Bảo đảm khả thi, minh bạch trong chính sách thuế giá trị gia tăng

(BKTO) - Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện quy định về lĩnh vực thuế giá trị gia tăng (GTGT), góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế…

hoan-thue.jpg
Sửa đổi Luật Thuế GTGT nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc, nâng cao hiệu quả quản lý loại thuế này. Ảnh: vneconomy.vn

Khắc phục vướng mắc trong chính sách thuế giá trị gia tăng

Tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì tổ chức mới đây, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 được thông qua ngày 03/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Sau 15 năm thi hành đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với những thay đổi, bổ sung mới trong hệ thống pháp luật, đến thời điểm này, một số quy định trong Luật Thuế GTGT hiện hành đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế GTGT nhằm hoàn thiện quy định về lĩnh vực này, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế...

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đều tán thành việc sửa đổi Luật Thuế GTGT nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu. Đồng thời, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, qua đó góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Việc sửa đổi Luật lần này cũng phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, thống nhất…

Quy định rõ ràng, minh bạch về đối tượng không chịu thuế

Về cơ bản, Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. Trong đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 10 Điều của Luật hiện hành gồm: người nộp thuế; đối tượng không chịu thuế; giá tính thuế; thuế suất; phương pháp khấu trừ thuế GTGT đầu vào; các trường hợp hoàn thuế; hiệu lực thi hành; tổ chức thực hiện.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật đã rà soát, thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy vẫn còn 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế, nhưng đã chuyển 07 hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT sang nhóm chịu thuế GTGT, bao gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng.

Về hoàn thuế GTGT, Dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng được hoàn thuế đối với “cơ sở kinh doanh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 04 quý”. Nhiều ý kiến đánh giá, đây là bước thay đổi mang tính đột phá, giúp các DN có sản phẩm dịch vụ được ưu đãi thuế GTGT đầu ra 5%, thấp hơn thuế GTGT đầu vào (nhiều sản phẩm có thuế gia trị gia tăng đầu vào khoảng 7-8%) tháo gỡ khó khăn, được thực hiện ưu đãi trọn vẹn đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ khuyến khích.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, liên quan đến đối tượng không chịu thuế GTGT, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, để phù hợp với các luật chuyên ngành và đảm đảm tính rõ ràng, minh bạch, thống nhất trong thực tiễn; đề nghị sửa đổi điểm g, khoản 9, Điều 5: Đối tượng không chịu thuế như sau: “g. Hoạt động/hoặc sản phẩm/ phái sinh bao gồm: Giao dịch hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; hợp đồng quyền chọn; hoán đổi; dịch vụ phái sinh khác theo quy định của pháp luật".

Trong khi đó, TS. Nguyễn Minh Hằng - Trưởng Bộ môn Luật Tài chính - ngân hàng, Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội kiến nghị bổ sung việc vận chuyển hành khách công cộng bằng tàu hỏa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; thay đổi mức doanh thu không phải chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh; sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 7 theo hướng hàng hóa, dịch vụ dùng để tặng, cho, biếu với mục đích từ thiện thì giá tính thuế được xác định bằng 0.

ThS. Nguyễn Đức Ngọc - Giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, trước năm 2015, phân bón đã từng là mặt hàng chịu thuế GTGT 5%, sau đó theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế thì phân bón được chuyển thành mặt hàng không chịu thuế. Do đó, ông Ngọc kiến nghị cần làm rõ hơn cơ sở thực tế và mục đích chính sách để loại bỏ phân bón khỏi đối tượng không chịu thuế GTGT. Theo đó, để hài hoà giữa người sản xuất phân bón và người sử dụng phân bón trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, có thể cân nhắc xếp sản xuất phân bón vào nhóm hàng thuộc diện chịu thuế suất 0%.

Liên quan đến vấn đề chuyển nhượng dự án, ông Ngọc nêu thực tế, trong triển khai chuyển nhượng vốn của các doanh nghiệp dự án, nhiều địa phương không chấp nhận hình thức chuyển nhượng vốn mà yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục của chuyển nhượng dự án, để đảm bảo đúng điều kiện đã phê duyệt của dự án. Tuy nhiên, điều này lại làm phát sinh những thắc mắc liên quan về thuế, nhất là khi chuyển nhượng dự án được xếp vào đối tượng chịu thuế còn chuyển nhượng vốn lại là đối tượng không chịu thuế GTGT.

Do đó, ông Ngọc đề xuất bổ sung chuyển nhượng dự án là đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT để phù hợp với logic chung của việc xác định các giao dịch vốn đều không thuộc diện chịu thuế GTGT.

Theo chương trình dự kiến, Dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32 tới đây, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Cùng chuyên mục
Bảo đảm khả thi, minh bạch trong chính sách thuế giá trị gia tăng