễn Minh Tâm nói.

Trong khi đó, đại biểu Thái Thu Xương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) đề nghị mở rộng đối tượng tham gia đóng BHTN theo hướng tự nguyện. Theo đại biểu, thực tế cho thấy, đối tượng tham gia chủ yếu là đối tượng có hợp đồng lao động, còn các đối tượng không có hợp đồng lao động, lao động tự do không được đóng BHTN, trong khi những đối tượng này có nguy cơ thất nghiệp nhiều hơn. Việc mở rộng đối tượng này cũng nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết số 28 của Trung ương, qua đó nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Đặc biệt, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, có giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết các vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHTN.

"Chúng ta nên đưa ra và có hướng xử lý như với bảo hiểm xã hội. Người lao động mong muốn đóng góp BHTN để chẳng may khi bị mất việc làm thì còn có sự hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng thì người lao động sẽ không được hưởng chế độ BHTN. Do đó, cần nghiên cứu để thực hiện, không nên đẩy vấn đề khó khăn này cho người lao động" - đại biểu Thái Thu Xương nêu quan điểm.

Cùng chuyên mục
Mở rộng đối tượng, linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp